Pháp luật

Bồi thường oan sai: Ông Chấn - ông Nhàn, “một mười một tịt”?

Sau những hàm oan vướng vòng lao lý, cơ chế bồi thường nhà nước theo Luật định có đảm bảo công bằng cho mọi công dân ?

Sau những hàm oan vướng vòng lao lý, cơ chế bồi thường nhà nước theo Luật định có đảm bảo công bằng cho mọi công dân?

Trao đổi với PV, ông Lê Thái Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ giải quyết bồi thường, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết: Việc xác định thiệt hại để tính toán mức bồi thường cho các trường hợp bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự đã được quy định cụ thể tại các Điều từ 45 đến 51 của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (trái) và ông Trương Bá Nhàn, hai nạn nhân trong hai vụ án oan với tình tiết tương tự.

Để có cơ sở tính toán bồi thường cho vụ việc của ông Trương Bá Nhàn và ông Nguyễn Thanh Chấn thì còn phải căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ việc. Việc xác định thiệt hại để được bồi thường trong các vụ việc khác nhau là hoàn toàn khác nhau bởi nhiều lý do. Thứ nhất, mỗi người bị thiệt hại gánh chịu những thiệt hại là khác nhau tùy từng vụ việc cụ thể, do vậy, cơ sở để tính toán mức bồi thường cũng là khác nhau mà không thể giống nhau giữa các vụ việc. Thứ hai, để được bồi thường, người bị thiệt hại còn có trách nhiệm chứng minh thiệt hại của mình bằng các tài liệu, chứng cứ mà mình có thể cung cấp.

“Đối với 02 vụ án oan nêu trên thì quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng thuộc về trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân”, ông Phương nói.  

Trước đó, như trên rất nhiều các phương tiện truyền thông đã đưa tin, ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) sau thời gian ngồi tù 10 năm, đã được TAND Tối cao thoả thuận bồi thường cho ông với số tiền là 7,2 tỷ đồng trong vụ án oan chấn động dư luận suốt một thời gian dài.

Ông Trương Bá Nhàn (Bình Phước) được tại ngoại sau 1.346 ngày bị bắt giam (hơn 3,5 năm) và 9 năm trời ròng rã sau đó vác lá đơn kêu oan tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chỉ đến khi Quốc hội nhận được đơn của ông và trực tiếp chỉ đạo, VKSND TP. Hồ Chí Minh mới thực hiện xin lỗi và bồi thường số tiền 295,6 triệu đồng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao hai vụ án oan với hai con người đều cùng bị khởi tố tội danh giết người theo Bộ Luật hình sự, tình tiết vụ án gần như tương tự nhưng lại có mức bồi thường khác nhau đến như vậy ? Theo ý kiến của người đại diện Cục Bồi thường Nhà nước, có thể hiểu cơ sở tính toán để đưa ra mức bồi thường trong những trường hợp này không thuộc trách nhiệm của Cục.

Còn đối với Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thì những câu trả lời nêu trên có phần chưa thoả đáng và còn rất chung chung. “Phải chăng do vụ việc của ông Chấn được các cơ quan thông tin đại chúng chú ý hơn nên được hưởng mức bồi thường cao hơn hẳn?”, ông Tú đặt ra nghi vấn.

Ông Tú nói tiếp: "Trong mơ, những người hành nghề luật sư chúng tôi cũng không thể hình dung ra được số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn lên tới 7,2 tỷ đồng. Ắt hẳn, chúng tôi rất vui mừng cho ông Chấn nhưng pháp luật được ban hành và áp dụng phải bình đẳng với mọi con người.

Án oan rồi lại án oan, hồ sơ vụ án Trương Bá Nhàn không khỏi để lại trong chúng tôi những suy nghĩ. Án oan đã phá nát hạnh phúc gia đình của người đàn ông này".

“Những tổn thất về tinh thần thì không thể định lượng được nhưng mức bồi thường giữa 2 vụ án trên quả là “một mười một tịt”, luật sư nhận định.

“Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước ra đời ngày 18/06/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, được kỳ vọng là một bước tiến dài trong việc giải quyết những tồn đọng trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Nhưng đến nay, qua một vài vụ án đã bộc lộ nhiều điểm cần phải xem xét lại để sửa đổi, bổ sung. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết. Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là cần thay đổi từ lề lối làm việc của những người thi hành công vụ. Có như thế, người oan sai không còn bị “đánh đố” để nhận được bồi thường xứng đáng và công bằng” - LS. Trương Anh Tú. 


>> Bị cáo trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn chấp nhận án tù
>> Luật sư khóc vì buổi xin lỗi người tù oan 4 năm diễn ra chỉ 15 phút

Theo Quảng Định (Nguoiduatin.vn)