Thế giới

Phát hiện người thứ hai tự khỏi HIV

Một bệnh nhân HIV tự khỏi sau khi nhiễm virus được phát hiện bởi các nhà khoa học ở Argentina, dấy lên hy vọng phát triển thuốc đặc trị trong tương lai.

Bệnh nhân là một phụ nữ người Argentina ở độ tuổi 30 ở thành phố Esperanza, được xác định không còn virus gây bệnh trong cơ thể, tám năm sau khi cô được chẩn đoán nhiễm HIV.

Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Harvard công bố việc phát hiện bệnh nhân kể trên tại hội thảo quốc tế với sự góp mặt của nhiều chuyên gia HIV, mang lại hy vọng chế tạo thuốc đặc trị trong tương lai cho hơn 38 triệu bệnh nhân nhiễm HIV trên thế giới.

Được biết đến với tên gọi "bệnh nhân Esperanza", đây là bệnh nhân tự khỏi HIV thứ hai được phát hiện. Trước đó, Loreen Willenberg, 67 tuổi, ở San Francisco (Mỹ), là bệnh nhân HIV tự khỏi đầu tiên giới khoa học phát hiện ra.

"Phát hiện một bệnh nhân có khả năng tự khỏi bệnh [không có virus có thể nhân bản] là tốt, nhưng phát hiện hai người quả thực có ý nghĩa hơn rất nhiều," Natalia Laufer, nhà nghiên cứu HIV tại Buenos Aires (Argentina) và là bác sĩ riêng của bệnh nhân kể trên cho biết.

"Điều đó có nghĩa là sẽ còn nhiều người giống như vậy trong cộng đồng. Đây là một bước tiến lớn trong thế giới nghiên cứu chữa trị HIV. Sau khi chẩn đoán, các xét nghiệm của bệnh nhân khiến chúng tôi ngạc nhiên," bà Laufer nói thêm.

Phát hiện người thứ hai tự khỏi HIV
Ảnh minh họa: Shutterstock

Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV năm 2013. Bạn trai cô ở thời điểm đó đã chết vì AIDS, nhưng cô vẫn sống bình thường. Bạn trai hiện tại và con của cô đều âm tính với HIV, Laufer cho biết thêm, đồng thời miêu tả cô là một người "khỏe mạnh, xinh đẹp, có vóc dáng thể thao".

Hai bệnh nhân kể trên - bệnh nhân Esperanza và Loreen Willenberg - được cho là thuộc nhóm cực hiếm những người không điều trị bằng liệu pháp kháng virus retro để chống lại HIV nhưng không có dấu hiệu của virus trong máu.

Thông thường, khi một người nhiễm HIV, virus sẽ bám vào DNA tế bào miễn dịch của họ và sinh sôi từ đó.

Tuy vậy, khoảng 1/200 bệnh nhân, được gọi là nhóm kiểm soát cấp cao, hầu hết virus bám vào các phần không hoạt động trong bộ gene, không gây ra nguy hiểm gì. Lượng virus còn lại bị hệ miễn dịch của cơ thể họ tiêu diệt.

Virus HIV làm giảm khả năng chống lại các mầm bệnh khác của bệnh nhân, trong đó giai đoạn nặng và gây chết chóc nhất là AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).

Các thuốc kháng virus hiện tại đảm bảo rằng hệ miễn dịch của bệnh nhân dương tính với HIV đủ khỏe mạnh để giảm nguy cơ căn bệnh tiến triển, nhưng có thể tương đối đắt đỏ.

Giáo sư Xu Yu, nhà nghiên cứu HIV tại Viện Ragon, Trường Y Harvard cho rằng các trường hợp bệnh nhân HIV được "chữa khỏi" trước đây thường liên quan tới cấy ghép tế bào gốc, vốn có nguy cơ cao.

Phát hiện mới và những hiểu biết mới về việc nhóm bệnh nhân "kiểm soát cấp cao" đối phó với virus như thế nào sẽ "mở ra cánh cửa mới cho một phương pháp điều trị tiềm năng", giáo sư Xu nhận xét.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)