Thể thao

Vì sao giá bản quyền Premier League luôn đắt đỏ?

Người hâm mộ Việt Nam có nguy cơ không được xem Ngoại hạng Anh trên truyền hình mùa tới khi các nhà đài "chê" mức giá bản quyền của giải đấu xứ sương mù quá cao. Nhưng do đâu mà mức giá bản quyền của Premier League lại cao hơn so với những La Liga hay Bundesliga?

Người hâm mộ Việt Nam có nguy cơ không được xem Ngoại hạng Anh trên truyền hình mùa tới khi các nhà đài "chê" mức giá bản quyền của giải đấu xứ sương mù quá cao. Nhưng do đâu mà mức giá bản quyền của Premier League lại cao hơn so với những La Liga hay Bundesliga?

Việc có nhiều ứng cử viên cạnh tranh ngôi vô địch tạo nên sự hấp dẫn cho Premier League.

Hơn nữa, Ngoại hạng Anh luôn ẩn chứa những điều không tưởng. Việc Leicester mùa này đang tiến gần hơn bao giờ hết đến ngôi vô địch như một câu chuyện cổ tích đầy hấp dẫn. Đó là điều không tưởng đối với những giải đấu lớn khác tại châu Âu. Đầu mùa giải khi nhắc tới nhà vô địch, người ta nghĩ ngay tới Bayern Munich, Juventus, PSG, Barcelona và Real Madrid. Ở Anh lại là một câu chuyện khác. Hồi đầu mùa này, mặc cho đang là nhà ĐKVĐ nhưng Chelsea chỉ được đánh giá cao (nên nhớ là được đánh giá cao thôi nhé) chứ chưa hoàn toàn là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch. Giữa việc đánh giá cao và ứng cử viên hàng đầu gần như chắc suất cho ngôi vô địch là hoàn toàn khác nhau.

Nếu ví một mùa giải như bộ phim dài tập chiếu thành nhiều serie qua hàng năm thì người ta có thể trả lời câu hỏi sau để hiểu được vì sao Premier League lại hấp dẫn hơn. Bạn thích xem bộ phim có nhiều nhân vật với nhiều tính cách khác nhau thay đổi qua mỗi season (mùa), hay bộ phim chỉ có một nhân vật độc thoại từ đầu đến cuối qua từng năm, hay bộ phim chỉ có hai nhân vật đấu đi đấu lại?
 
Khi Premier League kịch tính và hấp dẫn, giá bản quyền truyền hình cũng tăng cao khi khán giả muốn xem một giải đấu giàu sức cạnh tranh với sự bất ngờ kéo dài đến những phút cuối cùng.

Sức mạnh của sự quảng bá
 
Trong khi người Anh đang khai phá một loạt thị trường mới thì những giải đấu khác lại chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Premier League có đến 80 nhà phân phối khác nhau để đưa sóng truyền hình đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, họ chủ yếu hướng tới khu vực châu Á và châu Phi. Các câu lạc bộ Premier League những năm gần đây thường xuyên liên kết với các đối tác châu Á để mở học viện đào tạo trẻ, nhằm duy trì sức ảnh hưởng nhất định đến nền bóng đá của các quốc gia được họ coi là thị trường tiềm năng, tiêu biểu như Việt Nam hay Thái Lan.
 
Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu bởi các quốc gia tại châu Á và châu Phi có rất ít những câu lạc bộ giàu truyền thống cùng bề dày lịch sử. Vì thế, các câu lạc bộ địa phương khó tạo được lượng cổ động viên trung thành lớn. Khi bóng đá Anh đến và mang theo cả những câu chuyện về một nền văn hóa của câu lạc bộ, những cổ động viên vốn có mối liên kết lỏng lẻo với các đội bóng địa phương là đối tượng dễ dụ hoặc nhất. Và khi họ có lượng lớn cổ động viên đồng nghĩa với việc Premier League giàu sức thu hút do sự quan tâm của các fan hâm mộ.
 

Những học viện như Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG đem bóng đá Anh đến gần hơn với các CĐV bản địa.

Nếu chỉ phát triển ở châu Âu, Premier League khó lòng đạt được thành tựu như mong muốn khi lục địa già có quá nhiều câu lạc bộ có bề dày lịch sử lâu năm. Do đó, các cổ động viên trung lập cũng rất ít kéo theo việc phát triển đội ngũ người hâm mộ trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là sự quan tâm tới giải đấu cũng ít hơn.
 
Thế nên sự quan tâm của các cổ động viên cũng tạo nên sức hút cho Premier League. Và khi sức hút càng lớn thì dĩ nhiên, giá bản quyền càng được dịp để tăng cao hơn.

Giới truyền thông lắm chuyện
 
Một yếu tố khác nữa tạo nên thương hiệu của Premier League chính là sự "cần cù" của giới truyền thông. Sự nhanh nhạy của giới truyền thông tại xứ sở sương mù cũng là một phần nguyên nhân tạo nên thành công của Premier League. Giới truyền thông Anh rất chịu khó khai thác rất nhiều thông tin đa chiều về bóng đá, từ những phân tích chuyên môn kén người đọc đến những tin tức giải trí hậu trường để thỏa mãn tính tò mò của một bộ phận cổ động viên đều có đủ cả.
 
Hơn nữa, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ quốc tế nên rất nhiều người sử dụng để tìm kiếm trên các công cụ trực tuyến như Google. Vì vậy, những thông tin về bóng đá Anh dễ tiếp cận người đọc hơn cả so với những trang báo tiếng Tây Ban Nha, Italia, Pháp hay Đức. Khi người đọc bị cuốn vào "ma trận" do giới truyền thông Anh tạo nên nhờ sức mạnh của sự phổ cập ngôn ngữ, việc họ quan tâm đến Premier League nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.
 
Vì vậy, việc giá bản quyền Premier League tăng cao đột biến trong giai đoạn 2016-2019 cũng là điều dễ hiểu. Theo dự đoán, Premier League sẽ thu về số tiền hơn 5 tỉ bảng từ việc bán bản quyền truyền hình trong giai đoạn 2016-2019, gần gấp đôi so với giai đoạn 2013-2016 (hơn 3 tỉ bảng). Vấn đề là người hâm mộ Việt Nam có chấp nhận xu thế tất yếu này, hay sẽ tìm kiếm một giải pháp khác khi các nhà đài Việt Nam vẫn bế tắc trong việc thương lượng mua bản quyền Premier League.
Theo Như Đạt (Bongda24h.vn)