Sau khi rủ rê hàng trăm người góp hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, Ph. cắt liên lạc, rời khỏi địa phương khiến các con hụi người đổ nợ, kẻ tán gia bại sản.
Nhiệt tình làm từ thiện rồi rủ rê góp hụi
Những ngày cuối năm 2022, hàng chục người dân cầm theo loa máy, hương đèn tụ tập trước ngôi nhà mặt tiền trên đường Ngự Bình (TP Huế, tỉnh TT-Huế) của bà Châu Ngọc U.Ph.
Khi người dân đến, căn nhà được khoá trái cửa. Những người quá khích đã in ảnh của nữ chủ nhà, đốt hương đèn “khấn” bà Ph. trả nợ tiền.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Mỹ P. (trú thị trấn Phong Điền) cho biết, cũng giống như chị, hàng chục người dân tụ tập ở đây vì bị bà Ph. ôm tiền góp hụi rồi không trả.
Theo chị P., bà Châu Ngọc U.Ph. được nhiều người trên địa bàn biết đến sau khi bà này tham gia một số hoạt động từ thiện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và đăng tải rầm rộ lên Facebook cá nhân.
Khoảng đầu năm 2022, bằng nhiều hình thức khác nhau, Ph. đã dụ dỗ khoảng 100 người góp hụi cho mình với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Người ít như em thì góp cho Ph. hơn 100 triệu đồng, còn có nhiều người góp hàng tỷ. Trước đây, thông qua một số hoạt động từ thiện, em và Ph. quen nhau. Khi Ph. nói chung hụi để lấy tiền lãi hàng tháng, em cùng một số người nữa vì tin tưởng nên tham gia.
Nhưng không ngờ, góp cả năm không lấy được một đồng tiền lãi. Đến khi biết tin Ph. vỡ hụi, tìm đến nhà thì đã bặt vô âm tín. Chủ hụi ôm tiền tỷ bỏ trốn khiến những người trong nhóm kẻ thì đổ nợ, người tán gia bại sản”, chị P. chia sẻ.
Cũng theo chị P., sau khi hay tin bà Ph. vỡ hụi, hàng chục nạn nhân đã viết đơn tố cáo, gửi công an địa phương.
Tiềm ẩn rủi ro
Chơi hụi, bản chất là hoạt động góp vốn, có tính chất tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, nhiều người dân trong thời gian ngắn có thể tiếp cận vốn để làm ăn.
Tuy nhiên, cũng vì hụi mà nhiều gia đình đã lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Nhiều người dân sinh ở TT-Huế dường như không quá lạ lẫm khi mỗi năm có khoảng 1 đến 2 lần, họ lại nghe râm ran những vụ vỡ hụi tiền tỷ.
Gần đây nhất, vào cuối năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thái Nhã Ca (SN 1996, trú tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Ba, TP Huế) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công an, từ năm 2018, Ca đứng ra tổ chức cầm hụi và cho vay tiền. Quá trình làm ăn, do phải trả nợ cho gia đình, chữa bệnh cho người thân và bị mất tiền do bị “chạy hụi”, Ca bị thâm hụt tiền của nhiều người góp hụi.
Đến tháng 10/2020, số tiền Ca thâm hụt lên đến hàng tỷ đồng.
Đến kỳ trả tiền lãi cho người chơi hụi và số tiền của người rút hụi kỳ cuối quá lớn, Ca nói dối là đang có nhiều dây hụi mới để những người chơi hụi tham gia, nhằm lấy tiền của những người này dùng chi trả cho những khoản tiền đã thâm hụt trước đó.
Ngoài ra, Ca còn đưa thông tin gian dối về việc quen biết với nhiều lãnh đạo ngân hàng và cần tiền cho vay đáo hạn ngân hàng, nhằm lừa chiếm đoạt số tiền hơn 580 triệu đồng của 1 người dân.
Chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo Công an tỉnh TT-Huế cho biết, đã có quy định của pháp luật về nguyên tắc tổ chức hụi, văn bản thoả thuận về hụi, thứ tự lĩnh hụi, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên và chủ hụi…Tuy nhiên, hiện nay các chủ hụi tổ chức chơi hụi và những người tham gia có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp.
Các chủ hụi và các thành viên chơi hụi không nắm hoặc cố tình không nắm những quy định của pháp luật.
Thông thường, các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc, số tiền lớn nhưng không báo cho UBND nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi. Vì vậy, các đơn vị chức năng không nắm thông tin về các đường dây hụi.
Chủ hụi tổ chức dây hụi thông qua kêu gọi các thành viên trên mạng xã hội dẫn đến nhiều thành viên tham gia hụi không quen biết nhau, không họp khi mở hụi.
Điều này thuận lợi cho chủ hụi điều tiết việc thành viên nào sẽ được nhận hụi hoặc liên tục “ôm hụi” trong suốt các kỳ mở hụi và chỉ việc trả lãi cho các thành viên theo thỏa thuận.
Ngược lại, các con hụi đa phần không muốn bốc hụi sớm, mong muốn nhận lãi suất trong suốt các kỳ mở hụi cho đến kỳ hụi kết thúc mới nhận lại tiền đã đóng. Hoạt động tổ chức hụi có lãi theo hình thức trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ chạy hụi, bể hụi.
Nếu chủ hụi không sử dụng hiệu quả đồng vốn của các con hụi đã đóng thì đến một lúc nào đó sẽ mất khả năng thanh toán lãi và tiền hụi của các con hụi đã đóng.
“Nhiều đợt vỡ hụi, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn, nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào. Đó là vì tin tưởng nhau, vì lãi suất cao. Công an tỉnh TT-Huế khuyến cáo người tổ chức hoặc tham gia chơi hụi phải nắm rõ và tuân theo đúng các quy định của pháp luật về hụi.
Nghiêm cấm tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các vi phạm pháp luật khác”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Nhiều người tham gia hụi, họ với mong muốn tích góp được khoản tiền lớn. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia. Nhiều vụ vỡ họ, hụi xảy ra khiến không ít người có nguy cơ mất trắng tài sản, gia đình tan vỡ.
Theo Quang Thành (VietNamNet)