Xã hội

Nữ sinh 15 tuổi bị cưa chân có thể kiện bác sĩ

Theo luật sư, các bác sĩ tắc trách khiến thiếu nữ tàn tật suốt đời có thể bị xử lý hình sự. Gia đình nạn nhân cũng có quyền khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường về vật chất.

Theo luật sư, các bác sĩ tắc trách khiến thiếu nữ tàn tật suốt đời có thể bị xử lý hình sự. Gia đình nạn nhân cũng có quyền khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường về vật chất.

Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cán bộ trực tiếp điều trị cho Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, huyện Cư Kuin) có sự tắc trách. Hậu quả là bệnh nhân bị cưa một chân, như vậy khi giám định thương tật chắc chắn sẽ hơn 40%.
 
Do đó, theo LS Tạ Quang Tòng, Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk, vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho nữ sinh 15 tuổi có thể phạm vào tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ luật Hình sự. "Nếu phạm tội này thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm", LS nói.
 

Em Vi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngoài ra, kíp trực và bác sĩ trực tiếp điều trị cho Vi còn chịu trách nhiệm pháp lý được quy định tại Khoản 1, Điều 242, Bộ luật Hình sự về quy định trong khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả từ nghiêm trọng tới đặc biệt nghiêm trọng. Theo những quy định trên, những người hành nghề, cơ sở hành nghề khám chữa bệnh có sai sót phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo LS Tòng, để xác định được lỗi các cơ quan chức năng phải thành lập hội đồng chuyên môn, dựa trên hồ sơ, tài liệu… rồi đưa ra kết luận có sai sót, vi phạm quy định hay không. "Nếu xác định có vi phạm, sai sót thì trách nhiệm sẽ thuộc về cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề. Từ các kết luận này, nạn nhân có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường về mặt dân sự", ông Tòng nói.

Liên quan đến vụ việc, sáng 17/3, ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã tạm đình chỉ công tác bác sĩ Trịnh Đức Lam (Phó giám đốc kiêm trưởng Khoa ngoại), bác sĩ Y Tâm (người trực tiếp bó bột) và 2 điều dưỡng Lê Thị Long, Vũ Thị Tuyết Len để phục vụ điều tra.

“Đơn vị cử người xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thăm hỏi, động viên cháu Vi. Sở cũng yêu cầu Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin họp Hội đồng chuyên môn, sớm có báo cáo nguyên nhân dẫn đến vụ việc", Giám đốc Sở cho biết.

Sau 6 ngày phẫu thuật cắt bỏ chân, sức khỏe của Vi đã ổn định. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ lắp chân giả cho em. Theo TS Nguyễn Tiến Lý - Phó giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM, loại chân nhân tạo dự định lắp cho Vi được gia công với khớp thủy lực linh hoạt, bàn chân và trụ kim loại vững chắc, như chân thật.

"Sau khi lắp, bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn làm quen với chân giả, chịu khó tập luyện để có thể đi đứng gần như bình thường. Trước kia, việc lắp chân giả thường được tiến hành vài tháng sau mổ. Hiện nay, nhiều trường hợp thực hiện ngay trên bàn mổ. Nhờ vậy khi tỉnh lại, bệnh nhân bớt bị khủng hoảng tâm lý do biết mình vĩnh viễn mất đi một phần thân thể”, TS Lý nói.

Trước đó, Vi nhập viện do bị tai nạn giao thông, gãy mâm chày chân phải. Do yếu kém chuyên môn, tắc trách trong công việc nên sau 6 ngày nhập viện, bệnh viện Cư Kuin mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khiến chân em bị hoại tử, phải cắt chi.
 
>> Chuyện "nữ sinh bị cắt cụt chân" và nổi ám ảnh "bóng ma" y tế tuyến dưới
>> Nữ sinh mất chân "do bác sĩ kém chuyên môn" sắp được lắp chân giả
>> Đau đớn nữ sinh mất chân vì bệnh viện tắc trách

Theo Tây Nguyên - Khánh Trung (Zing.vn)