Kinh tế

EVN không còn độc quyền về nguồn điện

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có sự thay đổi lớn khi EVN chỉ còn nắm giữ khoảng 37% nguồn điện (bao gồm trực tiếp và gián tiếp).

Theo số liệu mới nhất của Cục Điều tiết Điện lực, trong số gần 80.000 MW nguồn điện toàn hệ thống (theo công suất đặt) năm 2023 và đứng đầu ASEAN. Hiện tỷ lệ sở hữu, trực tiếp quản lý nguồn điện của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện chỉ nắm giữ khoảng 47% công suất đặt. Trong đó, EVN chỉ còn nắm giữ trực tiếp và gián tiếp là 37% (10% trực tiếp và 27% gián tiếp qua các Tổng công ty phát điện); TKV chiếm 2% chủ yếu là nhiệt điện, PVN chiếm 8% chủ yếu là điện khí và thuỷ điện nhỏ. Số còn lại thuộc các nhà đầu tư tư nhân chiếm 42% và các dự án BOT chiếm khoảng 10%, nguồn điện nhập khẩu và nguồn khác chiếm khoảng 1%.

EVN không còn độc quyền về nguồn điện
Cơ cấu nguồn điện chia theo chủ sở hữu (nguồn EVN)

Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, tính cho đến nay, chỉ chưa đầy 20 năm, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam đã có thay đổi lớn, trong đó nguồn điện do các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, nắm giữ đang giảm dần. Nguồn điện tư nhân ngày càng tăng đáng kể và dự kiến có thể chiếm gần một nửa toàn hệ thống vào năm 2030.

Đáng chú ý, EVN đã không còn “độc quyền” nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước năm 2006. Thực tế trong tổng công suất nguồn điện nắm giữ, hiện EVN chỉ chiếm 11% là trực tiếp. Số này chủ yếu là các nhà máy thủy điện đa mục tiêu quan trọng như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Trị An. 26% còn lại là của 3 tổng công ty phát điện (Genco 1, Genco 2 và Genco3) thuộc EVN. Các công ty này đang trong quá trình cổ phần, do vậy, tỷ lệ nắm giữ của EVN cũng đang giảm dần khi có đa dạng các thành phần kinh tế tham gia.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lũy kế đến ngày 27/10/2023, 21 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp (tổng công suất 1.201,42MW) hoàn thành thủ tục COD đã phát điện thương mại lên lưới với sản lượng điện (tính từ thời điểm COD) gần 730 triệu kWh.

Hiện số lượng dự án đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 81/85 dự án, với tổng công suất 4.597,86MW. Trong đó, 69 dự án với tổng công suất 3.927,41MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 của Bộ Công Thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/69 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án, tổng công suất 3.399,41MW.

24 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 30 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 4 dự án với tổng công suất 136,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Khối tư nhân nắm vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện

Đối với nguồn điện tư nhân, theo Bộ Công Thương, trước năm 2012, tư nhân sở hữu chưa đến 10% nguồn điện. Nhưng đến nay, tỷ lệ này tăng nhanh, nhờ sự bùng nổ của năng lượng tái tạo sau khi có cơ chế khuyến khích của Chính phủ. Hiện cơ cấu nguồn điện chia theo các loại hình nguồn ở nước ta bao gồm: Thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo, nguồn nhập khẩu và nguồn khác. Trong đó 2 nguồn điện nền cơ bản, quan trọng nhất vẫn là nhiệt điện và thuỷ điện. Tính đến cuối năm 2022, công suất điện than tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 33% (25.820 MW); Thủy điện chiếm 28% (22.349 MW); Năng lượng tái tạo (không gồm thủy điện) chiếm 26% (20.670 MW); Điện khí chiếm 11% (8.977 MW); còn lại là các nguồn khác.

Về huy động nguồn điện, tính lũy kế 9 tháng năm 2023, sản lượng toàn hệ thống đạt 209,9 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ huy động từ nhiệt điện than vẫn ở mức cao nhất với 97,2 tỷ kWh, chiếm 46,3%; Thủy điện là 58,05 tỷ kWh, chiếm 27,7%; Năng lượng tái tạo huy động 29,13 tỷ kWh, chiếm 13,9% (trong đó điện mặt trời đạt 20,45 tỷ kWh, điện gió đạt 8.01 tỷ kWh); Tua bin khí là 20,82 tỷ kWh, chiếm 9,9%; Điện nhập khẩu đạt 3,1 tỷ kWh, chiếm 1,5%; Nhiệt điện dầu huy động 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,6%.

Hiện công suất đặt của nguồn năng lượng tái tạo đứng thứ 3 trong hệ thống đạt xấp xỉ gần 21.000 MW nhưng sản lượng điện huy động chỉ chiếm gần 14% (9 tháng đầu năm 2023) sản lượng toàn hệ thống do những yếu tố đặc thù của nguồn điện này.

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/evn-khong-con-doc-quyen-ve-nguon-dien-post1584096.tpo