Kinh tế

Nhiều đại gia bất động sản nghỉ dưỡng lao đao

Nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng lớn lao đao trong bối cảnh các khu du lịch nghỉ dưỡng ế khách. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu dư thừa.

Ông lớn lao đao

Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy thực trạng kinh doanh và tình hình sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp có khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam khá bi đát trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế thấp và chi phí tài chính cao.

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma) vừa báo cáo lỗ gần 832 tỷ đồng trong năm 2022, nhiều hơn so với khoản lỗ hơn 701 tỷ đồng trong năm 2021 - thời kỳ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tình hình sức khỏe tài chính của Vịnh Thiên Đường rất u ám. Tới cuối năm 2022, doanh nghiệp này âm vốn chủ sở hữu 1.575 tỷ đồng, cao hơn mức âm hơn 663 tỷ đồng trong năm liền trước.

Vịnh Thiên Đường là doanh nghiệp xây dựng và khai thác Khu nghỉ dưỡng Alma Resort tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Alma là thương hiệu được Serenity Holding quản lý. Trong khi đó, ông lớn Mỹ Warburg Pincus và quỹ VinaCapital (niêm yết tại Anh) đang sở hữu 100% vốn Serenity Holding.

Alma Resort nổi tiếng với mô hình sở hữu kỳ nghỉ. Doanh nghiệp này từng bán kỳ nghỉ dưỡng trị giá cả trăm triệu đến tỷ đồng. Nhiều khách hàng có thể cùng tham gia sử dụng phòng nghỉ dưỡng dạng căn hộ hoặc biệt thự và có quyền sử dụng không gian nghỉ dưỡng nói trên trong một khoảng thời gian nhất định, trên cơ sở lặp lại định kỳ.

Nhiều đại gia bất động sản nghỉ dưỡng lao đao
Du lịch nghỉ dưỡng có dấu hiệu dư thừa.

Không chỉ các thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng quốc tế tại Việt Nam gặp khó, nhiều ông chủ nội địa sở hữu các khu nghỉ dưỡng trong nước cũng lao đao trong vài năm qua.

Theo HNX, ông chủ Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort, CTCP Flamingo Holding Group (Flamingo) báo lãi trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 82% so với cùng kỳ, xuống 25 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả tăng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,91 lần lên 1,99 lần vào thời điểm cuối quý II/2023, tương ứng nợ phải trả là 4.940 tỷ đồng.

Flamingo Holding Group là chủ đầu tư một số dự án nghỉ dưỡng như Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Flamingo Cát Bà (Hải Phòng), Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa), Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa, Thanh Hóa),...

Tương tự, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT), chủ sở hữu resort sang chảnh Six Senses Ninh Vân Bay, báo thoát lỗ trong nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận đạt hơn 7 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với quy mô vốn hơn 900 tỷ đồng của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối tháng 6/2023 của NVT vẫn âm hơn 710 tỷ đồng. Cổ phiếu NVT bị đưa vào diện cảnh báo.

Trong khi đó, CTCP Crystal Bay tiếp tục báo lỗ gần 136 tỷ đồng trong nửa đầu năm, bi đát hơn so với mức lỗ trên 17 tỷ đồng cùng kỳ. Crystal Bay có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng tại các tỉnh miền Trung như Ninh Chữ Sailing Bay, unBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận), Crystal Marina Bay (Khánh Hoà).

CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang cũng lỗ sau thuế gần 124 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, cùng kỳ doanh nghiệp này lỗ hơn 290 tỷ đồng. Eurowindow Nha Trang là chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Radisson Blu Resort Cam Ranh, Movenpick Resort Cam Ranh (22,3 ha),...

CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương và CTCP Sunbay Ninh Thuận cũng báo lỗ trong nửa đầu năm 2023. Du lịch Vạn Hương là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Dragon Ocean Đồ Sơn) tại Hải Phòng. Còn Sunbay Ninh Thuận là chủ đầu tư tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort.

Bất động sản nghỉ dưỡng khó khăn

Phân khúc du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản nghỉ dưỡng đã ghi nhận sự ảm đạm do chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch Covid-19. Trên thực tế, tại khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan đã ghi nhận mức độ khôi phục tốt của ngành khánh sạn. Trong khi đó, phân khúc này vẫn ảm đạm tại Việt Nam. Nhiều khu vực ghi nhận sự vắng khách, với công suất phòng thấp và giá giảm.

Tình trạng vắng khách xuất hiện ở khắp các khu nghỉ dưỡng trên khắp cả nước. Tại Phú Quốc tình trạng vắng khách khá nghiêm trọng. Trên mạng xuất hiện những gói du lịch Phú Quốc 4 ngày 3 đêm, vé máy bay khứ hồi và khách sạn 3 sao, tổng chưa đến 3 triệu đồng/người. Tại Sapa, hàng loạt khách sạn vẫn trống nhiều phòng cho dù là vào ngày thứ 7 hay dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sapa với nhiều hoạt động, gồm cả bắn pháo hoa tầm cao kéo dài.

Cũng như thị trường bất động sản nói chung, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều nơi đắp chiếu nhiều năm nay, không được phát triển tiếp do thiếu vắng người mua. Biệt thự, shophouse… trong các đại dự án nghỉ dưỡng vắng khách. Bên cạnh sức cầu thấp, thu nhập người dân đi xuống, còn là niềm tin suy giảm về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và tình trạng pháp lý của nhiều dự án.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định về mặt ngắn hạn, sự thiếu vắng nguồn khách Trung Quốc, vốn chiếm 32% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam (trong năm 2019) đem đến nhiều thách thức cho hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, chi phí các chặng bay dài trở nên đắt đỏ hơn cũng tác động đến sự khôi phục của một số thị trường, như thị trường khách châu Âu. So với cùng kỳ 2019, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 38%.

Tương tự, trong 8 tháng đầu năm 2023, thị trường khách châu Á cũng thấp hơn mức trước đại dịch 32%. Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019.

Bên cạnh việc chậm khôi phục nguồn cầu, tình trạng dư thừa nguồn cung góp phần gia tăng thách thức cho hoạt động kinh doanh khách sạn. 

Trong khi đó, hàng loạt các tập đoàn bất động sản lớn Việt Nam hầu hết có tham gia mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Gần đây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ có bản gửi tỉnh Lâm Đồng xin lập khu nghỉ dưỡng trên đất dự kiến quy hoạch giáo dục tại huyện Đạ Huoai.

Trước đó, giới đầu tư biết đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) lao đao sau thời đình đám tham gia vào mảng địa ốc, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng. Hay như cú sụp ngã của Novaland do ông Bùi Thành Nhơn làm chủ tịch.

Mặc dù khó khăn, triển vọng ngành du lịch Việt Nam và nguồn khách nội địa vẫn là động lực chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghỉ dưỡng. Dù vậy, mức chi tiêu của khách nội địa thường thấp.

Theo GSO, trong 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Cũng theo GSO, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 469,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%.

Với 100 triệu dân và nhu cầu đi du lịch ngày càng nhiều, đây được xem là động lực tăng trưởng của ngành du lịch trong trung và dài hạn.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhieu-dai-gia-bat-dong-san-nghi-duong-lao-dao-2197251.html