Lối Sống

Đi lễ chùa đầu năm mới đang dần bị biến tướng

Lễ chùa đầu năm được xem là một nét đẹp truyền thống văn hoá từ thuở ông cha nhưng thời đại hiện nay nét đẹp văn hoá lâu đời này đang dần bị biến tướng.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, sau lễ cúng Tất niên và đón thời khắc Giao thừa, sang ngày mùng 1 đầu năm, các gia đình tại Việt Nam thường có thói quen đi lễ chùa để cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi. Đây được xem là một nét đẹp truyền thống văn hoá từ thuở ông cha nhưng hiện nay nét đẹp văn hoá lâu đời này đang dần bị biến tướng. 

Đi lễ chùa đầu năm mới đang dần bị biến tướng
Phật vốn tại tâm, hãy để nơi thờ thần Phật là nơi trang nghiêm, an yên vốn có. Ảnh: Phạm Hải.

Đền chùa đang trở thành nơi lộn xộn và xô bồ

Chùa vốn là nơi trang nghiêm, yên tĩnh để con người nơi nơi tìm đến mong gột rửa tâm can, bụi trần dương gian. Thế mà nơi thiêng liêng ấy đang bị bao người biến thành nơi lộn xộn với cảnh nghẹt cứng ô tô xe máy - nơi để người ta giành giật, kéo khách như tại những phiên chợ. Người người dẫm chân lên nhau, lễ chồng lên lễ. Họ chen chân xô đẩy tranh nhau gặp các sư thầy mong viết được cái tên mình để dâng lên cúng lễ giải hạn hằng năm. Vàng mã cháy đêm cháy ngày, khói hương nghi ngút mịt mù, tiền lẻ rải tràn khắp nơi. 

Đi lễ chùa đầu năm, không hiếm hoi khi bắt gặp hình ảnh nhốn nháo xô bồ, chặt chém từng bó nhang, nhành hoa, vật phẩm dâng lễ đến nạn mất cắp. Đến cảnh lợi dụng lòng thương của mọi người từ nhóm người chăn dắt bao trẻ em mặt lấm lem, có em còn chưa biết nói để lôi kéo cầu nèo từng đồng của người đến viếng lễ. Tất cả đã biến đền chùa, nơi vốn chứa đựng nét đẹp kiêu hãnh, nét văn hóa đặc trưng của cả một dân tộc đang trở nên xô bồ đầy nỗi trăn trở. 

Đừng để văn hóa thiêng liêng dần bị biến tướng

Theo quan niệm xưa, chùa là nơi để con người thành tâm hướng về cõi Phật, cầu mong mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, gửi gắm ước nguyện mọi sự tốt đẹp trong cuộc sống. 

Điều đáng buồn trong xã hội hiện nay, con người vì lợi ích đồng tiền đã tạo nên bao mặt trái cần loại bỏ, thay đổi. Đó là những váy áo ngắn cũn cỡn của một số người làm mất đi vẻ trang nghiêm nơi cửa Phật. Việc tạo dáng uốn lượn nhằm khoe đường cong trước tượng Phật của một số bạn trẻ lẫn lời hò reo chọc ghẹo nhau phản cảm. 

Có lần trong dịp lễ chùa đầu năm tôi bắt gặp cảnh một người phụ nữ giàu có trong bộ váy đắt tiền bước xuống ô tô sang trọng, vật cúng lễ mang theo là con heo quay đỏ au. Chị hiên ngang chen vào xé toẹt từng lượt người đang dâng hương trước tượng Phật tiến đến đưa tay dạt những hương hoa của mọi người dâng lễ để đặt nguyên khay heo quay chễm chệ dâng lên trước Phật trong bao ánh nhìn ngẩn ngơ của những người xung quanh. Chị đến mong cầu Phật trời ban cho một đứa con vì đã mấy chục năm qua chưa từng mang thai. 

Lại có người sợ Phật trời không chứng giám được tấm lòng mình dâng lên khi bao nhiêu đồng tiền lẻ rơi tràn xuống khắp nơi từ thùng phúng viếng nên đã nhét thẳng vào tay, vào đầu những tượng Phật và sau đó là những câu khấn nguyện nhịp nhàng dài dằng dặc từ tờ sớ mang theo. 

Đâu chỉ riêng người đến cúng viếng, một bộ phận nhà sư trong những ngôi chùa cũng mang lòng phân biệt với người viếng bái, giữa người giàu và người nghèo thái độ đón tiếp sẽ có sự chênh lệch đi. Rồi sau những buổi viếng lễ, vấn đề rác thải đã trở thành hồi chuông cảnh báo nhức nhối cho môi trường xung quanh. Chứng kiến bao nhiêu người vừa xong nghi lễ thành tâm cúng bái liền lấy chai nước suối họ tin đã được trời Phật độ trì uống liền một mạch như nạp vào cơ thể một phép nhiệm màu và sao đó là quăng xuống trước tượng Phật thẳng tiến ra về. Thiết nghĩ, nếu trời Phật linh thiêng liệu có minh chứng cho những hành động kia?  

Trong đạo Phật nào có quy luật phải cúng cao sang, phải trưng bày sang trọng thì ước nguyện sẽ chóng thành. Đó cũng do lòng tham con người tạo ra để dần làm xấu đi nét đẹp văn hóa Phật giáo của dân tộc ta. Nên sắm lễ sao cho vừa đủ với điều kiện từng người để tránh lãng phí, ăn mặc, nói năng, đi lại phải phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc.

Điều cốt lõi đạo Phật luôn dạy con người rằng hãy hướng đến một tâm hồn thánh thiện cho nên ta đi lễ chùa đừng đặt nặng, so sánh số tiền công đức ít hay nhiều cũng không quá quan trọng, miễn sao giữ được chuẩn mực, tâm hồn trong sáng, sống sao trở thành người tốt có ít cho xã hội để khi ngước nhìn trời cao ta không thấy có điều gì hổ thẹn với chính mình bởi Phật vốn tại tâm. 

Đi lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Người ta đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu cho một năm mới bình an, may mắn, giúp họ vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Tuy nhiên, phong tục tốt đẹp này đang bị biến tướng ở một số nơi như xảy ra tình trạng buôn thần bán thánh, đốt vàng mã tràn lan, ứng xử thiếu văn minh nơi cửa Phật… VietNamNet mở diễn đàn về việc đi lễ chùa đầu năm mới thế nào cho đúng với tinh thần Phật giáo, phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt. Các bài viết xin gửi về email: [email protected]

Phan Thanh Cẩm Giang (Bạc Liêu)

Theo VietNamNet




https://vietnamnet.vn/di-le-chua-dau-nam-moi-dang-dan-bi-bien-tuong-2244481.html