Pháp luật

Nhiều người vỗ tay trong phiên xử "đại án" ở miền Tây

Để làm rõ "đại án" tại Công ty Phương Nam, HĐXX yêu cầu cơ quan công tố trả lời nhiều vấn đề mà bị cáo với các luật sư đặt ra, khiến những người dự tòa đồng tình.

Để làm rõ "đại án" tại Công ty Phương Nam, HĐXX yêu cầu cơ quan công tố trả lời nhiều vấn đề mà bị cáo với các luật sư đặt ra, khiến những người dự tòa đồng tình.

Chiều hôm trước, HĐXX nêu nhiều vấn đề luật sư với các bị cáo đặt ra mà đại diện cơ quan công tố cần phải làm rõ. Đó là vụ án tại Công ty Phương Nam xảy ra trong thời điểm "bão táp tài chính", lãi suất ngân hàng quá cao khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Theo quy định nội bộ của các ngân hàng, việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ cho vay mà các bị cáo đã thực hiện là không vi phạm.

Đối với Sacombank, theo Luật Doanh nghiệp thì ngân hàng này là công ty cổ phần, doanh nghiệp kinh doanh "lời ăn lỗ chịu". Khi xảy ra vụ án tại Công ty Phương Nam, ngân hàng vừa thiệt hại về tài sản, nay lại thiệt hại về con người vì một số cán bộ bị xử lý hình sự.

Về vấn đề này, theo luật sư là không đảm bảo tính khách quan, nếu cơ quan điều tra không khởi tố vụ án thì việc nợ nần giữa Phương Nam và ngân hàng chỉ là quan hệ dân sự.

Ngân hàng bị thiệt hại đã đề nghị nhà chức trách miễn truy cứu Trịnh Thị Hồng Phượng. Ảnh: Việt Tường.

Nghe HĐXX đặt ra các vấn đề trên để đại diện VKSND tranh luận, nhiều bị cáo tại ngoại với hơn trăm người đến theo dõi phiên tòa đã vỗ tay thật to. Các bị cáo và người thân của họ đã cười tươi, tin vào sự phán quyết công tâm của HĐXX.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Khánh Trang (bào chữa cho Trịnh Thị Hồng Phượng - Phó giám đốc Công ty Phương Nam) cho biết, trước khi nữ bị cáo ra tòa, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) là ông Dương Công Minh ký công văn gửi các cơ quan tố tụng.

Theo nhà băng này, quá trình khôi phục sản xuất tại Công ty Phương Nam sau tái cơ cấu, LPB đã cùng Công ty Đất Việt (cổ đông mới của Phương Nam) bố trí cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động điều hành và kiểm soát rủi ro.

Trong quá trình này, công ty tiếp tục sử dụng toàn bộ cán bộ cũ của Phương Nam, trong đó có bà Phượng. Với vai trò là người tư vấn kinh doanh, Phượng đã có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng của công ty và duy trì được giao dịch với khách hàng cũ, giới thiệu cho đơn vị nhiều khách hàng mới.

Nữ phó giám đốc cũng được LPB ghi nhận là người cùng Công ty Phương Nam khắc phục dần những rủi ro trước đây, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại và kinh doanh bắt đầu có lãi.

"Bà Phượng ký vào các hồ sơ vay vốn, ký xác nhận hàng tồn kho là do thiếu hiểu biết về pháp luật. Bản thân bà Phượng chỉ là người làm công ăn lương, không có lợi ích vật chất gì khi ký các văn bản trên, hậu quả xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn. LPB với tư cách là một bên có thiệt hại, đề nghị quý cơ quan miễn truy tố bà Phượng", công văn của LPB nêu.

Theo luật sư Trần Vĩnh Khang (bào chữa cho Lâm Minh Mẫn - nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam) cho rằng, vụ lừa đảo xảy ra tại Công ty Phương Nam rất giống vụ lừa đảo tại Công ty An Khang ở Cần Thơ.

Đó là một nhóm cán bộ, kế toán đã lập hồ sơ khống, kê khống hàng tồn kho theo lệnh của chủ để thế chấp ngân hàng vay vốn. Những bị cáo này bị cơ quan công tố truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng HĐXX TAND TP Cần Thơ đã đổi tội danh của họ sang Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.

"Trong những ngày xét hỏi của phiên tòa hôm nay, HĐXX từng đặt ra vấn đề, nếu như các bị cáo là cán bộ ngân hàng làm đúng quy định của pháp luật về cho vay thì Công ty Phương Nam không lấy được một đồng, chứ nói chi hàng trăm tỷ. Vì vậy, việc làm của Mẫn, Phượng chỉ là vô ý", luật sư Khang nói.

>> Viện kiểm sát luận tội 27 bị cáo trong "đại án" ở miền Tây
>> Cựu giám đốc ngân hàng bật khóc khi nghe đồng nghiệp xin tội
>> Xử “đại án tham nhũng Phương Nam”: Phó GĐ và kế toán trưởng bị đề nghị 15-17 năm tù
>> Đại gia bỏ trốn đã dùng tiền vay để góp vốn cho nữ thuộc cấp
>> Đại gia trốn ra nước ngoài vẫn lừa ngân hàng được hàng trăm tỉ đồng

Theo Việt Tường (Zing.vn)