Pháp luật

Vì sao vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam lại xét xử tại Hà Nội?

Theo dự kiến, ngày 15-8-2022, TAND - TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo khác trong vụ sai phạm trong quản lý đất đai. Điều khiến nhiều người băn khoăn là vì sao bị cáo phạm tội ở Bình Dương, nhưng lại xét xử tại Hà Nội?

Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Thanh Liêm (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) và các bị cáo nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều sở, ngành của Bình Dương cùng bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Tham ô tài sản".

Viện KSND Tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP. Hà Nội thực hành công tố trong quá trình xét xử vụ án này, TAND TP. Hà Nội quyết định về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng.

Vì sao vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam lại xét xử tại Hà Nội? ảnh 1
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đã có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai

Trả lời câu hỏi, vì sao hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra tại Bình Dương, nhưng lại xét xử tại TP. Hà Nội, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo Điều 269 Bộ luật TTHS 2015, Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện.

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau, hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

Như vậy, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là việc phân định quyền xét xử các vụ án hình sự giữa Tòa án các địa phương với nhau, dựa vào các yếu tố như địa điểm thực hiện tội phạm hoặc địa điểm kết thúc điều tra, nơi cư trú của người phạm tội hoặc địa điểm khác do pháp luật quy định.

Sở dĩ Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện, vì tại nơi đó có lưu lại những dấu vết, vật chứng, chứng cứ về hình vi phạm tội, có người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án,... nên việc xét xử sẽ diễn ra thuận lợi, có tác dụng răn đe, phòng ngừa ở chính địa phương đó.

Còn với trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau, hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

Thực tiễn xét xử cho thấy, có nhiều vụ án do CQĐT - Bộ Công an tiến hành điều tra, Viện KSND Tối cao kiểm sát điều tra và ra cáo trạng, nơi xảy ra hành vi phạm tội tại một địa phương nhưng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, bị cáo là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương đó.

Trong trường hợp này, Viện KSND Tối cao có thể ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân một địa phương cụ thể thực hành quyền công tố. Khi đó TAND địa phương cùng cấp với Viện KSND được ủy quyền sẽ thụ lý và xét xử sơ thẩm đối với vụ án - Luật sư Hồng Vân cho biết.

Ngoài ra, trong hoạt động tố tụng hình sự có thể phát sinh những vụ án hình sự rất khó xác định thẩm quyền xét xử dẫn đến tranh chấp. Khi đó, việc giải quyết tranh chấp theo Điều 275 Bộ luật TTHS 2015. Việc chuyển vụ án để xét xử theo đúng thẩm quyền được thực hiện theo Điều 274 của Bộ luật này.

"Như vậy, đối với vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và đồng phạm, khi Viện KSND Tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố thì TAND TP. Hà Nội thụ lý và xét xử sơ thẩm đối với vụ án là phù hợp quy định hiện hành” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo H.L (An Ninh Thủ Đô) 




https://www.anninhthudo.vn/vi-sao-vu-an-lien-quan-den-cuu-bi-thu-tinh-uy-binh-duong-tran-van-nam-lai-xet-xu-tai-ha-noi-post511743.antd