Sao 360°

Hiện tượng nhạc Việt 2015 - Phan Mạnh Quỳnh "Thì tôi là đứa nhà quê mà"

Vợ người ta, bài hát được Phan Mạnh Quỳnh viết, đứng đầu lượt tìm kiếm trên Google Việt Nam năm 2015, đã mang đến cơn xáo trộn cảm xúc cho người nghe.

Vợ người ta, bài hát được Phan Mạnh Quỳnh viết, đứng đầu lượt tìm kiếm trên Google Việt Nam năm 2015, đã mang đến cơn xáo trộn cảm xúc cho người nghe.

Phan Mạnh Quỳnh

 
Hiện tượng của nhạc Việt trong năm 2015 không phải là một ca khúc với ca từ trau chuốt, giai điệu mỹ miều, cũng không phải đến từ một gương mặt mà mỗi khi xuất hiện trên sân khấu hay được xướng tên, lại được hoan hô.
 
Vợ người ta, bài hát được Phan Mạnh Quỳnh viết, đứng đầu lượt tìm kiếm trên Google Việt Nam năm 2015, đã mang đến cơn xáo trộn cảm xúc cho người nghe: hoang mang, khó hiểu, thất vọng, ngỡ ngàng… Cảm xúc xáo trộn đó không chỉ có ở những người quan tâm nhạc Việt, khán giả, giới chuyên môn mà còn với chính Phan Mạnh Quỳnh.
 
Trước khi được biết đến với Vợ người ta, Phan Mạnh Quỳnh có nhiều ca khúc được các ca sĩ trẻ như Khởi My, Miu Lê, Ưng Hoàng Phúc, Hồ Quang Hiếu… chọn hát. Trong đó, ca khúc Người yêu cũ đã giúp Khởi My trở thành ca sĩ có MV đạt triệu view chỉ sau ba ngày phát hành.
 
Hoặc Nước ngoài - bài hát nói về nỗi lòng những đứa con tha hương, đã khiến nhiều người rơi nước mắt và tạo một cơn sốt nhỏ. Phan Mạnh Quỳnh cũng không xa lạ với giới sáng tác, sân chơi Bài hát Việt từng gọi tên anh với ca khúc Trong ánh mặt trời (Đồng Lan thể hiện, đoạt giải hòa âm phối khí Bài hát Việt tháng 9/2014…
 
Không được đào tạo bài bản về ký xướng âm, việc sáng tác của anh bắt nguồn từ những ngày hát ở nhà thờ lúc bé. Nhìn giấy nhạc nhiều lần, anh nhận diện dần ký hiệu nốt, mua tập nhạc về đánh theo. Lên lớp 9, anh bắt đầu viết, những dòng ca từ ngô nghê, một vài thứ sai lệch.
 
Viết mãi, những bài hát cũng hình thành: “Ngày ấy nhọc lắm, sáng tác xong chẳng quen ai để gửi bài. Có lần tôi làm liều, rao trên một trang mạng rằng mình có vài bài hát cần bán, vậy mà cũng có một công ty liên hệ, nhưng họ bảo chỉ trả 500.000đ một bài thôi. Sáng tác một bài hát đâu dễ, vậy mà người ta coi rẻ thế đấy. Tôi bực quá, không bán. Sau này nhờ quen biết một người, chị ấy giới thiệu tôi với ca sĩ này ca sĩ kia, thế là bán được bài”.
 

Ca khúc Vợ người ta Phan Mạnh Quỳnh đoạt giải Zing Music Awards

 
Giống một vài gương mặt trẻ khác trong năm 2015, tên tuổi Phan Mạnh Quỳnh chỉ được nhắc đến khi chính anh thể hiện bài hát của mình. Giờ, đi đâu cũng nghe Vợ người ta. Phan Mạnh Quỳnh được săn tìm. Nhưng, khác với những Tiên Tiên, Sơn Tùng… Phan Mạnh Quỳnh nói, anh chưa biết cách đưa cao tay đón lấy sự nổi tiếng mà vẫn cứ lầm lũi đi, như một “đứa nhà quê” ngày nào…
 
* Người ta vẫn chưa thôi giải mã sự thành công của Vợ người ta. Còn anh thì sao?
 
- Tôi cũng bất ngờ về sự thành công này, nhiều khi tưởng không phải là sự thật. Tôi nghĩ có lẽ vì giai điệu của bài hát bắt tai, và câu chuyện gần gũi với nhiều người. Nó bình dị quá, nó là hình ảnh quen với nhiều người quá, thành ra dễ đi vào số đông. Nhiều người trêu tôi, bài hát của mày còn được gọi là bài hát để dỗ cho trẻ con ăn bột (cười lớn).
 
* Anh hẳn cũng thấy, từ thành công của Vợ người ta, nhiều người tỏ ra thất vọng...
 
- Tôi thấy thế này, âm nhạc là cảm tính, yêu thích hay ghét bỏ là cảm tính. Đừng đao to búa lớn với những gì thuộc về cảm tính, bởi nó mang tính cá nhân. Khó có cái chuẩn chung nào cho sự yêu thích. Người ta thích bài hát này, nghĩa là người ta thấy ở đó có sự thú vị hay đồng cảm nào đó, vậy thôi.
 
Vợ người ta không phải là một đại diện của nhạc Việt, không cần phải “căng thẳng” với nó quá làm gì. Có thể, bài hát có một nét gì đó mà nhạc Việt đang thiếu, chứ không phải nó có đầy đủ những gì mà nhạc Việt cần. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ đặt Vợ người ta cao như thế.
 
Sáng tác của tôi đều xoay quanh những hình ảnh, cảm xúc mà tôi có được từ môi trường mình đang sống, trong đó chủ yếu là làng xóm của tôi. Như cái đám cưới trong Vợ người ta, nó là một đám cưới quê, ở đó thanh niên hát hò nhảy nhót không theo trật tự nào, dĩ nhiên cũng có tôi trong ấy. Tôi là một phần trong làng quê ấy, gọi là bình dị cũng được, nhà quê cũng được. Âm nhạc của tôi cũng thế.
 
* Bình dị quá thì không giống người nổi tiếng cho lắm, cũng như âm nhạc bình dị quá đôi khi lại hóa bình dân…
 
- Người ta có đánh giá thế nào đi nữa thì tôi vẫn chỉ sáng tác với những hình ảnh bình dị như thế thôi. Vì đó là tôi mà. Còn về việc làm người nổi tiếng thì khổ lắm, tôi đang phải chỉnh lại thói quen, chỉn chu về trang phục, tập làm quen với nhiều thứ.
 
Lúc bài hát trở nên hot, công ty nói Quỳnh ơi, lần này nổi tiếng rồi, phải biết giữ hình ảnh. Thế là tôi phải tập lại tướng đi, tập nói chuyện trước mọi người. Tướng tôi xưa nay đi cứ lùi lũi, thì nhà quê mà, giờ không được thế nữa, đi phải thẳng lưng lên. Tập mãi, như phải nắn lại xương ấy.
 
Quần áo ra đường cũng không được “bèo nhèo” quá, tóc cũng phải chải đàng hoàng. Chưa kể, bây giờ quán bar mời đi biểu diễn nhiều, mà bar thì nhạc remix là chính, nhạc sôi động thì phải nhảy nhót, vậy là phải học vũ đạo… Ôi trăm thứ ấy. Dĩ nhiên nổi tiếng thì vui, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó.
 
* Nghe có vẻ cũng chẳng vui sướng là mấy nhỉ!
 
- Thì tôi đang mệt đây, mệt đúng nghĩa. Tôi bị say xe mà đi biểu diễn bằng ô tô thì chị có thể hình dung hình ảnh đó rồi đấy. Còn vũ đạo thì học vậy, chứ tôi vốn “lúa” mà, có tiếp thu được mấy đâu, cứ giơ cái tay là tôi quên cái chân. Tôi cũng không quen biểu diễn trên sân khấu, run lắm, nên bước ra hát bị “gãy” hoài. Cái mệt khác nữa mà tôi chưa biết phải điều chỉnh thế nào, là tôi không còn thời gian cho sáng tác nữa.
 
Tôi thấy mình hợp với phòng thu hơn. Tôi có thể ở trong phòng thu từ sáng đến tối, nghe nhạc, sáng tác, chơi game… mà không cần bước ra ngoài. Giờ thì không còn nữa. Biết sao được, mọi thứ luôn có cái giá của nó. Mệt nhưng cũng phải ráng để tranh thủ tận dụng thời điểm này.
 
* Có phải để kiếm tiền không anh?
 
- Đúng. Chật vật ở Sài Gòn bao năm rồi, giờ cũng muốn kiếm chút ít. Nhiều người bảo rằng chắc bây giờ tôi bắt đầu nhiều tiền rồi. Không có đâu. Nhạc chuông nhạc chờ thì chưa đến kỳ đối soát nên chưa có tiền; đi diễn nhiều nhưng cát-sê phải chia lại cho công ty.
 
Tôi vẫn ở cùng với các anh em trong công ty. Trong khi đó, tôi mong mình có thể giúp đỡ cho gia đình, và có một chỗ ở cho mình. Cha mẹ tôi làm bánh kẹo, xứ tôi nổi tiếng món kẹo mà, nhưng tôi muốn cha mẹ được nghỉ ngơi chứ không làm nữa, vì cực quá.
 
Nhưng không sao, mọi thứ rồi cũng ổn thôi. Năm 20 tuổi, tôi có nói vui với cha mẹ rằng hãy để tôi được làm những gì tôi muốn, năm 25 tuổi tôi sẽ ổn định. Nói vậy mà ai dè năm nay, 25 tuổi, tôi lại có chút thành quả nho nhỏ này. Thế mới thấy, cứ kiên trì, mọi thứ rồi cũng sẽ ổn.
 
* Nhưng đã có lúc anh bỏ Sài Gòn về quê?
 
- Tôi về quê Nghệ An một năm. Lúc đó tôi hơi chán nản vì thấy mình sau mấy năm vẫn cứ như vậy hoài, giẫm chân một chỗ, cộng thêm có chút trục trặc về tình cảm nữa. Tôi gọi về nhà, ở nhà bảo rằng đây là nhà, nên nếu thấy mệt thì cứ về.
 
Về quê, tôi sống cuộc sống của thanh niên quê, và cảm xúc cứ đầy ắp. Bài hát Nước ngoài tôi viết lúc còn ở Sài Gòn, viết mãi không xong, khi về quê thấy mấy ông anh họ đi xuất khẩu lao động gọi về cho gia đình, cảm xúc như trong bài hát ấy, vậy là tôi hoàn thành bài hát rất nhanh.
 
Vợ người ta tôi cũng viết trong những ngày đó, bắt nguồn từ chuyện tình cảm tan vỡ của mình, từ suy nghĩ “cô ấy rồi cũng sẽ làm vợ người ta thôi”. À, lại nói đến sự thành công của bài hát, có lẽ vì chứa trong đó là cái thật đó chăng? Viết xong Vợ người ta, tôi nhờ nhạc sĩ Thanh Bình phối khí. Vậy là trong sá u tháng, tôi cứ đi - về Nghệ An - Hà Nội để thu âm. Ngẫm lại, về nhà một năm là quyết định đúng đắn.
 
* Gia đình vẫn là nơi bình yên nhất, tạo nên những “chất liệu” tuyệt vời nhất cho cảm xúc…
 
- Tôi thấy điều may mắn nhất của mình là được gia đình tin tưởng. Năm 20 tuổi, tôi quyết định nghỉ học một trường cao đẳng, chuyển hướng hẳn sang âm nhạc. Tôi biết mình không thuộc giảng đường, khi ngồi học mà đầu óc cứ lơ mơ về những giai điệu, và việc học chiếm nhiều thời gian khiến tôi không sáng tác được.
 
Tôi nhận ra nếu cứ thế, mình sẽ chẳng thể nào làm tốt điều gì, cả học lẫn âm nhạc. Suy nghĩ của cha mẹ ở quê, việc học để có một ngành nghề quan trọng lắm. Vậy mà cha mẹ vẫn đồng ý cho tôi nghỉ học. Rồi tôi chật vật mấy năm với nhóm hát, hát ở mấy quán bar, cà phê nho nhỏ, cha mẹ cũng chẳng nói gì cả.
 
Nhà tôi lạ lắm, chẳng bao giờ nói tiếng yêu thương, nhưng tự trong mỗi người đều cảm nhận được. Hôm tôi đoạt giải Zing Music Awards, tôi mà không gọi về thì cha mẹ cũng không gọi vô đâu. Họ không quen cách thể hiện, nhưng trong lòng họ vui lắm.
 
* Cám ơn anh về những chia sẻ này!
 
>> Cuộc đời ít biết của ca sĩ "Vợ người ta"
>> Người yêu hotgirl xinh như mộng của giọng ca "Vợ người ta"
 
Theo Võ Hà (Phunuonline.com.vn)