Tâm sự

Chung sống 30 năm mà vợ nỡ phản bội lúc tôi khó khăn nhất

Vợ nói sẽ ly hôn, tôi sẽ thiệt thòi vì công ty tan rã và mất tất cả, còn cô ấy chẳng lo gì vì đã có lương chế độ.

Chung sống 30 năm mà vợ nỡ phản bội lúc tôi khó khăn nhất
Ảnh minh họa

Tôi 52 tuổi, còn vợ 49, các con đã lớn, học hành đàng hoàng. Chúng tôi có nhà cửa ổn định. Cách đây 8 năm, vợ chồng tôi cùng em vợ thành lập công ty may. Cậu em góp 60%, tôi 40% nên em làm giám đốc, vợ tôi làm quản lý xưởng, tôi làm phó. Nhưng khi vào sản xuất, mới nhận ra cách đầu tư, trình độ quản lý khập khiễng, nhiều sai lầm nên công ty làm ăn thua lỗ liên tục. Vì vậy chỉ trong 2 năm đầu, chúng tôi gần như mất trắng vốn đầu tư. Trong lúc khó khăn, quan hệ giữa cậu em và vợ chồng tôi, đặc biệt là vợ tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn. Em vợ chán nản, bỏ mặc công ty cho vợ chồng tôi tự chèo chống, tình cảm rạn nứt.

Tôi tìm mọi cách, huy động tất cả tài sản mình và người thân có để cứu công ty. Khi cậu em bỏ đi, để lại khoản nợ hơn tỷ đồng, do em vay bên ngoại để đóng cổ phần. Bao năm qua, vợ chồng tôi phải thay em trả lãi phần vay đó. Công ty mới chỉ tạm ổn định và trả được phần nhỏ công nợ, thì đến cuối năm 2018, công ty lại rơi vào khó khăn. Đúng lúc mệt mỏi này, tôi phát hiện vợ có tư tưởng không chung thủy. 

Cách đây một tháng, vợ tôi gặp lại người yêu cũ sau 25 năm. Người đó về quê ăn Tết và tìm cách gặp vợ tôi cùng vài người bạn cũ. Tôi chẳng quan tâm vì đó là chuyện bình thường, nếu không vô tình phát hiện trong điện thoại của vợ có mấy cuộc điện thoại về đêm khuya của người đó dài đến 70-80 phút. Tôi rất thất vọng về vợ. Nói thêm rằng khi tôi đi làm ăn ở nước ngoài về, nghe mọi người ám chỉ trong thời gian tôi không có nhà, vợ có quan hệ ngoài luồng. Sau này, tôi cũng có bằng chứng nhưng từ khi tôi về, vợ chú tâm làm ăn, không có biểu hiện lạ, hơn nữa thời gian tôi đi vắng, vợ đối xử tốt với bố mẹ tôi nên đã bỏ qua.

Tối đó, tôi quyết định hỏi vợ. Thật bực khi vợ bảo chỉ nói chuyện bình thường, tôi không phải quan tâm và không được cấm khi cô ấy chỉ nói chuyện phiếm. Vợ không xin lỗi. Tôi bảo không chấp nhận kiểu nói chuyện như vậy. Vợ còn thách tôi: Viết đơn đi. Chúng tôi cãi nhau to, gọi nhau bằng mày - tao và dùng nhiều từ ngữ gây tổn thương. Hôm sau, tôi gọi điện cho người đàn ông đó, vì không giữ được bình tĩnh nên đã xúc phạm ông ta. 

Hiện vợ chồng tôi rất căng thẳng. Vợ bỏ bê việc công ty, nói với các con và nhà nội rằng sẽ ly hôn, tôi sẽ thiệt thòi vì công ty tan rã và mất tất cả, còn cô ấy chẳng lo gì vì đã có lương chế độ. Tôi thấy buồn về cách suy nghĩ và lương tâm cô ấy. Tại sao vợ chồng sống chung 30 năm, trải qua bao vất vả, tôi đã hết lòng vun vén cho gia đình mà cô ấy nỡ như vậy. Tôi có sai trước không? Tôi đang cố thoát khó khăn mà phần nhiều do hậu quả của chị em vợ để lại, thêm phần nợ của gia đình cô ấy nữa. Vậy mà cô ấy nhẫn tâm buông xuôi, vô trách nhiệm. Thực sự sau việc này, tôi thấy mất hết niềm tin vào người vợ chung sống 30 năm. 

Các con tôi khuyên tôi chủ động làm lành với vợ, các cháu không muốn bố mẹ ly thân, gia đình phá sản. Tôi rất thương các con, nhưng trước kia tôi đã bỏ qua cho vợ nhiều lần, nếu lần này bỏ qua nữa, chắc chắn sẽ còn lần sau. Vì vậy tôi cần một lời xin lỗi và lời hứa từ đáy lòng vợ. Điều đó hơi khó vì cô ấy ngang bướng, cố chấp và bảo thủ. Tôi phải làm sao nếu vợ nhất quyết không nhận lỗi về mình? Xin chuyên gia tư vấn và các bạn một lời khuyên. Chân thành cảm ơn.

Cường

Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Anh Cường thân mến,

Điều đầu tiên chúng ta cần phải thống nhất rằng: câu chuyện này rất phức tạp, cách giải quyết không nằm ở một câu xin lỗi từ phía vợ anh là xong. Mấu chốt của vấn đề nằm ở điểm: ai có thể cùng anh gánh vác và giải quyết khó khăn lúc này.

Có thể thấy anh rất tập trung và chú tâm vào những gì đang diễn ra, nhằm giữ cho gia đình, công việc luôn êm ấm, ổn định. Vấn đề nảy sinh khi anh kỳ vọng mọi người sẽ đánh giá đúng những gì anh làm hoặc có thể đóng góp tương tự mình. Kỳ vọng này rất khó xảy ra.

Càng khó khăn hơn khi gia đình không thể là điểm tựa để xử lý công việc. Sai lầm này đến từ nhiều nguyên nhân, anh không nên tạo thêm một sai lầm nữa: xác định đây là lỗi của ai. Việc xác định này không giúp giải quyết vấn đề, mà tạo ra vấn đề mới khiến anh không giải quyết được. Chuyện đã diễn ra rồi, quy trách nhiệm cho ai đều có thể bị hiểu như một sự tấn công. Để tự vệ, họ sẽ phản kháng lại bằng nhiều hình thức. Anh sẽ tốn thêm năng lượng để giải quyết sự kháng cự và tự vệ đó. 

Sau đây là một số mục tiêu trọng điểm mà anh cần tập trung:

(1) Giải quyết nợ thật nhanh:

Anh cần một người hỗ trợ giải quyết nợ, có thể là bạn thân, anh em, đồng nghiệp hoặc một chuyên gia tài chính... bất kỳ ai có khả năng quản lý tài chính, rủi ro và thông thạo về kinh tế đều nên được cân nhắc hỏi ý kiến. Tự mình giải quyết khoản nợ khổng lồ sẽ gây ra căng thẳng và mệt mỏi kéo dài, điều này khiến anh dễ đưa ra quyết định sai lầm và mất sức. Một cái đầu tỉnh táo ở cạnh giúp anh quản lý vấn đề, thậm chí quản lý công ty sẽ là ưu tiên hàng đầu lúc này.

(2) Tránh mọi mâu thuẫn và xung đột với gia đình vào lúc này:

Anh không thể cùng lúc giải quyết 2 vấn đề lớn. Nếu anh muốn giải quyết rõ ràng vấn đề với vợ và yêu cầu vợ nhận lỗi, anh có thể cảm thấy hạnh phúc và chiến thắng trong vài ngày, nhưng sẽ không có gì thay đổi. Một lần nhận sai không hứa hẹn có thay đổi triệt để trong tương lai. Hãy khước từ ham muốn tranh luận ngay khi nó vừa nhen nhóm để tránh tổn thất lâu dài.

(3) Học cách cân bằng:

Con đường trước mặt của anh còn dài, dù thời gian khan hiếm nhưng không đồng nghĩa là anh buộc bản thân phải bán mạng để giải quyết vấn đề. Hãy cân bằng cuộc sống, thư giãn và làm những việc khiến anh vui vẻ, dễ chịu,... Khi đó anh sẽ đi được xa hơn và giải quyết được vấn đề hiệu quả hơn. Sự cân bằng này không đến từ vợ anh, gia đình hay tiền bạc,... mà là từ chính anh.

Chúc anh sớm thoát khỏi tình cảnh rối ren này. 

Theo VnExpress.net