Tâm sự

Hôn nhân đổ vỡ do quan hệ của vợ chồng tôi với gia đình hai bên không ổn

Tôi đau đớn khi vợ nhắc về việc chúng tôi vay bố mẹ cô ấy, dùng để chữa bệnh cho mẹ tôi vào năm nào đó tôi không rõ.

Hôn nhân đổ vỡ do quan hệ của vợ chồng tôi với gia đình hai bên không ổn
Ảnh minh họa

Tôi do dự, cân nhắc kỹ và viết những dòng này trong tâm trạng đau khổ, vợ chồng tôi đã quyết định chia tay sau nhiều lần cãi vã và xung đột, giờ chỉ chờ  làm thủ tục tiến tới ly hôn. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê trung du, cách Hà Nội khoảng 80 km, lên Hà Nội học đại học rồi ra trường và ở lại làm việc cho tới giờ. Tôi gặp vợ khi cô ấy vào làm cùng ở một Sở quản lý chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố. Vợ tôi người Hà Nội, là con gái của thầy giáo tôi ở trường đại học. Lẽ ra, với một mối quan hệ đặc biệt như vậy, chúng tôi đã phải sống với nhau hạnh phúc. Trớ trêu thay, hạnh phúc chỉ được vài năm đầu rồi chúng tôi có cãi vã và đổ vỡ, nguyên nhân chính xuất phát từ một điều tưởng đơn giản: mối quan hệ với gia đình hai bên.

Mẹ tôi là nông dân, cả đời sống và làm ruộng ở quê; bố được ông bà cho học hành đầy đủ hơn, là phó giáo sư, tiến sĩ; bố vợ tôi cũng vậy, chỉ khác là gia đình có gốc gác ở Hà Nội. Bố mẹ tôi cưới nhau từ khi còn rất trẻ nhưng khó khăn chuyện con cái, tưởng chừng đã tuyệt tự. Sau một hành trình chạy chữa kéo dài 14 năm, may mắn mới sinh được tôi và lần lượt hai đứa em tôi. Khi sinh tôi, mẹ 35 tuổi.

Cưới xong vợ chồng tôi sống với bố tôi khoảng 3 năm (các em tôi cũng sống cùng), sau đó tích cóp và được bố giúp một phần chúng tôi đã mua nhà riêng. Bố mẹ tôi không hài lòng khi chúng tôi ra riêng bởi tôi là con cả, sẽ tiếp quản lại nhà của bố. Đến giờ tôi không ân hận và cho rằng đó là quyết định đúng vì khi đó các em tôi chưa độc lập được, chúng tôi có khả năng tốt hơn, ra riêng là phù hợp. Hai năm sau, bố tôi nghỉ hưu, về ở quê với mẹ tôi, những bất đồng và cãi vã giữa vợ chồng tôi bắt đầu từ đây.

Vốn thương bố mẹ, thấy cảnh ông bà sống cùng nhau ở quê nhiều khi cũng buồn, tôi muốn thi thoảng cho con về thăm, vợ tôi thì không, lúc bảo ốm mệt, lúc con còn bận học, lúc về sợ ngã xuống ao, rồi sợ con bị người ta bắt cóc. Các con tôi chỉ được về quê vào 4 ngày cố định trong năm, đôi khi là không. Tôi có cảm giác như cô ấy sợ các con sẽ lây thứ bệnh gì đó khi về với ông, hoặc là chúng sẽ trở nên quê mùa nếu về quê nhiều. Cách Hà Nội chưa đầy 100 km, hơn 20 năm làm dâu mà vợ tôi chưa một lần về để làm cho bố mẹ mâm cơm tất niên hay tân niên, không về giỗ cúng ông bà tôi, giỗ tổ tiên dòng họ nhà tôi dù tôi là con trưởng.

Ngược lại, gần đây vợ trách tôi không tham gia các công việc như giỗ chạp, liên hoan, gặp mặt... của nhà cô ấy. Điều đó cho thấy cô ấy cũng không phải là típ người hiện đại, có thể coi nhẹ công việc gia đình. Hồi đầu tôi rất thích, tham gia đầy đủ các công việc nhà vợ, thường đi thăm họ hàng bên đó. Vài năm gần đây, khi đánh giá lại các việc vợ làm với gia đình mình, tôi thấy tình cảm nhạt dần rồi sinh ra xa cách. Những việc tôi vừa nêu, dù không hài lòng, tôi cũng không đặt nặng, tự an ủi rằng có nơi người ta có thờ tổ tiên ông bà đâu, còn việc cố cho các con xa lánh ông bà là tôi giận lắm. Ngay cả khi nhà tôi tổ chức mừng thọ 80 tuổi cho mẹ và 3 năm sau là cho bố (bà nhiều tuổi hơn ông), vợ cũng không để tôi cho các con về vui cùng ông bà. Những lúc như thế, tôi thấy mình giống như cún cụp đuôi lủi thủi dưới sân, có lỗi với bố mẹ vô cùng.

Đỉnh điểm là khi chôn cất mẹ tôi được một tuần, tôi bảo cho các con về thăm ông vào hai ngày cuối tuần, để ông vơi nỗi mất mát và đỡ sốc, vợ bảo các con còn bận học. Tôi về quê, nhìn bố một mình trong căn nhà trống mà thấy đau đớn vô cùng. Tôi chỉ biết tự trách mình, thấy mình quá nhu nhược. Mọi việc tôi cố chịu đựng để được nhìn thấy các con sống tốt hơn, có điều vài tháng gần đây chúng tôi lại mâu thuẫn, lần này liên quan đến vấn đề tiền. Xuất phát từ việc bán căn nhà của bố tôi để cơ cấu lại nhà ở và tài chính cho anh em chúng tôi, có những điều vợ không hài lòng và phàn nàn. Rồi lằng nhằng đến việc tôi trả nợ cho bố vợ khoản chúng tôi vay mua để ô tô mấy năm trước, tôi cầm trả trực tiếp cho ông, vợ muốn cầm lại để chi tiêu.

Điều tôi đau đớn nhất là vợ nhắc về khoản nợ chúng tôi vay bố mẹ cô ấy, tiền đó dùng để chữa bệnh cho mẹ tôi vào một năm nào đó mà tôi không rõ. Gia đình tôi không giàu có nhưng cũng không đến nỗi quá khó khăn. Bố tôi có căn nhà, một phần cậu em út ở, một phần cho thuê kinh doanh và có thu nhập hàng tháng giữ lại cho bố. Bố mẹ tôi sống bằng lương hưu của ông, gần 8 triệu/tháng. Vì ở quê, chi phí sinh hoạt thấp nên cũng đủ. Vợ chồng tôi và các em chưa bao giờ phải đóng góp tài chính để nuôi bố mẹ, đôi khi biếu các cụ một ít cho có lệ. Vì thế, tôi rất bất ngờ về khoản nợ này.

Nỗi khổ của tôi là giờ mẹ đã khuất, không mở miệng thanh minh được. Còn nỗi đau của tôi là làm con mà để mẹ chết không yên thân. Mấy tháng nay, mỗi khi bưng bát cơm lên tôi lại trào nước mắt, cảm giác tội lỗi. Đó là hành trình biến quan hệ của vợ chồng tôi từ tình yêu thành hờn dỗi, tức giận, hững hờ, bất cần, rồi uất ức, căm ghét..., không còn cứu vãn được nữa. Tôi viết những dòng này không phải để nghe lời khuyên, cũng không mong được an ủi và chia sẻ, chỉ để nhắn nhủ các bạn đang yêu và sẽ gắn bó với nhau: Hôn nhân kiếm dễ, giữ mới khó; cuộc sống vợ chồng không chỉ hai người, còn người thân và gia đình nữa; tôn trọng người kia là cách để nhận lại sự tôn trọng.

Theo Vinh (VnExpress.net)