Thế giới

Indonesia cấm giao dịch hàng hóa trên mạng xã hội

Tham vọng thương mại điện tử của TikTok bị giáng đòn mạnh sau khi Indonesia, một trong những thị trường lớn nhất của nền tảng này, ban hành lệnh cấm giao dịch hàng hóa trên mạng xã hội.

Indonesia cấm giao dịch hàng hóa trên mạng xã hội
Ảnh minh họa: Reuters

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan hôm 27/09 tuyên bố các quy định mới, áp dụng với tất cả nền tảng mạng xã hội, nhằm đảm bảo "cạnh tranh công bằng" và bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này.

Ứng dụng TikTok không bị cấm, nhưng lệnh cấm giao dịch hàng hóa trên mạng xã hội đồng nghĩa với việc nền tảng này không thể tiếp tục các giao dịch thanh toán.

Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop, tín năng thương mại điện tử ra mắt hồi năm 2021. Hồi tháng 06/2023, giám đốc điều hành Shou Zi Chew đã tới Indonesia và cam kết chi 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Các nhãn hàng và influencer có thể sử dụng tính năng livestream để bán hàng, hoặc giao dịch qua trang mua sắm của TikTok.

Phản ứng trước quy định mới, TikTok cho biết họ "hết sức lo ngại, đặc biệt là tác động của lệnh cấm tới sinh kế của hơn 6 triệu người dùng và gần 7 triệu người sản xuất nội dung sử dụng TikTok Shop" tại Indonesia.

"Chúng tôi tôn trọng luật pháp, quy định địa phương và sẽ tìm hiểu hướng đi mang tính chất xây dựng," TikTok bổ sung.

Indonesia được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất của TikTok, với dân số trẻ và năng động, theo Financial Times.

Người dùng tại Indonesia chiếm tới hơn 1/3 trong tổng số 325 triệu người dùng ở Đông Nam Á của TikTok, và nền tảng này vốn đã có kế hoạch đầu tư nhiều tài nguyên vào nước này, sau khi vấp phải nhiều trở ngại ở các thị trường khác như Mỹ, Anh và Ấn Độ.

Theo Tiktok, khoảng 15 triệu doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng chia sẻ video tại Đông Nam Á.

Các quy định mới ở Indonesia là "trở ngại lớn' cho TikTok và có thể khiến các chính phủ khác trong khu vực có động thái tương tự, theo Simon Torring, đồng sáng lập công ty phân tích thị trường Cube Asia.

"Indonesia được đánh giá là rất nghiêm khắc trong việc thực thi quy định, đặc biệt là khi có nguy cơ đối với doanh nghiệp địa phương hoặc các cộng đồng người tiêu dùng," Torring cho biết.

Tuy vậy, ông Torring đánh giá nội dung của TikTok "vẫn sẽ rất mạnh, và công ty này có thể kiếm tiền nhờ quảng cáo thay vì thương mại điện tử".

Hà An (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/indonesia-cam-giao-dich-hang-hoa-tren-mang-xa-hoi-d185298.html