Thế giới

Không muốn kết hôn, nhiều phụ nữ chi hơn 10 triệu đồng mua búp bê về làm con: 'Con nuôi' được thiết kế theo ý muốn, được đi học ở trường mầm non riêng biệt

Khi áp lực kết hôn, sinh con và vấn đề tài chính để chăm nuôi một đứa trẻ ngày càng tăng, nhiều phụ nữ Trung Quốc đã tự tạo ra con cái bằng cách chọn cho mình một con búp bê được thiết kế theo đúng ý muốn.

Thời gian gần đây, xu hướng "nuôi dạy con cái bằng búp bê" ở Trung Quốc ngày càng nổi lên như một trào lưu cực kỳ được yêu thích.

Xiong Yuelei, một nghiên cứu sinh đã mua con búp bê đầu tiên khi cô 31 tuổi. Một năm sau, Xiong đã trở thành thành viên năng nổ của cộng đồng trực tuyến gồm hầu hết là phụ nữ coi búp bê như con đẻ.

Không muốn kết hôn, nhiều phụ nữ chi hơn 10 triệu đồng mua búp bê về làm con: 'Con nuôi' được thiết kế theo ý muốn, được đi học ở trường mầm non riêng biệt
Những con cưng được cộng đồng nuôi búp bê khoe trên mạng xã hội

Cô đặt tên cho "con gái" của mình là Lucine, 1 tuổi, với mái tóc dài màu xanh nhạt và nụ cười luôn nở trên môi. Xiong cho biết ngoại hình của nó được lấy cảm hứng từ một nghệ sĩ nam nổi tiếng, mặc dù Lucine là con gái. Sau khi sở hữu, cô đã chi tiền nâng cấp một bộ xương để Lucine có thể đứng, ngồi nhiều tư thế khác nhau, ví như kiễng chân hoặc nghiêng đầu.

"Tôi đã lắp một bộ xương vì muốn con gái trông dễ thương hơn một chút", cô chia sẻ, đồng thời giải thích nhiều người khác tin rằng việc lắp một bộ xương sẽ khiến nó có "linh hồn".

Đây cũng là thú chơi thể hiện phong cách của đại đa số những người trong cộng đồng này. Chẳng hạn, mặc quần áo và làm đẹp theo một phong cách cụ thể để chúng có cá tính riêng biệt. Và giống như bất kỳ người mẹ hoặc người cha nào, họ rất vui khi "đứa con" của mình nhận được lời khen ngợi.

Không muốn kết hôn, nhiều phụ nữ chi hơn 10 triệu đồng mua búp bê về làm con: 'Con nuôi' được thiết kế theo ý muốn, được đi học ở trường mầm non riêng biệt - 1
Một góc búp bê được nuôi như con cái trong nhà

Các thành viên trong cộng đồng thường xuyên chia sẻ hình ảnh búp bê của họ là nhân vật chính trong một cảnh hàng ngày, chẳng hạn như ngồi trong quán cà phê, du lịch, hoặc tham gia buổi hòa nhạc.

Xiong, người thường đăng ảnh của Lucine cho biết: "Đó là vì muốn mọi người xem những bức ảnh này và tương tác với bạn. Tôi thực sự thích cảm giác đó".

Đối với một số người, việc chụp những bức ảnh đẹp đã trở thành minh chứng cho việc nuôi dạy con cái tốt. Thậm chí, chủ nhân sẽ yêu thích những con búp bê vốn được cộng đồng tương tác nhiều hơn các con còn lại.

Một con búp bê tên Toffee còn có cả "fanclub" trên mạng xã hội Douban. "Tôi nghĩ Toffee rất dễ thương, nhưng tất nhiên sự quyến rũ của nó còn đến từ tất cả những lượt thích và khen ngợi nhận được. Lúc đầu, tôi nghĩ nó chỉ là một con búp bê dễ thương, nhưng những 'bà mẹ' khác đã ban cho nó một linh hồn", một người nói.

Một điều không tưởng khác mà những người "con nuôi" này nhận được đó là được đi học như những đứa trẻ bình thường.

Trong tài liệu quảng cáo, Trường mẫu giáo Hoa Xuân ở Bắc Kinh hứa sẽ cung cấp sự đồng hành trong giờ chơi và tư vấn tâm lý để các bậc cha mẹ búp bê có thể yên tâm khi biết con mình không cô đơn hay sợ hãi.

Được biết, người nuôi búp bê chủ yếu là người trẻ đang học đại học hoặc mới đi làm, phụ nữ độc thân hoặc không sinh con. "Nhiều người được phỏng vấn cho biết họ đang cân nhắc việc không kết hôn và không có con", Xiong nói.

Không muốn kết hôn, nhiều phụ nữ chi hơn 10 triệu đồng mua búp bê về làm con: 'Con nuôi' được thiết kế theo ý muốn, được đi học ở trường mầm non riêng biệt - 2
Một người trẻ đưa búp bê đi chơi

Giá thiết kế và sản xuất dao động từ 40 đến 70 tệ mỗi con (150.000 đến gần 300.000 đồng) cho số lượng từ 50 đến 100 con mỗi lần. Một số người còn chọn búp bê làm theo yêu cầu, có giá từ 2.000 đến 3.000 tệ (7-11,5 triệu đồng).

Tuy nhiên, rất ít người chia sẻ sở thích của mình với cha mẹ hoặc người thân lớn tuổi, vì việc chơi búp bê thay vì chuẩn bị có con có thể bị coi là "điềm xấu". Khi Xiong biết mẹ cô, sống ở một thành phố khác, đang lên kế hoạch bất ngờ đến thăm nhà cô ngay trước Tết Nguyên đán, cô đã dành cả buổi tối để đóng gói những con búp bê và giấu chúng trong tủ quần áo vì sợ mẹ mắng.

Tiến sĩ Huang Weizi, Đại học Khoa học và Công nghệ Ma Cao cho biết thế giới nuôi con búp bê khác với áp lực nuôi con ngoài đời thực. Con búp bê nào cũng mặc đẹp, các bà mẹ khen ngợi nhau và ai cũng cảm thấy hài lòng. Theo Huang, những phụ nữ trẻ này chủ yếu khao khát được chấp thuận, công nhận và thuộc về. "Chính xác là bởi vì thế hệ này có thể đã lớn lên trong môi trường nuôi dạy con cái quá khắc nghiệt", Huang nói.

Tiến sĩ Huang cũng nhận thấy rằng những người được phỏng vấn hầu hết đang trong giai đoạn chuyển tiếp và việc nuôi búp bê giảm bớt áp lực cuộc sống, giúp họ không cô đơn. Búp bê đóng vai trò là kho chứa cảm xúc và trở thành con đường để họ kết nối với thế giới bên ngoài.

Theo Nguyễn Phượng (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/khong-muon-ket-hon-nhieu-phu-nu-chi-hon-10-trieu-ong-mua-bup-be-ve-lam-con-con-nuoi-uoc-thiet-ke-theo-y-muon-uoc-i-hoc-o-truong-mam-non-rieng-biet-a409137.html