Người phụ nữ cho biết, con trai bà hiện đang mắc chứng bạch biến ở vùng da mặt, một tình trạng nhiều mảng da bị đổi sang màu trắng vì mất sắc tố, sau khi bị giáo viên tát vào mặt cậu bé chỉ vì con không làm bài tập về nhà.
SCMP đưa tin, người mẹ họ Hoàng (Huang) mới đã phải đưa cậu con trai họ Lưu (Liu), 11 tuổi, đến bệnh viện sau khi nhận thấy mặt cậu bé bị sưng tấy. Được biết Lưu hiện đang học tại trường tiểu học Nghĩa Phúc (Yifu) thuộc tỉnh Vân Nam, miền Tây Nam Trung Quốc. Cậu bé kể với mẹ rằng, nguyên nhân em bị sưng mặt là do bị một giáo viên tát trước toàn thể lớp.
Theo những gì cậu bé kể lại, vị giáo viên đã bắt cậu đứng lên trước toàn thể lớp vì cậu chưa hoàn thành bài tập toán được giao về nhà. Chưa dừng lại ở đây, vị giáo viên sau đó còn tát vào bên phải mặt cậu bé ba lần và bên trái một lần, Lưu cho biết.
Ba tháng sau vụ việc trên, một số vùng da trên mặt đứa trẻ bắt đầu có biểu hiện bị mất sắc tố. Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch biến của Lưu vẫn chưa được xác định chính xác nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố căng thẳng về môi trường cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này, theo SCMP.
Trong khi đó, chia sẻ với hãng truyền thông Trung Quốc Benliu News, một nhân viên của trường tiểu học Nghĩa Phúc cho biết, trước đó cậu bé đã được chẩn đoán mắc bệnh bạch biến. Nhà trường hiện đang chờ kết quả điều tra của cảnh sát và đánh giá thương tích từ cơ qun y tế để xác định hành động thích hợp đối với giáo viên liên quan. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, nhân viên này cũng không nêu rõ giới tính của vị giáo viên.
Về phía gia đình, người mẹ cho biết bà không thể liên lạc với người giáo viên sau khi bệnh viện gửi hóa đơn điều trị. Bà cho biết bà vẫn đang chờ giáo viên hoặc nhà trường thanh toán những khoản viện phí này.
Theo Viện Y tế Quốc gia Trung Quốc, những người mắc bệnh bạch biến thường có tỷ lệ lo lắng hoặc trầm cảm cao hơn so với những người bình thường khác. Nguy cơ gia tăng này có thể xuất phát từ những thách thức trong các tình huống xã hội, khiến họ khó cảm thấy được chấp nhận và hòa nhập với người khác. Viện này cũng đưa ra khuyến cáo rằng người dân không nên có quan điểm sai lầm rằng căn bệnh này có thể lây lan khiến bệnh nhân bạch biến thường bị phân biệt đối xử.
Câu chuyện ngay sau khi được đăng tải đã khiến cư dân mạng Trung Quốc vô cùng phẫn nộ.
“Làm sao một giáo viên có thể làm học sinh bị thương nặng đến vậy mà không bị phạt trong suốt ba tháng?” một người bày tỏ sự phẫn nộ trên Douyin (một phiên bản tiếng Trung tương tự như nền tảng Tiktok - PV).
Một người khác cho biết, có những hình phạt về thể xác khác cũng rất hiệu quả nhưng nhẹ nhàng, chẳng hạn như phạt ngồi một chỗ để kỷ luật những học sinh hư, đồng thời nói thêm: "Tát vào mặt một đứa trẻ là một hành động rất thái quá".
Tại Trung Quốc, Luật bảo vệ trẻ vị thành niên của nước này luôn cấm giáo viên sử dụng hình phạt về thể xác. Vụ việc ở Vân Nam không phải là lần đầu tiên hành vi kỷ luật không đúng mực của giáo viên gây ra những tranh cãi trong công chúng.
Năm ngoái, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc được cho là đã đánh một bé gái chín tuổi vào đầu bằng thước kẻ tam giác, khiến xương sọ của bé bị nứt và phải tiến hành phẫu thuật. Cảnh sát sau đó đã tiến hành bắt giữ giáo viên này vì tội cố ý hành hung gây thương tích cho người khác.
QT (SHTT)