Thế giới

Vì sao kiếm được hơn 4 tỷ/năm nhưng gần 10.000 bác sĩ tại Hàn Quốc vẫn tạo ra cuộc đình công chưa từng có?

Người hành nghề y cần phải thề đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hàng đầu. Nhưng khi hơn 8.000 bác sĩ tại Hàn Quốc phá vỡ lời thề này, câu chuyện cần được xem xét lại.

Từ trước đến nay, nghề bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung luôn có tính chất đặc thù là vất vả, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Tầm quan trọng của ngành y tế đối với cộng đồng, xã hội tất nhiên là chuyện không thể phủ nhận, khi chăm sóc sức khỏe luôn là nhu cầu thiết yếu quan trọng nhất của mỗi người. Chính vì thế mà nghề bác sĩ luôn được xã hội coi trọng và coi là một trong những ngành nghề cao cả nhất.

Trước khi tốt nghiệp ngành y, nhiều sinh viên y khoa trên thế giới phải đọc lời thề Hippocrates, trong đó nội dung phải tuân thủ nguyên tắc y đức, đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết. Những ngày qua, Hàn Quốc phải đối mặt với thảm họa y tế khi gần 10.000 bác sĩ đình công nghỉ việc để đòi quyền lợi cho mình, dẫn đến việc chăm sóc y tế toàn quốc bị gián đoạn. Nhiều bệnh nhân không còn có người chữa trị. Khủng hoảng y tế này tất nhiên gây ra nhiều hỗn loạn, bất bình và lời chỉ trích vào phía tập thể bác sĩ.

Nếu chỉ một vài bác sĩ phá bỏ “lời thề Hippocrates” thì là một chuyện, nhưng khi quá 70% số bác sĩ của một đất nước phát triển cùng đồng lòng như vậy, tình cảnh khiến người ta phải suy ngẫm và đặt ra câu hỏi: Có phải quyền lợi mà các bác sĩ nhận được đang quá thấp so với những gì họ bỏ ra? Đáng nói, cuộc đình công lớn này còn xảy ra tại Hàn Quốc - nơi bác sĩ có mức lương thuộc hàng cao nhất trong xã hội, trung bình tới 200.000 USD/năm. (hơn 4,6 tỉ đồng).

Làm việc 20 tiếng/ngày, kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần

Các thực tập sinh y khoa và bác sĩ nội trú Hàn Quốc nói rằng họ bị trả lương thấp và làm việc quá sức. Sự phản đối của họ cho thấy hệ thống đã bị hỏng vì sự vắng mặt của họ dẫn đến các thủ tục phẫu thuật bị hủy bỏ và các phòng cấp cứu phải trả lại bệnh nhân liên tục.

Hành động chống đối của các bác sĩ thực tập sinh đã có hiệu quả trong quá khứ, phần lớn là do họ chiếm ít nhất 40% nhân viên tại một số bệnh viện lớn ở Seoul.

Các bác sĩ đình công thường làm việc 80 đến 100 giờ, 5 ngày một tuần hoặc lên đến 20 giờ một ngày. Họ cho rằng cần phải giải quyết các điều kiện thiếu thốn hiện tại của họ bằng cách thuê thêm bác sĩ có kinh nghiệm, thay vì tăng số lượng học viên ngành y lên như đề xuất của chính phủ.

Vì sao kiếm được hơn 4 tỷ/năm nhưng gần 10.000 bác sĩ tại Hàn Quốc vẫn tạo ra cuộc đình công chưa từng có?
Các bác sĩ Hàn Quốc "từ bỏ" bệnh nhân để đòi quyền lợi cho mình trước

Vì sao làm việc đến kiệt sức nhưng bác sĩ không cần thêm sinh viên ngành y?

Jeong Hyung-jun, bác sĩ y khoa và giám đốc chính sách của nhóm vận động y tế công cộng thuộc Liên đoàn các nhóm hoạt động y tế Hàn Quốc, cho biết các bác sĩ trẻ cũng lo lắng về việc tăng số lượng sinh viên y khoa vì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều cạnh tranh hơn trong một lĩnh vực vốn đã cạnh tranh khốc liệt. Theo họ, số bác sĩ trong nước không thiếu mà vấn đề là phân bổ không đồng đều, không nhận được quyền lợi và thu nhập đồng đều, tương xứng với những gì họ bỏ ra.

Ông nói: “Sự cạnh tranh vốn đã rất khốc liệt khi họ vào các trường y rồi”. Vì sao các bác sĩ làm việc kiệt sức nhưng lại phản đối việc có thêm nhiều bác sĩ hơn trong tương lai? Câu trả lời là theo họ, số lượng sinh viên y tăng lên trong tương lai đồng nghĩa giảm chất lượng đầu vào của ngành, giảm chất lượng y tế và giảm vị thế của nghề bác sĩ. Điều quan trọng hơn cả là những sinh viên này phần nhiều sẽ đổ dồn vào các ngành thu nhập cao như da liễu, phẫu thuật thẩm mĩ thay vì các ngành kém hấp dẫn hơn như nhi, sản khoa, phụ khoa,... nên vấn đề thiếu người không được giải quyết, bù lại chỉ làm tăng cạnh tranh ở những chuyên khoa hot vốn không cần thêm nhân lực nữa.

Theo dữ liệu mới nhất của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với 2,6 bác sĩ trên 1.000 dân, tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân của Hàn Quốc được xếp hạng thấp nhất trong số các nước phát triển. Áo được xếp hạng hàng đầu với 5,5 bác sĩ trên 1.000 dân.

Cũng theo dữ liệu của OECD, các bác sĩ chuyên khoa Hàn Quốc trung bình nằm trong số những nước được trả lương cao nhất trong số các nước phát triển, với thu nhập trung bình hàng năm là 192.749 USD vào năm 2020. Tuy nhiên, các bác sĩ đa khoa được trả lương thấp hơn.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế, có sự chênh lệch đáng kể về thu nhập của các chuyên gia tùy thuộc vào lĩnh vực của họ. Bác sĩ nhi khoa được trả lương thấp nhất, thấp hơn 57% so với mức trung bình chung. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và bác sĩ da liễu hành nghề tư nhân thường được trả lương cao hơn rất nhiều. Vì thế, các sinh viên trường y ra trường có xu hướng đổ xô vào các chuyên khoa dễ dàng hơn này, gây ra cục diện bất cập.

Cộng đồng y tế cho biết hiện đã có đủ bác sĩ và lấy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẵn có cho hầu hết mọi người như một ví dụ về lý do tại sao số lượng bác sĩ không phải là vấn đề.

Họ cũng nói rằng con số sinh viên y mà chính phủ muốn tăng cường là tùy tiện và chính quyền chưa công khai cơ sở cho con số đó.

Vì sao kiếm được hơn 4 tỷ/năm nhưng gần 10.000 bác sĩ tại Hàn Quốc vẫn tạo ra cuộc đình công chưa từng có? - 1
Môi trường làm việc của bác sĩ Hàn Quốc và nhiều nơi trên thế giới còn quá khắc nghiệt

Các bác sĩ nói rằng nếu không giải quyết được vấn đề cơ bản về lương và làm việc quá sức thì sẽ không có động lực để tăng số lượng bác sĩ hành nghề trong các lĩnh vực thiết yếu. Một số nhà phân tích cho rằng số bác sĩ bình quân đầu người không phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe. Họ nói rằng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế ở Hàn Quốc thuộc hàng tốt nhất trên thế giới.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh quay trở lại làm việc đối với những bác sĩ đã nghỉ việc và tuyên bố sẽ truy tố những người không tuân thủ. Chính phủ cho biết họ sẵn sàng đối thoại và hoan nghênh các đề xuất cải thiện kế hoạch của mình, đồng thời chỉ đạo các bệnh viện quân đội và bệnh viện cảnh sát trên khắp đất nước tiếp nhận bệnh nhân dân sự.

Jeong, một chuyên gia trong lĩnh vực này, cho biết cường độ và tình trạng bế tắc cho thấy sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế có thể kéo dài trong một thời gian, thậm chí lên đến một năm.

Theo Chi Chi (Phụ Nữ Số)




https://phunuso.baophunuthudo.vn/vi-sao-kiem-duoc-hon-4-ty-nam-nhung-gan-10000-bac-si-tai-han-quoc-van-tao-ra-cuoc-dinh-cong-chua-tung-co-193240227175726447.htm