Thế giới

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam

Giáo sư - viện sĩ Trần Đại Nghĩa là tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí của Việt Nam, gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng trong kháng chiến như đạn Bazoka, súng SKZ...

Giáo sư - viện sĩ Trần Đại Nghĩa là tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí của Việt Nam, gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng trong kháng chiến như đạn Bazoka, súng SKZ...

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam

LTS: Trong thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong khói lửa chiến tranh, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội đã xuất hiện nhiều lớp cán bộ điển hình, mẫu mực, có trình độ chỉ huy, tác chiến giỏi; luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Để góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một số bài viết đặc sắc trong bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân".

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam - Ảnh 1.
 

Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997)

Tên thật: Phạm Quang Lễ

Quê quán: xã Chấn Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Ông nhập ngũ năm 1946, được phong Thiếu tướng năm 1948, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949, giáo sư, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1966.

Ông đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khoa học - công nghệ của Việt Nam, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất....

(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 1000)

HỒI ỨC VỀ BA - NGƯỜI CẢ ĐỜI VÌ NGHĨA LỚN

(Trần Dũng Trí - con trai thiếu tướng Trần Đại Nghĩa)

Bỏ mức lương 20 lạng vàng theo Bác Hồ

Ba tôi tên thật là Phạm Quang Lễ sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 tại xã Chấn Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo nghèo giàu lòng nhân ái ở miền quê Vĩnh Long "địa linh nhân kiệt" giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.

... Năm 1930, ông được tuyển thẳng vào Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn) và được học bổng 3 năm liền. Năm 1933, ông đỗ thủ khoa tú tài bản xứ và tú tài Tây, đến tháng 9 năm 1935 được sang Pháp du học.

... Bằng sự nỗ lực không ngừng, tập trung cao độ trong khoảng 4 năm, ông đã theo học và tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học quốc gia cầu đường Paris, Học viện Kỹ thuật hàng không.

.. Ngày 22 tháng 6 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris, là thượng khách của nước Pháp. Phạm Quang Lễ cùng một số trí thức Việt kiều được tiếp kiến Bác Hồ, được Người ân cần chỉ bảo và kêu gọi trở về Tổ quốc phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đây cũng là thời khắc đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời ba tôi để tiến tới thực hiện thắng lợi quyết tâm và hoài bão đã được ông nung nấu bao lâu nay.

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với GS Trần Đại Nghĩa. (Ảnh tư liệu, theo Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Theo hồi ký của ba tôi, năm 1946 ông giữ cương vị kỹ sư trưởng với mức lương 5.500 francs/tháng (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ). Nếu ở lại Paris, ba tôi sẽ có cuộc sống đủ đầy.

Mặc dù biết điều kiện sống và làm việc ở trong nước thời kỳ chiến tranh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng ba tôi vẫn quyết định về nước với Bác Hồ (1946) và xác định cho mình sẽ làm được công việc nặng nề mà Bác Hồ giao phó với tên gọi mới: Trần Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt cho. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là niềm vinh dự lớn đối với ba tôi.

Trở về với 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí

... Để thực hiện hoài bão nghiên cứu chế tạo vũ khí rồi về nước phục vụ, ba tôi đã bí mật, âm thầm tìm mọi cách tận dụng mọi cơ hội học về kỹ thuật vũ khí ở nước ngoài để khi có thời cơ sẽ trở về Tổ quốc góp sức đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Trong 11 năm ở Pháp, ngoài sự ham học hỏi, cần cù, trí thông minh sáng tạo, ông còn đặt ra cho mình phương pháp tiếp cận, khối lượng kiến thức và công nghệ cần đạt được để có thể áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam và ông đã thực hiện được điều đó:

- Tốt nghiệp các trường có liên quan đến chuyên ngành vũ khí, sưu tập các tài liệu chế tạo vũ khí tại các viện bảo tàng vũ khí, các thư viện;

- Bằng mọi cách làm việc cho các hãng nổi tiếng nước ngoài như hãng chế tạo máy bay Pháp, Nhà máy điện khí Thomson, hãng chế tạo máy bay và Viện Nghiên cứu Vũ khí, kỹ thuật hàng không của Đức để tiếp thu kỹ thuật và công nghệ chế tạo vũ khí; đã đọc các tài liệu gốc của Pháp và Đức về nghệ thuật quân sự để nâng cao hiệu quả thiết kế chế tạo vũ khí.

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam - Ảnh 4.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa tại một công binh xưởng sản xuất vũ khí trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu, theo Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Vì vậy khi theo Bác về nước, hành trang của ông gồm 3 bằng kỹ sư, 1 bằng cử nhân khoa học, 2 chứng chỉ, đặc biệt là 30.000 trang tài liệu nghiên cứu ghi chép, sưu tầm và hơn 1 tấn tài liệu về chế tạo vũ khí - kết quả từ sự nỗ lực phi thường của ông.

Đặc biệt, kinh nghiệm vượt khó của ông trong việc tự nghiên cứu vũ khí đã giúp ông rất nhiều trong việc triển khai nghiên cứu chế tạo và đào tạo cán bộ trong nước về chế tạo vũ khí.

Trong kháng chiến chống Pháp do cách mạng Việt Nam chưa thông thương với các nước xã hội chủ nghĩa nên ông tập trung vào các công việc chính sau:

- Nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí phù hợp với cách đánh và nguồn lực của ta;

- Đào tạo kỹ thuật cơ bản về vũ khí và công nghệ chế tạo vũ khí cho cán bộ mà ta còn thiếu;

- Xây dựng hệ thống tổ chức, cơ sở nghiên cứu, sửa chữa chế tạo vũ khí ngày càng đông đủ về đội ngũ, đa dạng về tổ chức, hiệu quả và chất lượng về sản xuất vũ khí.

Nhờ đó, ông cùng đồng chí, đồng nghiệp đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, đạn dược phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho bộ đội chiến đấu.

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam - Ảnh 5.

GS Trần Đại Nghĩa tại một hội nghị quân sự trong nước. (Ảnh tư liệu, theo Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Với thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và sản xuất vũ khí, ông được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên (1948), trở thành trí thức đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng lao động (1952) và giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996) đối với cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật vũ khí gồm bazoka, súng SKZ và đạn bay trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam - Ảnh 6.

Súng bazoka 40 mm do Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1947 trang bị cho bộ đội chiến đấu trong Chiến dịch Việt Bắc. Ảnh:VinhlongOnline.

Trong kháng chiến chống Mỹ với cương vị là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chuyên trách chỉ đạo về mặt vũ khí quốc phòng, ông cùng các nhà kỹ thuật quân sự xây dựng phương hướng cơ bản và kế hoạch dài hạn về vũ khí, trong đó nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm:

Một là sử dụng có hiệu quả cao vũ khí được viện trợ; hai là nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí phù hợp với cách đánh của ta; ba là nghiên cứu các biện pháp đối phó với kỹ thuật chiến tranh hiện đại của Mỹ.

Ông cũng trở thành cố vấn, chỗ dựa tinh thần cho các nhà khoa học trẻ trong các chương trình, đề tài nghiên cứu và nhiệm vụ quan trọng đối phó với chiến tranh hiện đại của Mỹ.

Câu chuyện tình với cô gái Bắc Ninh

Dù bận trăm công nghìn việc với các trọng trách lớn nhưng trong đời thường ba tôi thực sự là người ông, người cha mẫu mực, nhân hậu, hết lòng yêu thương con cháu, tôn trọng mọi người. Ba tôi sống giản dị, tiết kiệm và hòa đồng.

Mẹ tôi là Nguyễn Thị Khánh, sinh năm 1927 quê ở Bắc Ninh, năm 1947 là y tá thuộc Cục Quân giới. Khi gặp ba, lúc đó ba là Cục trưởng Cục Quân giới, mẹ thấy:

"Ba có đức tính cần cù, chịu khó, hiền khô như đất, chẳng bao giờ to tiếng với ai lại rất tôn trọng cá tính người khác, ít nói và suốt ngày đọc sách nghiên cứu. Rất kín đáo, chẳng bao giờ nói về mình cả bởi ông là người khiêm tốn không thích phô trương…".

Mẹ tôi kể lại câu chuyện ngày cưới đáng nhớ của mình: "Lễ cưới của ba mẹ tổ chức vào ngày 2 tháng 9 năm 1947 tại Bắc Cạn. Đám cưới rất đơn giản, ông Xuân - Bí thư Đảng ủy Cục tuyên bố lý do, anh em chúc mừng rồi uống nước chè.

Anh em đòi khao, anh Nghĩa mở ví ra còn 50 đồng tiền tài chính đưa cho anh Hòa ra Bắc Cạn (cách đó 5km) mua một sọt mắc coọc mang về gọt vỏ mời mỗi người vài miếng. Sau đó anh em bí mật góp nhau mỗi người 5 đồng đưa cho chị Hằng cấp dưỡng làm một bữa cơm mời mọi người cùng ăn".

Ba mẹ tôi sống rất hạnh phúc và trọn đời yêu thương nhau. Sau ngày đất nước hòa bình, trở về Hà Nội, được ba động viên, mẹ đã nỗ lực học tập thành y sĩ, về sau thành bác sĩ y khoa, là bác sĩ điều trị tại Phòng Y tế Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - Hà Nội.

Vị tướng mang hơn 1 tấn tài liệu chế tạo vũ khí về Việt Nam - Ảnh 7.

Không chỉ hết lòng vì nước, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa còn là người chồng, người cha tuyệt vời (Ảnh: Viên Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam)

Cha mẹ tôi sinh được 4 người con trai: Trần Dũng Trí (1951), Trần Dũng Triệu (1953), Trần Dũng Trình (1955), Trần Dũng Trọng (1959). Anh em tôi được ba mẹ đặt cho họ Trần - là dòng họ mà Bác Hồ đã đặt cho ba tôi - với mong muốn các con sẽ nối tiếp sự nghiệp của ba.

Đến nay các con của tôi và các cháu (con của các em tôi) đều mang họ Trần.

Ba tôi đã từng nói với mẹ tôi: "Đời sống còn khó khăn, cần phải chi tiêu tiết kiệm, khi nào đất nước tiến lên mọi người sẽ được sung sướng trong đó có chúng ta". Trong những bữa cơm có gì ăn nấy, ông không bao giờ phàn nàn về những bữa ăn do mẹ tôi hoặc người phục vụ nấu.

... Ba tôi là người cha hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc. Sau giờ làm việc, ông đều dành thời gian để kèm cặp anh em chúng tôi học tập. Phương thức học mà cha chúng tôi truyền cho con hết sức đơn giản: Không được học thuộc lòng mà phải biết tóm tắt lại kiến thức đã học, gạch đầu dòng những vấn đề chính để nhớ cho dễ dàng.

Ba thường răn dạy con cháu trong gia đình: "Tuổi trẻ phải sống có hoài bão lớn. Ngày nay hòa bình rồi, phải có suy nghĩ, ước mơ làm kinh tế giỏi, sáng tạo khoa học kỹ thuật và thực hiện bằng được ước mơ của mình…".

... Với riêng tôi (là con trai trưởng trong nhà) nên ba nhắc tôi phải làm gương cho các em. Khi tôi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự, ba tôi nói:

"Ba rất mừng vì con đã học xong đại học và là một sĩ quan quân đội, do quân đội đào tạo. Vì vậy, ở nơi nào cần và được tổ chức phân công thì con phải chấp hành, ba không can thiệp vào công việc của con. Khi ra làm việc con phải tiếp tục học tập, phấn đấu và rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất".

Khắc ghi lời răn dạy của ba, kính trọng và tự hào về ba, tất cả các anh em chúng tôi hoàn toàn tự hào và tự tin để nói rằng chúng tôi đã đem theo tất cả những mong ước, dạy bảo của cha vào cuộc sống, trở thành một công dân tốt của quê hương.

Tôi công tác ở Cục Kỹ thuật thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, nay đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Hai em Trần Dũng Triệu và Trần Dũng Trình cũng đã tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng).

... Năm 1975 miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Ba mẹ tôi mới có dịp trở lại miền Nam về quê hương Vĩnh Long, nơi ba tôi được sinh ra và lớn lên, gặp gỡ bà con họ hàng sau 38 năm xa cách.

Ba tôi thắp nén nhang lên mộ ông bà nội và nói: "Con đã về đây, đã làm theo đúng lời nguyện ước của ba, má khi xưa, đã học hành thành đạt và cống hiến hết mình cho Tổ quốc."

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913 - 2013), nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Khu tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với mong muốn góp phần phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân về một tấm gương hiếu học, một tinh thần phụng sự khoa học, phục vụ cách mạng cao cả của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Hôm nay đã gần 18 năm ba tôi đi xa (1997 - 2015) và 102 năm ngày sinh của ba (1913 - 2015), chúng tôi ôn lại những chặng đường cuộc đời của ba đã phấn đấu vì nghĩa lớn.

Chúng tôi vô cùng tự hào về ba, cố gắng rèn luyện bản thân và dạy bảo con cháu học tập, công tác theo tấm gương sáng của ba - một người học trò chân thành xứng đáng với niềm tin của Bác Hồ kính yêu.

Bài viết được trích từ bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xuất bản và phát hành.

Cuốn sách kể lại quá trình hoạt động cách mạng, công tác và cuộc sống đời thường, cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.

Theo Quân Sự (Soha/Trí Thức Trẻ)