Thế giới

Vua ốm, tương lai Thái Lan trở nên khó lường

Sau khi trị vì trong gần 7 thập kỷ, sức khỏe của Vua Bhumibol Adulyadej, người có khả năng đoàn kết đất nước và là biểu tượng tiêu biểu của dân tộc, đang giảm sút.

Sau khi trị vì trong gần 7 thập kỷ, sức khỏe của Vua Bhumibol Adulyadej, người có khả năng đoàn kết đất nước và là biểu tượng tiêu biểu của dân tộc, đang giảm sút.

Một chân dung của vua Bhumibol Adulyadej trên phố tại thành phố Bangkok. Ảnh: The New York Times

 
Hoàng cung thông báo tình trạng bệnh tật của Quốc vương với tần suất ngày càng dày. Trong những ngày gần đây, con gái út của Quốc vương chủ trì những buổi cầu nguyện trong một nghi lễ Phật giáo dành cho bệnh nhân thập tử nhất sinh.
 
Mối lo của công chúng đối với sức khỏe của Quốc vương đã khiến bầu không khí lo âu bao trùm khắp Thái Lan, một trong những nước tăng trưởng chậm nhất châu Á trong thời gian qua và đang chịu sự điều hành của quân đội, New York Times nhận định.
 
Trong bối cảnh lòng kính trọng đối với Quốc vương từng là điều duy nhất có thể đoàn kết đất nước vốn đang chia rẽ về chính trị, ngày nay tương lai của Hoàng gia Thái trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
 
Thái tử, người kế vị ngai vàng, sẽ đối mặt với thử thách lớn để giành lòng tin và sự kính trọng mà người dân dành cho Quốc vương. Nhiều người Thái hy vọng Công chúa Sirindhorn, em gái của Thái tử, sẽ kế vị cha. Cô chiếm được cảm tình của người dân qua những hoạt động từ thiện và giúp dân nghèo. Nhưng luật của Hoàng cung cấm phụ nữ trị vì.
 
Sự lo ngại đối với việc chuyển giao ngai vàng đã dẫn tới một cuộc tranh luận tế nhị về kiểu Hoàng gia mà Thái Lan nên áp dụng. Nó "tế nhị" không chỉ vì vua Bhumibol đang sống, mà còn vì mọi cuộc thảo luận công khai về Hoàng gia đều bị hạn chế bởi một luật mà theo đó, vu khống, nhục mạ hay đe dọa vua, hoàng hậu và người kế vị là tội ác. Những người phạm luật có thể lĩnh mức án tù tối đa 15 năm.
 
Mặc dù vậy, những lời chế nhạo Hoàng gia của những người nặc danh vẫn xuất hiện trên mạng Internet, và một phong trào ngầm ngày càng mạnh đang đe dọa sự tồn tại của nó.
 
Vào năm 2010, khi thăm Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, Ngoại trưởng Kasit Piromya nhấn mạnh rằng người Thái nên bắt đầu thảo luận các "chủ đề nhạy cảm".
 
"Tôi nghĩ chúng ta phải nói về Hoàng gia, về cách mà họ phải cải cách để phù hợp với thế giới đang toàn cầu hóa giống như Hoàng gia ở Anh, Hà Lan, Đan Mạch hay Liechtenstein", Kasit nói.
 
Ngay lập tức, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan tìm cách tránh xa những lời bình luận của Kasit, nói rằng chúng chỉ là "ý kiến cá nhân" chứ không phải chủ trương của chính phủ.
 
Để ngăn chặn sức mạnh của phong trào chống Hoàng gia, chính phủ quân sự tăng cường hoạt động trấn áp. Chính quyền quân sự vốn giành quyền điều hành đất nước một cách hợp pháp với sự chấp thuận của vua. Vì thế, đương nhiên họ sẽ bảo vệ Hoàng gia tới cùng.
 
Những vị tướng nắm quyền tỏ ra kiên quyết trong nỗ lực bắt và giam những người phản đối Hoàng gia. Chỉ trong năm 2015, họ đã chi 540 triệu USD (lớn hơn cả ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao) để thực hiện một chiến dịch tuyên truyền mang tên "Sự tôn kính, Bảo vệ và Duy trì Hoàng gia".
 
Chiến dịch bao gồm hàng loạt chương trình quảng cáo trên đài truyền hình, các hội thảo tại trường và trại giam, các cuộc thi hát, viết tiểu thuyết và sản xuất phim ngắn để ca ngơi vua. Quân đội cũng dựng tượng của những vị vua đã qua đời ở thành phố du lịch Hua Hin, nhưng họ tuyên bố chúng được xây bằng tiền quyên góp của người dân.
 
"Đây không phải là hoạt động tuyên truyền. Giới trẻ phải hiểu những việc mà Quốc vương đã thực hiện", Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng của chính quyền quân sự, phát biểu.
 
Quân đội cũng tìm cách quảng bá hình ảnh của Thái tử trong vài tháng gần đây. Vào tháng trước, Thủ tướng Prayuth dành vài giờ để đạp xe cùng Thái tử ở thủ đô Bangkok trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp để tôn vinh Hoàng hậu Sirikit, người cũng đang vật lộn với bệnh tật.
 
Giới truyền thông Thái Lan và trang YouTube khắc họa hình ảnh vị thái tử 63 tuổi giống như một người đàn ông trẻ trung, tập thể dục chăm chỉ và một người cha mẫu mực, khác hoàn toàn với biệt danh "Don Juan" mà Hoàng hậu từng dùng để gọi con trai.
 
Kasit, nay là cựu ngoại trưởng, nhận định rằng chuyến du ngoạn thủ đô bằng xe đạp là "bước ngoặt" đối với thái tử.
 
"Giới lãnh đạo quân đội đã chọn người trở thành vua tiếp theo của Thái Lan", ông nhận định.
 
Giới quan sát coi việc quân đội ủng hộ thái tử, cũng như liên minh mật thiết giữa quân đội với Hoàng gia, là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. Vua là người đứng đầu lực lượng vũ trang và có quyền phê chuẩn mọi chính phủ mới cũng như các vị trí chủ chốt. Nhiều người cho rằng quân đội đã tăng quyền lực cho Hoàng gia để củng cố vị thế của họ.
 
Mặc dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng do tuổi cao và sức yếu, vua hiện diện ở khắp nơi. Người ta treo chân dung của ông ở các tòa nhà chính phủ, sân bay, trường học và các địa điểm công cộng.
 
Quân đội lật đổ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vào năm 2006 và cũng phế truất chính phủ do bà Yingluck Shinawatra, em gái của ông, lãnh đạo vào năm ngoái. Mặc dù vậy, những người ủng hộ gia tộc Shinawatra vẫn là thế lực lớn trong chính trường Thái Lan.
 
Chính quyền quân sự cố gắng trấn áp những người chống đối và giam nhiều thành viên trong chính phủ của Yingluck Shinawatra, song đoàn kết dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với quân đội và vị vua tương lai.
 
>> Thái Lan cam kết điều tra đến cùng vụ bắn ngư dân Việt Nam
 
Theo Linh Phong (Zing.vn)