Xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Chuyển thẳng lương cho vợ kiểm soát càng tốt có gì đâu'

Trả lời báo chí trước việc theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng bộ Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.

Bộ Luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua, thay thế cho Bộ Luật Lao động 2012 hiện nay và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Chiều ngày 16/12 tại buổi họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Sau buổi công bố, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí. Trước câu hỏi của báo chí liên quan đến một số quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Chuyển thẳng lương cho vợ kiểm soát càng tốt có gì đâu'
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

 Tại Điều 94 của Bộ luật này nêu rõ: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Điều này có thể hiểu rằng, lương của chồng sẽ được chuyển thẳng tài khoản vợ nếu như người chồng thực hiện ủy quyền cho vợ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi, cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi, tránh tình trạng lương của tôi chuyển khoản cho tôi, sau tôi lại chuyển khoản cho vợ. Tôi thấy thuận lợi hơn thì lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt có gì đâu".

Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo Điều 169 của Luật, tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 4 tháng với nam kể từ năm 2021.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc này nhằm thể chế nghị quyết 28 của Trung ương, là xu hướng của hầu hết các quốc gia, nhất là quốc gia già hoá dân số.

Sau khi Việt Nam thông qua bộ luật thì một số nước thông qua ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) đến học tập và trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam.

"Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào. Năm 2010 nước Anh bắt đầu cải cách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhưng năm 2000 đã biểu tình, nhiều nước bên cạnh ta đã đưa ra Quốc hội 5 năm nhưng chưa thông qua được.

Vì vậy đây là quyết tâm chính trị lớn, thể hiện tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược để đi tắt đón đầu xu hướng già hoá dân số", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

"Trong tuổi nghỉ hưu có câu quan trọng, trước đây là "có thể" được nghỉ hưu, nay là "có quyền" nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn theo trần, quyền này có thể tiến tới quy định trong luật Bảo hiểm xã hội là nghỉ hưu sớm hoặc muộn trước 5 năm hoặc 10 năm, nhưng chưa đủ tuổi thì phải chờ.

Có thể khuyến khích bằng cách chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có thể đóng bổ sung vào để đủ tuổi nghỉ hưu thì hưởng luôn. Từ quyền này rất linh hoạt", ông Dung giải thích.

HP (Nguoiduatin.vn)