Xã hội

Bộ trưởng Giáo dục: Không đào tạo ồ ạt rồi để tiến sĩ tự tìm việc

Theo đề án 9.000 tiến sĩ, từ nhu cầu nhân lực, cơ sở đào tạo cử người đi học, Bộ Giáo dục hỗ trợ bằng cơ chế chứ không tuyển chọn.

Bộ Giáo dục đang xin ý kiến cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, trong đó mục tiêu là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 9.000 người với kinh phí dự kiến 12.000 tỷ đồng. Bên hành lang Quốc hội sáng 16/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này.

- Tại sao Bộ Giáo dục đặt mục tiêu đào tạo tiến sĩ trong đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, thưa Bộ trưởng?

- Tỷ lệ tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay khoảng 21%, như vậy là quá thấp nên phải nâng lên, theo đề án 911 phải là 35%. Nếu với 9.000 tiến sĩ như trong đề án thì cũng mới đáp ứng được 30%. 

9.000 tiến sĩ này không phải đào tạo mới hoàn toàn và đề án cũng không phải là mới. Đây là đề án chỉnh sửa từ đề án 911, trong đó tập trung rất sâu vào việc thu hút tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài về làm việc; tạo cơ chế, chính sách làm sao để các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là người kiêm nhiệm. Hiện nay, số tiến sĩ kiêm nhiệm vào khoảng 10.000.

Việc đào tạo tiến sĩ cũng không tràn lan. Chúng ta không tập trung vào số lượng mà vào chất lượng để đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Bộ trưởng Giáo dục: Không đào tạo ồ ạt rồi để tiến sĩ tự tìm việc
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Võ Hải

- Để đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ với số lượng lớn như dự thảo, Bộ sẽ kiểm soát thế nào?

- Hiện nay, Bộ quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo tiến sĩ, kiểm tra rất nghiêm minh. Vai trò quản lý nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế.

Cách tiếp cận của đề án này là nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn thì sẽ được nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, hoặc một phần. Như vậy sẽ mở rộng đối tượng, tất cả mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt công hay tư.

Vai trò của Bộ là các chuẩn, quy chuẩn. Chẳng hạn vừa rồi Bộ đã ban hành quy chế phải có thời gian học tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế…, học viên đáp ứng được thì mới công nhận. Với cách tiếp cận này, cơ sở đào tạo dần tiến tới tự chủ và có trách nhiệm chia sẻ.

- Thực tế nhiều người đi học bằng ngân sách nhà nước nhưng sau đó không trở về nước. Cơ chế để thu hút nhân tài trở về trong đề án này là gì?

- Điều quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc. Cách tiếp cận bây giờ là như thế. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo. Căn cứ vào đó Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án là cử đi học, cắt biên chế rồi đi đào tạo xong không về.

Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ.

Kinh phí dự kiến 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ sẽ được sử dụng ra sao?

- Kinh phí này sẽ không rót về cơ sở đào tạo mà là chi trực tiếp cho những người đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền dạng học bổng, ai giành được thì được hưởng, được nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở.

- Ông nghĩ sao về nhận xét muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì phải song song với việc nâng cao thu nhập cho họ?

- Đây là vấn đề rất lớn. Hiện Bộ rà soát chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục. Khi cải tiến chuẩn theo hướng tốt lên thì lương cũng phải đi theo. Tất nhiên Bộ không quyết định được vấn đề lương giáo viên. Thế nên Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất trong thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt Nghị quyết 29 là "giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất".

Đồng thời, Bộ cũng đang sửa Luật Giáo dục, trong đó thang bảng lương gắn với trách nhiệm đội ngũ. Khi mà yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được.

Đến nay, qua làm việc sơ bộ, các Bộ trưởng cơ bản cũng thống nhất ủng hộ tinh thần này. Vấn đề trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi không đơn giản, nhưng phải làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030. 

Đề án đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học, đến làm việc tại đại học của Việt Nam; đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 35% tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, tương đương 9.000. Trong đó, 5.000 giảng viên sẽ được đào tạo ở các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Để thực hiện đề án, Bộ Giáo dục dự kiến kinh phí 12.000 tỷ đồng, trong đó 94% từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, sẽ có 10.200 tỷ đồng là kinh phí còn lại của Đề án 911 đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020. 1.800 tỷ đồng là đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học và người học.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)