Xã hội
13/02/2025 06:34Cô giáo trẻ vượt 300km ra Hà Nội 'xẻ' một phần gan cứu em trai '9 phần tử vong'
Tháng 2/2025 đánh dấu mốc tròn 2 năm sau khi chị T.T.H, một cô giáo ở Nghệ An, dũng cảm hiến một phần lá gan cho em trai. Sau ca lấy và ghép gan, chị đã trở lại với công việc giảng dạy hằng ngày, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bản thân anh K., em trai chị, cũng đã quay lại cuộc sống thường nhật, làm việc trong ngành dịch vụ vận tải.
Anh K., khi ấy là một người trẻ tuổi đang lao động tại Hàn Quốc, không nghĩ có thể tiếp tục sự sống nếu không tìm được nguồn gan để ghép thành công.
Về Việt Nam tìm cơ hội sống
Cuối năm 2022, khi đang lao động tại Hàn Quốc, anh K. xuất hiện triệu chứng suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính do viêm gan B. Được cấp cứu và điều trị tại một bệnh viện sở tại nhưng tình trạng không cải thiện, chi phí quá cao, anh được gia đình đưa về Việt Nam.
Tại Hà Nội, anh K. tiếp tục được điều trị tại bệnh viện trung ương nhưng diễn biến ngày càng xấu đi. Ghép gan được coi là phương án tối ưu, hy vọng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân.
Anh K. được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nguy kịch: hội chứng não gan độ I-II, chức năng gan rối loạn nặng nề, nguy cơ hôn mê gan, thậm chí tử vong, đã cận kề.
Trước tình thế ngặt nghèo, vợ anh sẵn sàng hiến gan để cứu chồng. Nhưng những chỉ số giải phẫu gan của cô không phù hợp, việc phẫu thuật có thể gây rủi ro cao cho cả người hiến và người nhận.
Khi mọi hy vọng dường như cạn kiệt, chị gái của anh K., giáo viên ở Nghệ An, lập tức vượt 300km để đến bệnh viện, cứu bằng được người em trai, ngay thềm năm mới. Quy trình hội chẩn ghép gan cấp cứu được tiến hành nhanh chóng. Chỉ định ghép gan cấp cứu được đưa ra, triển khai vào đầu giờ tối.
Xuyên đêm đối diện thử thách
Xác định ca lấy và ghép tạng sẽ kéo dài xuyên đêm, ê-kíp tranh thủ nạp năng lượng ngay trong phòng nghỉ, một số thầy thuốc chợp mắt trên ghế ở hành lang.
Ca mổ diễn ra trong 7 tiếng, kết thúc khi mũi đồng hồ điểm hơn 3h. Vì bệnh nhân suy gan kéo dài kèm theo rối loạn chức năng đông cầm máu nghiêm trọng, cuộc phẫu thuật đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Ngay từ những bước đầu tiên, việc cắt bỏ gan bệnh rất khó khăn do tình trạng xơ gan tiến triển khiến mô gan rất dễ chảy máu, buộc các thao tác phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tổn thương mạch máu nhỏ. Việc cầm máu trở thành thử thách lớn nhất, bởi nếu để mất nhiều máu, các rối loạn khác của bệnh nhân sẽ càng trầm trọng hơn.
Sau khi cắt bỏ gan bệnh, các thầy thuốc bước vào cuộc chiến căng thẳng cân não: thực hiện các miệng nối mạch máu, đường mật để ghép mảnh gan phải của người hiến vào người nhận. Đây là giai đoạn quyết định cho sự thành công của ca ghép, đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết.
"Các miệng nối rất nhỏ, độ chính xác phải tuyệt đối, gần như không có cơ hội sửa sai. Chỉ cần một đường khâu không khớp, có thể gây chảy máu hoặc hình thành huyết khối, gây nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau mổ", Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoàng Ngọc Anh, khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ.
Không chỉ cần sự chính xác, thời gian thực hiện cũng phải thật nhanh. Đây là giai đoạn "vô gan", hệ tuần hoàn của bệnh nhân đang chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu gan để duy trì chức năng chuyển hóa và lọc máu.
Từng giây trôi qua, nguy cơ anh K. rơi vào rối loạn huyết động hoặc nhiễm toan chuyển hóa ngày càng lớn. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể trả giá, thậm chí bằng tính mạng.
Sau thành công các miệng nối về mạch máu, mảnh gan ghép được tái tưới máu, thầy thuốc nhìn về màn hình hiển thị của máy mê để theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Khi đảm bảo các miệng nối mạch máu an toàn, phẫu thuật viên tiến hành cầm máu và thực hiện miệng nối đường mật.

Sau ca mổ sinh tử, chị gái anh K. hồi phục tốt và xuất viện sau 10 ngày. Anh K. cũng tiến triển tích cực và xuất viện sau đó.
Đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 257 ca ghép gan từ người cho sống và người cho chết não, trở thành trung tâm ghép gan số 1 tại Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện ghép gan cho 50 ca, phấn đấu đạt 100 ca/năm trong giai đoạn tới.
Theo Võ Thu (VietNamNet)
Tin cùng chuyên mục








-
Sau vụ cháy khiến 8 người tử vong ở TPHCM: Cảnh sát đến tận chung cư vận động gỡ lồng sắt, tháo ‘chuồng cọp’ (12/07)
-
Cùng một tên gọi, ở Việt Nam chỉ bán vài trăm nghìn, Nhật Bản bán hơn 50 triệu/kg: Tại sao lại đắt như vậy? (12/07)
-
Nữ diễn viên nổi tiếng tung loạt ảnh sexy, hé lộ thông tin gây chú ý, hàng trăm người quan tâm (12/07)
-
Tuần mới (14-20/7) đón lộc Thần Tài, 4 con giáp gặp vô vàn may mắn, công việc hanh thông, tiền bạc dồi dào! (12/07)
-
Bắt khẩn cấp 31 người bán 253 tỷ đồng "bóng cười" cho các tụ điểm ăn chơi (12/07)
-
Bộ y tế yêu cầu báo cáo vụ "cò mồi" giả danh bảo vệ bệnh viện, đưa bệnh nhân vào phòng khám (12/07)
-
Chồng coi tôi là đồ bỏ đi, khi tôi ly hôn thật thì anh trở nên trượt dốc, 3 năm sau gặp lại, bộ dạng của anh khiến tôi thất kinh (12/07)
-
Nóng: HLV Kim Sang-sik gạch tên chân sút Việt kiều ngay trước thềm khai mạc giải Đông Nam Á (12/07)
-
Tài xế uống rượu từ tối, sáng hôm sau vẫn chở 45 khách đi du lịch (12/07)
-
Tôi đã bắt đầu lại cuộc sống thứ hai sau tuổi 50: 3 cách buông bỏ để sống nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn (12/07)
Bài đọc nhiều




