Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

F0 ở Cần Thơ tăng cao nhất sau nới lỏng, thực hiện tầm soát cộng đồng

Ngày 1-11, tình hình dịch COVID-19 tại TP Cần Thơ lập kỷ lục mới với số ca mắc mới trong ngày cao nhất miền Tây (kể từ khi trở về trạng thái bình thường mới) với 434 ca. F0 phát hiện nhiều ở khu phong tỏa thuộc các khu công nghiệp.

Đây là con số F0 cao kỷ lục mà TP Cần Thơ ghi nhận trong 1 ngày, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái bình thường mới. 

Trong 434 ca F0 nói trên, có 270 trường hợp phát hiện trong khu cách ly; 20 trường hợp qua sàng lọc tại cơ sở y tế; 82 trong khu phong tỏa; 62 trường hợp phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà; số còn lại là người về từ vùng dịch. Các quận Ô Môn, Ninh Kiều, Thốt Nốt là địa phương có ca F0 cao trong ngày 1/11.

Còn theo thống kê trong 5 ngày qua (từ 28/10 đến 1/11), TP Cần Thơ ghi nhận 1.196 ca F0. Đến nay, TP Cần Thơ đã ghi nhận tổng cộng 8.083 ca F0; trong đó 6.194 người đã được điều trị khỏi. 

Với việc TP Cần Thơ “lập đỉnh” 434 ca F0 trong một ngày khiến người dân thành phố bất ngờ.

“Thật sự quá bất ngờ với số lượng F0 được phát hiện trong một ngày nhiều như vậy. Chỉ mong mọi người có ý thức thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế tụ tập đông người”, chị Hồng Nhung (đang cư ngụ tại quận Ninh Kiều) chia sẻ.

Trước đó vào ngày 18/10, UBND TP Cần Thơ ban hành văn bản "tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tương đương cấp độ 1".

Theo đó, TP Cần Thơ cho mở cửa lại nhiều dịch vụ, kinh doanh như quán ăn, cà phê… được phục vụ tại chỗ. Các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào thành phố cũng được dừng hoạt động, thay vào đó là điểm hỗ trợ khai báo y tế.

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, khi chuyển qua trạng thái bình thường mới, thành phố với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng ĐBSCL nên tiếp nhận lượng lớn người dân các tỉnh, thành khác đến công tác, học tập, khám chữa bệnh...

Qua thống kê, từ ngày 1/10 đến ngày 26/10, TP Cần Thơ ghi nhận 25.169 người từ địa phương khác vào thành phố. Qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện 399 F0, trong đó có 123 trường hợp từ vùng dịch về tái dương tính; do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trên địa bàn là rất lớn.

Bên cạnh đó, TP Cần Thơ còn phát hiện nhiều ổ dịch ở như tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương; ở phường Cái Khế, An Cư, An Nghiệp (quận Ninh Kiều).

Đặc biệt là ổ dịch xuất hiện trong công ty ở khu công nghiệp Trà Nóc 2 và khu công nghiệp Thốt Nốt.

Ngoài ra, theo đánh giá của ngành y tế TP Cần Thơ, hiện nay đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan của người dân trên địa bàn... Sau khi xuất hiện nhiều ca F0, chính quyền TP Cần Thơ đã quyết định nâng cấp độ dịch từ vùng 1 lên vùng 2.

Tại cuộc họp trực tuyến Sở Chỉ huy với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, các quận, huyện, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn tập trung phòng, chống dịch nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa.

Bởi những ngày gần đây đã xuất hiện biểu hiện hơi lơ là, chủ quan từ phía người dân, cán bộ trong công tác phòng chống dịch; công tác kiểm tra giám sát của các tổ chức, địa phương thiếu chặt chẽ.

UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Công an thành phố đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Sở Y tế thực hiện công tác truy vết kịp thời ca bệnh.

“Công an TP và chính quyền địa phương khu vực phong tỏa cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, xử phạt trường hợp vi phạm, xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức người dân, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” tại các khu phong tỏa”, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo.

Đến chiều 1/11, TP Cần Thơ đã tiêm 1.155.258 liều vắc xin Covid-19. Trong đó có 261.647 người được tiêm đủ 2 liều vắc xin. TP Cần Thơ  vẫn tiếp tục đồng loạt triển khai tiêm vắc xin diện rộng trên toàn địa bàn thành phố nhằm đảm bảo hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra.

F0 ở Cần Thơ tăng cao nhất sau nới lỏng, thực hiện tầm soát cộng đồng
Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 thuộc Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ, nơi có số công nhân mắc COVID-19 tăng

Tại Bạc Liêu, sau khi ghi nhận số lượng F0 tăng nhanh, nhất là ca nhiễm trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định cập nhật cấp độ dịch của tỉnh từ cấp độ 2 lên 4.

Ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký ban hành quyết định về việc cập nhật và công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ áp dụng cấp độ 4 – nguy cơ rất cao (vùng đỏ), từ 12h trưa 2/11.

Bạc Liêu có 20/64 xã ở cấp độ 4; 8 xã ở cấp độ 3...

Đối với cấp huyện có 2 đơn vị là thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu ở cấp độ 4. Cấp độ 3 có 3 đơn vị gồm: huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân. Cấp độ 2 gồm: huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình.

Như vậy, sau khi số lượng F0 tăng nhanh, mạnh, đặc biệt là ca nhiễm trong cộng đồng rất lớn, Bạc Liêu đã chuyển đổi cấp độ dịch từ vùng 2 lên vùng 4. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Tây quyết định nâng cấp độ dịch từ 2 lên 4. Toàn tỉnh Bạc Liêu sẽ áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch là cấp độ 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tập trung 100% lực lượng để thực hiện nghiệm vụ được phân công, đồng thời phối hợp chặt chẽ, tuân thủ sự hướng dẫn của Tổ công tác đặc biệt do Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện.

Theo CDC tỉnh Bạc Liêu, từ 6h sáng 31/10 đến 6h sáng 1/11, địa phương này ghi nhận thêm 382 ca F0; trong đó 102 trường hợp dưới 18 tuổi. Trong 382 ca nói trên có, 167 F0 được ghi nhận trong cộng đồng.

Còn tính từ ngày 29/10 đến 6h sáng 1/11, Bạc Liêu đã ghi nhận 1.200 F0, trong đó có đến 459 ca cộng đồng. Bạc Liêu là tỉnh ghi nhận số lượng F0 nhiều nhất tại miền Tây trong những ngày gần đây.

Hiện đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã đến Bạc Liêu hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện 3 địa phương ở miền Tây đã quyết định chuyển đổi cấp độ dịch gồm: TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Số ca mắc COVID-19 cộng đồng gia tăng, Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu các tỉnh Tây Nam Bộ phòng chống dịch

Ngày 1/11, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tại văn bản hoả tốc này, Bộ Y tế cho biết sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận số mắc trong cộng đồng gia tăng như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang; cùng với lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều.

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nội dung, cụ thể.

Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xây dựng kế hoạch tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó tập trung bao phủ vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể; tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của nhân dân.

Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/f0-o-can-tho-tang-cao-nhat-sau-noi-long-thuc-hien-tam-soat-cong-dong-tintuc794435