Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Hà Nội chuyển hướng xét nghiệm điều tra nhanh F1, F2

Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng thời gian tới, Thành phố cần chuyển hướng công tác xét nghiệm, ngoài đối tượng nghi ngờ cần điều tra nhanh F1,F2.

Chiều 15/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội tiếp tục làm việc dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, đặc biệt là tại các khu vực như huyện Mê Linh, các đơn vị đã triển khai kịp thời các biện pháp sàng lọc, xét nghiệm sớm.

Tổng số mẫu xét nghiệm thành phố đã làm cho đến nay là hơn 50.000 mẫu. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ cấp xã, phường đến thành phố.

"Thời gian tới, chúng ta cần chuyển hướng công tác xét nghiệm. Ngoài xét nghiệm sớm các trường hợp nghi ngờ, giờ ta phải điều tra nhanh các trường hợp F1, F2 thậm chí cả F3 để lập danh sách và lấy mẫu kịp thời", Giám đốc CDC Hà Nội cho hay.

Hà Nội chuyển hướng xét nghiệm điều tra nhanh F1, F2
Ảnh minh họa

Ông đề nghị các quận, huyện khi lấy được mẫu xét nghiệm thì gửi về CDC Hà Nội ngay trong ngày. Thậm chí, Giám đốc CDC đề nghị gửi mẫu bất kể thời gian nào, 24/24 để triển khai xét nghiệm một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ có giám sát trọng điểm các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, sốt, đau họng, viêm phổi từ các cơ sở y tế cấp xã, phường cho đến thành phố.

Ông đề nghị các trung tâm y tế để ý các trường hợp viêm phổi nặng bởi có thể ngoài Covid-19 còn có nhiều tác nhân khác như cúm gia cầm. “Thành phố cũng rà soát những người đến từ các ổ dịch, các khu cách ly tập trung ở địa phương khác mà chưa được xét nghiệm Covid-19 2 lần để xét nghiệm sàng lọc cho đủ 2 lần”, ông Cảm nói.

Ông cho hay việc cách ly tập trung 14 ngày và xét nghiệm 2 lần đã ngăn chặn được rất nhiều nguy cơ không chỉ cho Hà Nội mà cho các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Đề cập đến bệnh nhân 266 trú tại huyện Thường Tín cũng liên quan đến Bạch Mai, ông Cảm cho rằng ổ dịch này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hôm nay, CDC Hà Nội đã khoanh vùng và lấy mẫu 40 trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân này.

Về ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng cơ bản đã khoanh vùng và cách ly các trường hợp tiếp xúc tại đây. CDC Hà Nội đã lấy 1.830 mẫu tại thôn tiếp giáp - thôn Liễu Trì và đều có kết quả âm tính. “Bước đầu có thể đánh giá, dịch tại thôn Hạ Lôi chưa lây sang thôn bên cạnh”, ông cho hay.

Tại huyện Mê Linh, các ca có biểu hiện viêm phổi cấp như ho, sốt, đau họng sẽ lập tức được coi như ca nghi ngờ và đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

3 nhóm tỉnh, thành phân theo nguy cơ dịch bệnh

Tại cuộc họp chiều 15-4, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương làm 3 nhóm.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP HCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng… kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22-4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22-4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại.

HP (Nguoiduatin.vn)