Xã hội

Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về chất cấm trong chăn nuôi

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo để xảy ra vi phạm về chất cấm trong nông sản, thực phẩm, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo để xảy ra vi phạm về chất cấm trong nông sản, thực phẩm, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm.


Phó Thủ tướng yêu cầu phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất đối với hành vi vi phạm chất cấm trong thức ăn chăn nuôi

Theo Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Việt, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã thanh tra, kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, đã phát hiện 1.107 cơ sở có hành vi vi phạm, xử phạt trên 5 tỉ đồng. Nơi phát hiện nhiều vi phạm nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương… Đặc biệt theo ông Việt, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, là vấn đề nổi cộm gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng. Qua kiểm tra đã phát hiện 16% các mẫu thịt được kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. “Đáng ngại là 80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm”- ông Việt công bố.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, trung tướng Đồng Đại Lộc cho biết đối với các mặt hàng, quy định pháp luật có nhưng xử lý chưa đủ mạnh, chưa đúng tầm, có nơi buông lỏng xử lý. Đặc biệt, đối với chất salbutamol nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý để sản xuất thuốc nhưng hiện nay được quản lý rất lỏng lẻo dẫn đến nhập tràn lan làm nhiều sản phẩm khác, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, rất nguy hiểm. “Đề nghị tăng chế tài xử lý có hình thức xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Những vụ đủ yếu tố xử lý hình sự thì thanh tra chuyên ngành cần chuyển ngay cơ quan điều tra để xử lý sớm”- ông Lộc kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị thành lập một Ban chỉ đạo quốc gia như Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia để có đầu mối thống nhất xuyên suốt chỉ đạo, tổ chức đấu tranh, phòng chống. "Quốc tế họ khuyến cáo nhiều nước có cơ quan chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm là cấp bộ để xuyên suốt, còn Việt Nam cắt khúc nhiều cơ quan khác nhau nên chưa hiệu quả”- ông Tuấn nói.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn cho được tình trạng này từ nay đến Tết Nguyên đán, phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất (đóng cửa, thu hồi giấy phép) đối với hành vi này. “Đặc biệt là phải nâng cao phẩm chất cán bộ, không thể thấy việc mà thờ ơ. Việc xảy ra địa bàn nào, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng cương quyết.

Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT liệt kê các chất “tử thần” như vàng - ô (Vat-yellow) sử dụng trong nhuộm vải, nhuộm giấy được bày bán rất công khai để tạo màu óng vàng cho sản phẩm chăn nuôi; chất này tồn dư sẽ dẫn tới việc giảm chức năng nội tạng như thân, gan, đường ruột và đặc biệt là nguy cơ gây ung thư. Tiếp đến là chất kích thích tăng trưởng (salbutamol, clenbuterol, ractopamime) có đặc tính vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ và khi con người sử dụng sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc tồn dư lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và cũng là một trong những tác nhân gây ung thu. Đáng chú ý là một số công ty dược đã nhập khẩu salbutamol, clenbuterol về, một số đã được tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi. Trên thực tế, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an vừa bắt giữ 1 một công ty dược buôn bán 5 tạ chất salbutamol làm chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. ““Chỉ với 1k chất vàng - ô có thể sản xuất được 5 tấn thành phẩm và 1 kg chất salbutamol 250 tấn thức ăn chăn nuôi mà giá thành các chất cấm này chỉ có khoảng 2 triệu đồng/kg nên lợi nhuận đem lại cho nhà sản xuất, kinh doanh là vô cùng lớn nên họ bất chấp”- ông Việt chia sẻ.


>> Phát hiện doanh nghiệp trộn chất gây ung thư vào thức ăn chăn nuôi
>> Bộ trưởng Y tế: "Chỉ nhập 3,5 tấn chất tạo nạc"

Theo Thế Dũng (Nld.com.vn)