Xã hội

Sách giáo khoa tiểu học dạy gì về Quang Trung - Nguyễn Huệ?

Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 4 có 3 bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nhiều học sinh trả lời "2 nhân vật" này là bố con, anh em hay bạn bè cùng chiến đấu.

Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 4 có 3 bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nhiều học sinh trả lời "2 nhân vật" này là bố con, anh em hay bạn bè cùng chiến đấu.

Là người trực tiếp dạy Lịch sử cho học sinh lớp 4, cô Thùy Linh - giáo viên tiểu học tại Hải Dương cho biết: "Tôi bất ngờ và thất vọng khi xem clip, bởi các em được hỏi đều đang ở gần Gò Đống Đa. Gia đình, thầy cô nên đưa học sinh đi tham quan, thực tế tại nơi di tích lịch sử lân cận".

Về chương trình sách giáo khoa (SGK), cô Linh cho biết, môn Lịch sử lớp 4 đã rất chú trọng kiến thức này. Trong kỳ thi cuối học kỳ và cuối năm học, môn học này đều được chấm điểm.

Cụ thể, chương trình SGK Lịch sử lớp 4 có 3 bài học (tương ứng với 3 tiết) về Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong đó, bài 24 có nội dung chính: Nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long, còn nhắc cả ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ.

Bài 25 có nội dụng: Quang Trung đại phá quân Thanh, nhắc đến việc Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung. Bài 26 nói về những chính sách kinh tế - văn hóa của vua Quang Trung.

Bài số 25 trong SGK Lịch sử lớp 4.


Có kinh nghiệm giảng dạy bậc tiểu học, Cô giáo Thùy Linh cho hay: "Nếu giáo viên chỉ đơn thuần dạy học sinh máy móc, các em sẽ quên ngay. Vì vậy, thầy cô phải mày mò, sáng tạo để kiến thức lưu lại trong đầu học sinh theo cách hứng thú, đơn giản nhất".

Từ đó dẫn đến thực tế đã nêu trong clip, cô Linh chia sẻ: "Học sinh không có lỗi, quan trọng do cách dạy không phù hợp, một số trường chỉ dạy lướt qua đề các em chú tâm vào Toán và tiếng Việt. Thầy cô không có kỹ năng vận dụng thực tế vào giảng dạy. Cha mẹ bỏ mặc con cho sự giáo dục của thầy cô, không cần để ý xem con hiểu biết như thế nào về cuộc sống xung quanh".

Qua nhiều năm giảng dạy, cô Thùy Linh thường củng cố kiến thức sau mỗi buổi học bằng những câu đố như: "Ai là người đại phá quân Thanh/Đuổi Tôn Sĩ Nghị vượt sông chạy dài?". Khi học sinh trả lời là vua Quang Trung, giáo viên cần hỏi thêm: "Trước khi lên ngôi hoàng đế, vua Quang Trung có tên là gì?".

Hình ảnh Gò Đống Đa trong SGK Lịch sử lớp 4.


Giảng dạy tại vùng nông thôn, chưa có nhiều điều kiện như giáo viên thành phố, nhưng cô Thùy Linh luôn làm mới bài giảng của mình bằng cách kể chuyện Lịch sử. Điều mong muốn nhất của giáo viên này với môn Lịch sử là có thêm nhiều truyện tranh - thể loại gần gũi và được học sinh yêu thích.
 
Cô Linh chia sẻ: "Bây giờ, một số giáo viên trẻ giỏi về máy tính, làm giáo án điện tử với hình ảnh sống động khiến học sinh rất thích thú".

>> Quang Trung – Nguyễn Huệ là anh em: Lỗi của ai?
>> Giật mình vì câu trả lời "bá đạo" của học sinh về vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Theo Quyên Quyên (Zing.vn)