Xã hội

Tranh cãi việc giới thiệu ông Lê Thanh Vân ứng cử đại biểu Quốc hội

5/62 thành viên ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đồng ý không giới thiệu ông Lê Thanh Vân ứng cử đại biểu Quốc hội.

5/62 thành viên ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đồng ý không giới thiệu ông Lê Thanh Vân ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sáng 13/4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần ba bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 tại Hà Nội. Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân cho biết, số lượng đại biểu trung ương là 198, tuy nhiên sau hiệp thương lần một giảm xuống còn 197, số lượng này giữ nguyên cho đến Hội nghị hiệp thương lần ba. Một đại biểu được chuyển sang khối địa phương để đảm bảo số lượng đại biểu Quốc hội khoá 14.
 
Góp ý tại Hội nghị Hiệp thương, đa số thành viên Mặt trận đều đồng tình với kết quả lấy ý kiến cử tri với 196 ứng viên, riêng trường hợp ông Lê Thanh Vân còn nhiều ý kiến khác nhau.
 

Ông Lê Thanh Vân.


Từ vị trí Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, tháng 3/2014 ông Vân được Ban Bí thư điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2010-2015. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương (tháng 10/2015), ông Vân được bầu vào Ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, ông Vân không trúng cử vào Ban thường vụ mặc dù được giới thiệu.

Nguyên Phó chủ tịch Mặt trận, ông Lê Truyền băn khoăn, không trúng cử thường vụ, liệu có phải ông Lê Thanh Vân "không hoàn thành nhiệm vụ, như vậy ông Vân có xứng đáng được giới thiệu ửng cử đại biểu Quốc hội khoá 14".

Giải đáp thắc mắc này, đại diện Tiểu ban khiếu nại tố cáo của hội đồng bầu cử trung ương cho biết, ông Lê Thanh Vân không trúng Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhưng qua lấy ý kiến cử tri nơi công tác và cư trú thì ông đều được ủng hộ cao.

Ông Hà Văn Núi và ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, ông Lê Thanh Vân không được địa phương tín nhiệm, nhưng giờ lại được đưa lên cao hơn để ứng cử đại biểu Quốc hội có thể là một việc phản cảm.

"Tôi không đánh giá, nhưng đã có vấn đề uy tín như vậy thì nên để ở tỉnh để tiếp tục rèn luyện và phấn đấu. Nếu kéo về môi trường cũ, như con cá quen sống ở nước, khi đưa về sẽ sống tốt hơn là ở môi trường mới", ông Nguyễn Bá Duyệt (Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam) nói.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu lên tiếng bảo vệ ông Lê Thanh Vân. Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam doxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ rằng ông Lê Thanh Vân trong quá trình hoạt động ở Hải Dương thể hiện ý thức tốt, và việc trượt Thường vụ Tỉnh ủy là đáng tiếc.

"Không vì không trúng Thường vụ, không trúng Phó bí thư mà không đánh giá cao đồng chí đó. Khi được Ban Tổ chức Trung ương điều động về công tác ở Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội, đồng chí Vân hoạt động tốt, do đó xứng đáng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội", ông Rinh nói.

GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng không quan niệm người không trúng vào cơ quan Đảng là người không tốt.

"Không phải người trúng cử Bộ chính trị là người tốt, còn người không trúng cử là không tốt. Đó chỉ là rủi ro chính trị, không trúng Thường vụ là chuyện bình thường", GS Đường nêu quan điểm.

Theo ông, đại biểu Lê Thanh Vân là người có năng lực, là tiến sĩ Luật có nhiều đóng góp, được cử tri đồng ý 100% thì không có lý do gì Mặt trận lại không đồng ý.

Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân đã phải lấy ý kiến về trường hợp của ông Lê Thanh Vân theo hai hướng: biểu quyết bằng giơ tay hay bỏ phiếu. Cuối cùng, Hội nghị nhất trí biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

Kết quả, 57/62 đại biểu đồng ý đưa ông Lê Thanh Vân vào danh sách giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, 5 người không đồng ý. 100% thành viên đồng ý giới thiệu 196 ứng viên còn lại.

Ông Lê Thanh Vân năm nay 52 tuổi, quê xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Ông là tiến sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị, đại biểu Quốc hội khóa 13, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách.

Theo Võ Hải - Hoàng Thùy (VnExpress.net)