Xã hội

Từ vụ cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi', Trưởng ban Tôn giáo TP.Hà Nội nói gì về việc 'xem bói online'?

Trưởng ban Tôn giáo TP.Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác việc nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi về thời gian, tình cảm, kinh tế gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị,...

Những ngày gần đây, mạng xã hội đang lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh cô đồng có tên T.H. xem bói bổ cau. Những hình ảnh này cho thấy nhiều người đến xem bói của người phụ nữ này, thậm chí có những người phải chờ 4-5 ngày mới tới lượt.

Clip "xem bói online" liên quan cô đồng T.H. thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội. Những câu nói của người phụ nữ này khá chung chung. Sau mỗi câu hỏi, người này thường nói kèm "đúng nhận, sai cãi".

Nhiều người xem cho rằng đây là biểu hiện của mê tín dị đoan và lo ngại việc lan truyền mê tín dị đoan trên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, TS. Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo TP.Hà Nội cho hay: "Có thể thấy, chỉ cần gõ từ khóa 'xem bói online' sẽ có rất nhiều kết quả trên khắp các trang mạng truyền thông và có vô số các cá nhân tự xưng là Thầy, Cô, Cậu…xem bói về tình duyên, làm ăn, công danh, học hành…Các đối tượng lập các hội nhóm lôi kéo các thành viên tham gia, đa phần các đối tượng ban đầu sẽ xem bói miễn phí để thao túng tâm lý của những người cả tin rồi từ đó sẽ có phương án tiến hành việc trục lợi như lập đàn, cúng bái, giải hạn".

Từ vụ cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi', Trưởng ban Tôn giáo TP.Hà Nội nói gì về việc 'xem bói online'?
Cô đồng bổ cau xem bói trên mạng xã hội gây xôn xao.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và hiện tượng tôn giáo mới, Trưởng ban Tôn giáo TP.Hà Nội khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước các đối tượng tự phong là “Thầy" (Thầy tự phong) lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống thông qua các kênh phương tiện truyền thông online như tiktok, youtube, facebook, messenger, Instagram, twitter, Zalo…để truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi về thời gian, tình cảm, kinh tế gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, văn hóa xã hội và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân khiến họ bi quan, đau khổ, suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng lo lắng, bất an, mất ăn, mất ngủ, bỏ bê công việc khi tiếp nhận những thông tin nhà có tang, tiền vận, hậu vận xấu…

Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng hình thức xem bói online sẽ còn bị lộ lọt thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, tên tuổi, quê quán của mình và người thân, số điện thoại di động, số chứng minh thư cá nhân, biển kiểm soát xe, số tài khoản…nhiều hậu quả khôn lường và là sơ hở để đối tượng xấu thao túng, tống tiền, lợi dụng tình cảm gây ảnh hưởng nhiều mặt về tinh thần, gia đình, công việc.

Nói về hiện trạng một số người dân quá tin vào việc xem bói gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ông Dũng cho rằng, pháp luật Việt Nam cho phép công dân có quyền tự do tín ngưỡng nhưng tự bản thân những người thực hành tín ngưỡng, cũng như quần chúng nhân dân cần hiểu rằng tín nhưng có ngưỡng, quá ngưỡng sẽ thành mê tín.

Quần chúng nhân dân cần đồng hành cùng các cấp chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành kịp thời phát hiện dấu hiệu lợi dụng Tôn giáo tin ngưỡng để các đối tượng không thể tiếp tục lén lút truyền bá, mê tín và các hoạt động vi phạm pháp luật.

Đồng thời, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, tổ chức quần chúng ở các địa phương sẽ có trách nhiệm phối hợp, tổ chức các hoạt động cần thiết để một mặt tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, nhất là giới trẻ, nhằm vạch rõ tính chất phạm pháp và bản chất phản văn hóa, mặt khác phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời giúp mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội không bị lôi kéo vào hoạt động mê tín, từ đó góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn sự lành mạnh của đời sống tinh thần.

Thủy Tiên (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-co-ong-bo-cau-ung-nhan-sai-cai-truong-ban-ton-giao-tp-ha-noi-noi-gi-ve-viec-xem-boi-online-a368414.html