Công nghệ

5 tuyến cáp biển các nhà mạng Việt Nam sử dụng vẫn chưa khôi phục xong

Không chỉ khiến cho các nhà mạng Việt Nam tốn thêm chi phí thuê kênh truyền đất liền để ứng cứu, việc chậm khắc phục các sự cố trên 5 tuyến cáp biển còn gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của một số dịch vụ.

Chưa tuyến cáp quang biển nào được khôi phục hoàn toàn

Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3 lần lượt gặp sự cố. Tình huống hy hữu này gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.

5 tuyến cáp biển các nhà mạng Việt Nam sử dụng vẫn chưa khôi phục xong
Theo chia sẻ của các nhà mạng, đến chiều ngày 13/4, cả 5 tuyến cáp biển AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3 đều chưa được sửa xong. (Ảnh minh họa: Internet)

Thời gian qua, sự cố trên đã được Bộ TT&TT cùng các nhà mạng phần nào giải quyết. Cụ thể, Bộ TT&TT đã lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển để tổ chức làm việc, điều phối các doanh nghiệp viễn thông xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối dịch vụ viễn thông và Internet của Việt Nam đi quốc tế.

Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, các nhà mạng đã mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau, nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng cố định và di động phục vụ sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, người sử dụng dịch vụ.

Từ ngày 12/2, sau khi nhiều giải pháp kỹ thuật được triển khai, các nhà mạng đã cơ bản khôi phục dung lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế sau sự cố cáp quang biển. Chất lượng đã từng bước được cải thiện.

Kế hoạch dự kiến về sửa chữa, khắc phục sự cố trên các tuyến cáp quang biển quốc tế đã được các đơn vị quản lý cáp biển thông báo với các nhà mạng Việt Nam. Theo đó, tuyến AAG dự kiến sửa xong vào 15/4; tuyến APG được sửa từ ngày 22/3 đến ngày 9/4; tuyến IA sửa từ ngày 5/4 đến ngày 15/4. Riêng tuyến AAE-1 có thời gian sửa chữa dự kiến trong tháng 7/2023.

Theo kế hoạch trên, đến giữa tháng 4 này sẽ có 3 tuyến AAG, APG và IA khắc phục xong các sự cố và khôi phục hoạt động bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, theo chia sẻ của các nhà mạng, đến thời điểm chiều ngày 13/4, cả 5 tuyến cáp biển đều chưa được sửa xong.

Trao đổi với VietNamNet về ảnh hưởng từ việc các sự cố cáp biển chậm được khắc phục, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho hay, trong thời gian chờ phục hồi các tuyến cáp quang biển quốc tế, đầu tiên là các nhà mạng sẽ phải tốn thêm chi phí cho việc dùng hướng ứng cứu.

Mặt khác, phần dung lượng dự phòng của các nhà mạng cũng không được thoải mái như khi các tuyến cáp quang biển quốc tế vận hành bình thường. “Chúng tôi cho rằng cơ bản chất lượng dịch vụ hiện tại là tạm ổn, mặc dù vẫn có thể có tình trạng chậm cục bộ hoặc lúc cao điểm. Do phải dùng các hướng tuyến khác, nên độ trễ tới một số hướng bị tăng cao, ảnh hưởng đến một số dịch vụ cần độ trễ thấp”, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Năm 2023 là năm chất lượng, bền vững của hạ tầng số

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2023 với các đối tượng quản lý, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, cả 5 tuyến cáp biển đều gặp sự cố là tình huống không ai ngờ song cũng cho thấy việc cần phải đặt ra câu chuyện phát triển bền vững của hạ tầng số.

“Năm 2023 là năm chất lượng, bền vững của hạ tầng số. Hạ tầng của nền kinh tế số, của nền kinh tế nói chung thì không thể kém ổn định, thiếu bền vững như vừa qua bộc lộ. Quản lý nhà nước, tại cả trung ương và địa phương, và các doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm về chất lượng và bền vững của hạ tầng số quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ở góc độ của Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng, thời gian tới chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng sẽ quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của hệ thống kết nối Internet ra nước ngoài. Để xây dựng được một tuyến cáp biển cần nhiều thời gian, do đó việc sớm xác định tầm nhìn và lên kế hoạch đầu tư, quy hoạch hướng tuyến là rất quan trọng.

“Chúng tôi kỳ vọng có một chiến lược chung để dẫn hướng cho việc đầu tư mở rộng, thêm mới các tuyến cáp biển mới. Với từng nhà mạng, nhất là các nhà mạng lớn, chúng tôi tin rằng họ đều đã có chiến lược và lộ trình phù hợp, và được điều chỉnh sau bài học nhiều tuyến cáp biển cùng gặp sự cố lần này”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Bàn về các giải pháp để phát triển bền vững Internet Việt Nam, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam đề xuất, ngoài việc đầu tư mở rộng tuyến, có một số lựa chọn khác để gia tăng độ ổn định, bền vững, đó là thúc đẩy nội dung, dữ liệu được đặt trong nước nhiều hơn, thông qua cổ vũ, khuyến khích các nền tảng toàn cầu đặt hệ thống kỹ thuật tại Việt Nam nhiều hơn, cũng như thúc đẩy nội dung trong nước.

Theo Vân Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ca-5-tuyen-cap-bien-cac-nha-mang-viet-nam-su-dung-van-chua-duoc-sua-2132313.html