Giải trí

Cục NTBD không muốn dùng từ ‘cấm sóng, phong sát’ với nghệ sĩ

Cá nhân Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương không thích dùng từ “cấm sóng”, “phong sát” đối với nghệ sĩ bởi nghe rất “đao to búa lớn”.

Chiều 19/4, Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm Thực trạng văn hoá ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday.

Cục NTBD không muốn dùng từ ‘cấm sóng, phong sát’ với nghệ sĩ
Các đại biểu trong buổi toạ đàm.

Ông Chu Anh Hùng – Phó giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, tọa đàm là hoạt động mở đầu cho việc đánh giá thực trạng, tìm ra những giải pháp, sáng kiến nội dung phù hợp để tổ chức truyền thông gắn với các sự kiện, thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền tại các trường học, nơi công cộng, các tỉnh, thành... 

Tại tọa đàm, ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục đã tham mưu với Bộ VHTT&DL ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật buộc giới nghệ sĩ phải ứng xử văn hóa, việc việc hạ bệ, văng tục trên mạng xã hội là không nên.

Cá nhân ông Dương không thích dùng từ “cấm sóng”, “phong sát” đối với nghệ sĩ bởi nó nghe rất “đao to búa lớn”.

Cục NTBD không muốn dùng từ ‘cấm sóng, phong sát’ với nghệ sĩ - 1
Ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn. 

“Các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng cũng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, xử lý các vi phạm này đã có Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có các nghệ sĩ nhưng có lẽ đến nay chưa nhiều người nắm rõ bộ quy tắc này.

Các nghệ sĩ nên thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử nói trên. Các hành vi lăng mạ, hạ bệ nhau, quảng cáo sai sự thật… trên không gian mạng cần phải được xử lý”, ông Dương cho biết.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, là công cụ tuyệt vời truyền đạt thông điệp truyền thông tới công chúng. Tuy nhiên, ông nhận không ít “gạch đá” từ cộng đồng mạng, mà nói như nhiều người số gạch đá đó ông có thể xây 10 toà lâu đài.

Cục NTBD không muốn dùng từ ‘cấm sóng, phong sát’ với nghệ sĩ - 2
GS.TS Từ Thị Loan.

“Bài viết có ngôn từ xấc xược, thậm chí văng tục luôn thu hút hơn cả so với câu chuyện tích cực. Ở mạng xã hội, chúng ta phải chung sống với những thứ “xấu xí”, đặc biệt việc các nghệ sĩ đưa lên câu chuyện tiêu cực, hình ảnh gợi cảm, phản cảm...

Mẹ tôi chẳng liên quan nhưng khi họ không đồng tình với quan điểm của tôi, họ vào facebook của mẹ, chửi tôi thậm tệ. Mẹ chẳng biết làm gì ngoài việc cóp hết những bình luận đó để tôi đọc. Vợ tôi cũng nhiều lần giận dữ với những bình luận không hay về tôi trên mạng. Tôi đã rèn được năng lực miễn nhiễm với ‘gạch đá’, nhưng nhiều người khác không thế. Những ngôn từ trên mạng có thể dìm chết một con người, cực kỳ nguy hiểm”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng, để hạn chế tình trạng ‘rác rưởi’ trên mạng được lan truyền như hiện nay cộng đồng mạng phải có ý thức đầu tiên, tạo ra lưới lọc để hạn chế nội dung xấu độc. 

GS.TS Từ Thị Loan nhận định, nghệ sĩ có sứ mệnh cao cả là đưa tác phẩm văn học nghệ thuật tới công chúng, bồi đắp nội tâm, hướng con người chân thiện mỹ. Chính vì thế, mỗi hình ảnh, bài viết của họ đều có ảnh hưởng tới giới trẻ và giới trẻ là bộ phận đông nhất trên mạng xã hội. 

“Nghệ sĩ chỉ đưa ra câu cảm thán vô thưởng vô phạt lên trang cá nhân loạt người vào like điên đảo, trong khi giáo sư đưa cuốn sách mà họ tâm huyết cả đời mới viết được lên cùng lắm chỉ vài trăm like”, bà Loan nêu ví dụ.

Bà Loan cho rằng, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ trên mạng xã hội là không bàn cãi, tuy nhiên, bên cạnh những hành động tích cực, vẫn xuất hiện những nghệ sĩ “lộng ngôn”.

“Các nghệ sĩ có cái tôi lớn, bệnh ngôi sao và nghĩ bản thân là người của công chúng. Do đó, họ luôn tìm cách để thu hút sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên, cách làm đôi khi bị lố, thậm chí có nhiều hành động phản cảm và lạm dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn, bóc phốt, đấu tố nhau”, GS.TS Từ Thị Loan cho biết.

Cục NTBD không muốn dùng từ ‘cấm sóng, phong sát’ với nghệ sĩ - 3
Người mẫu Hạ Vy. 

Người mẫu Hạ Vy cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn bởi cơ quan quản lý có đủ khả năng làm việc này.

“Với nghệ sĩ có lối hành xử, lời ăn tiếng nói không phù hợp thuần phong mỹ tục trên Facebook hay TikTok, chúng ta có thể bỏ luôn tài khoản mạng xã hội đó. Xóa tài khoản này họ có thể lập tài khoản khác, nhưng việc bị khóa nhiều lần khiến nghệ sĩ biết tiết chế hơn. Nghệ sĩ phải là người có lời ăn tiếng nói văn minh vì họ có sự ảnh hưởng lớn, nhất là những ngôi sao hạng A”, Hạ Vy nhấn mạnh.

Cục NTBD không muốn dùng từ ‘cấm sóng, phong sát’ với nghệ sĩ - 4
Diễn viên Hàn Trang.

Diễn viên Hàn Trang cũng rất ủng hộ việc cấm sóng, hạn chế hoạt động với những nghệ sĩ lệch chuẩn, có lời nói, hành vi không đúng thuần phong mỹ tục.

"Chúng tôi làm nghệ thuật, khán giả là người vô cùng quan trọng để chúng tôi được hoạt động nghề nghiệp sôi nổi. Cho nên, những nghệ sĩ có hành vi vi phạm đạo đức, hậu quả trước tiên là khán giả lên án, các đơn vị sản xuất quay lưng. Chưa cần cấm sóng hay hạn chế biểu diễn họ cũng đã không có đất diễn rồi. Do đó, tôi cho rằng nghệ sĩ nên có lối sống tích cực để làm tấm gương cho các khán giả trẻ”, Hàn Trang cho biết.

Theo Tình Lê (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/cuc-ntbd-khong-muon-dung-tu-cam-song-phong-sat-voi-cac-nghe-si-2134543.html