Giải trí

"Westworld" - Loạt phim 18+ gây ám ảnh về robot tình dục

Series viễn tưởng mới được ví như "Game of Thrones", cuốn người xem vào thế giới đầy dục vọng và bạo lực của con người.

Series viễn tưởng mới được ví như "Game of Thrones", cuốn người xem vào thế giới đầy dục vọng và bạo lực của con người.

Westworld là series truyền hình mới, lấy bối cảnh một công viên giải trí mô phỏng thời viễn Tây nước Mỹ. Ở đây, ban quản lý tạo ra những robot (được gọi là “vật chủ”) hệt người thật. Các vị khách khi mua vé vào công viên được toàn quyền bắn giết cũng như quan hệ với vật chủ ưa thích. Cuối ngày, ban quản lý thu dọn, sửa chữa, xóa ký ức mọi vật chủ để chuẩn bị cho ngày hoạt động tiếp theo. Mỗi ngày, công viên có nhiều kịch bản mới lạ được dàn dựng như cướp bóc hay thảm sát để kích thích du khách. Ngoài ra, nhóm vật chủ được cài đặt để không thể giết người thật.

Poster loạt phim "Westworld".

Sau ba tập mở màn, nội dung cốt truyện ngày càng "xoắn não" người xem bởi nhiều tuyến truyện phức tạp diễn ra song song.

Nhằm thu hút khách, ông chủ công viên là Robert Ford (Anthony Hopkins) cài vào cơ thể những vật chủ một đoạn mã “mộng mơ” giúp chúng tiếp cận được các ký ức trước đây, tạo ra một cuộc cách mạng ở nhóm vật chủ. Cô robot trẻ Dolores (Evan Rachel Wood) dần nhận ra cuộc đời mình chỉ là dàn dựng. Dolores vượt qua cài đặt của bản thân để nổ súng giết một vật chủ định cưỡng hiếp mình. Một cô gái điếm (Thandie Newton) gặp ác mộng khi nhớ lại cảnh mình bị hành hạ. Nhóm vật chủ ngày càng dấy lên nguy cơ phản kháng, còn sự kiểm soát của ban quản lý công viên yếu dần. Trong khi đó, một vị khách bí ẩn mặc đồ đen (Ed Harris) lang thang khắp nơi, tìm hiểu những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong công viên.

Trailer phim "Westworld"

Westworld gây ám ảnh trước hết bởi nội dung nhấn mạnh vào mặt tối của con người. Mỗi tập tràn ngập những cảnh làm tình và máu me như Game of Thrones. Ngay mở màn, phim chiếu cảnh bạo lực giữa hai băng cướp trước khi có cảnh giết chóc cùng phân đoạn người đẹp Dolores bị cưỡng hiếp tàn bạo. Vào phim, khán giả ngay lập tức bị lôi tuột vào thế giới trần trụi và tàn nhẫn của công viên miền viễn Tây. Càng đi sâu, câu chuyện được dán nhãn TV-MA (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi) càng bóc trần sự suy đồi đạo đức của con người.

Trong công viên, các khách chơi có thể “nhập vai” để làm bất cứ gì mình muốn. Phần lớn họ dùng quyền lực này để thỏa đam mê tình dục và bạo lực. Một số người lúc đầu còn do dự nhưng sau đó nhanh chóng hòa vào các cuộc bắn giết và truy hoan vô tận. Thậm chí, nhiều gia đình còn dắt theo trẻ con, xem những gì diễn ra là hiển nhiên. Trong một thế giới không còn các quy chuẩn đạo đức như Westworld, phần lớn mọi người có khuynh hướng làm điều tàn ác. Điều đó làm dấy lên câu hỏi ám ảnh: “Phải chăng bản chất của con người là ác độc?”.

westworld-loat-phim-18-gay-am-anh-ve-robot-tinh-duc-1

Câu chuyện kể về cuộc phản kháng của những robot vật chủ bị đè nén.

Phát triển từ bộ phim cùng tên năm 1973 do Michael Crichton đạo diễn và biên kịch, Westworld không phải là series đầu tiên mô tả mong muốn áp đặt sự kiểm soát trái tự nhiên của con người lên máy móc. Tuy vậy, điểm ăn khách ở loạt phim mới là cách mô tả trí tuệ nhân tạo phức tạp. Các robot không còn vô cảm như bộ phim năm 1973 mà có chiều sâu ý thức, tương tác chặt chẽ với nhau. Chúng có những lời nói và cử động tinh tế như con người. Khán giả nhiều lần chứng kiến cảnh tình cảm giữa Dolores và anh chàng vật chủ Teddy (James Marsden) với những cung bậc y như người thật.

Bên cạnh đó, phim dành nhiều thời gian cho các trường đoạn giao tiếp giữa đội ngũ quản lý với nhóm vật chủ. Qua các đoạn thoại này, tư duy của các người máy hiện lên như một kiểu trí tuệ kỳ lạ, kết hợp giữa bản năng con người với những dòng mã được lập trình. Giống Ex Machinanăm ngoái, khán giả bị lạc trong mê cung suy luận khi cố vạch rõ ranh giới giữa hai lớp nhận thức này.

westworld-loat-phim-18-gay-am-anh-ve-robot-tinh-duc-2

Anthony Hopkins trở lại màn ảnh nhỏ trong vai chủ công viên giải trí.

Lên sóng truyền hình Mỹ từ ngày 2/10, phim nhanh chóng trở thành hiện tượng. Theo Variety, tập đầu của series thu hút đến 3,3 triệu lượt xem, cao hơn màn ra mắt của Game of Thrones và True Detective cách đây vài năm. Hiện tại sau ba tập, người dùng trang IMDb chấm phim đến 9,2/10 điểm. Các tờ Guardian, Vulture hay Independent nhận định loạt phim có thể trở thành hiện tượng tương tự Game of Thrones.

Thành công của Westworld cũng đến từ chiến lược bài bản của nhà sản xuất. Theo tờ Hollywood Reporter, ngân sách cho 10 tập phim lên đến 100 triệu USD, trong đó riêng tập đầu là 25 triệu. Với nguồn vốn khổng lồ này, các nhà làm phim thỏa sức xây dựng bối cảnh miền Viễn Tây hoành tráng không thua phim điện ảnh như True Grit hay The Magnificent Seven. Thêm vào đó, dàn diễn viên gồm toàn các tên tuổi như Anthony Hopkins, Ed Harris, Thandie Newton hay James Marsden đảm bảo cho chất lượng diễn xuất.

Westworld chiếu vào mỗi Chủ Nhật trên sóng truyền hình Mỹ (sáng thứ hai theo giờ Việt Nam).

Theo Ân Nguyễn (VnExpress.net)