Công nghệ

Lo ngại bảo mật giúp kĩ sư công nghệ mới được săn đón

2016 được đánh giá là cơ hội dành cho kĩ sư am hiểu những công nghệ mới nhờ sự bùng nổ của hàng loạt các công nghệ Web trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là ở phân khúc khởi nghiệp.

2016 được đánh giá là cơ hội dành cho kĩ sư am hiểu những công nghệ mới nhờ sự bùng nổ của hàng loạt các công nghệ Web trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là ở phân khúc khởi nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, diễn biến này là hoàn toàn dễ hiểu trước những lo ngại về bảo mật đang dâng cao trong thời gian gần đây. Cùng với đó là sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu vận hành của doanh nghiệp.

lo-ngai-bao-mat-giup-ki-su-cong-nghe-moi-duoc-san-don

Các lập trình viên Golang, Ruby, NodeJS và ReactJS... được chào đón mức đãi ngộ cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Ảnh: Viễn Thông

“Các công nghệ mới như: Progressive Web Apps, Polymer, Service worker, Web components, IndexedDB, Background sync API... cũng là những tâm điểm công nghệ mới mà các start-up và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đang ứng dụng mạnh mẽ để sẵn sàng cho việc mở rộng hệ thống một cách nhanh chóng, cũng như đáp ứng kịp thời khi lượng người dùng thay đổi đột biến”, ông Sơn Tùng - Trưởng bộ phận kĩ thuật tại Tiki.vn chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Tùng, ông Duy Tuấn, CEO Teamcrop cho rằng, nếu muốn đầu quân cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, các kĩ sư trẻ nên trang bị cho mình kiến thức về một số công nghệ mới như: về frontent có AngularJS, ReactJS (của Facebook) giúp việc xây dựng ứng dụng web giao diện phức tạp trở nên đơn giản trong tư duy lập trình; về backend có NodeJS, Golang là những công nghệ đạt hiệu năng cao, dùng xây dựng những ứng dụng có nhiều truy cập. Ngoài ra, về system thì nên lưu ý đến Docker - giải pháp giúp việc triển khai nhân rộng/thu hẹp hệ thống diễn ra rất nhanh.

Tuy nhiên, cũng theo một số chuyên gia, hiện những kiến thức này không được trang bị sẵn tại các trường cao đẳng, đại học có đào tạo về công nghệ thông tin. Do đó, để nắm bắt cơ hội thì các kĩ sư trẻ phải tự tìm hiểu hoặc bổ sung thông qua các khóa học bên ngoài.

Theo ước lượng tương đối của giới chuyên gia thì Việt Nam hiện đang có khoảng 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin đang chiếm số lượng vượt trội.

Trước đây, khi hoạt động khởi nghiệp công nghệ còn chưa phát triển thì Bộ Thông tin Truyền thông đã dự báo, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin đến 2020 vào khoảng một triệu lao động, với mức tăng trung bình 13% năm.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)