Kinh tế

Người Việt hay nghỉ Tết dài ngày: Kích cầu hàng ngoại?

Nghỉ Tết dài ngày tưởng là được lợi nhưng hóa ra là chúng ta đang làm lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài, cho hàng hóa nước ngoài.

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, vào dịp Tết Dương lịch, người lao động được nghỉ 1 ngày. Tuy nhiên, theo phương án mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Hai (31/12/2018) đến hết thứ Ba (1/1/2019), đi làm bù vào thứ Bảy (5/1/2019). Như vậy, cộng thêm ngày thứ Bảy và Chủ Nhật thì lịch nghỉ tết dương lịch người lao động sẽ nghỉ liền 4 ngày.

Người Việt hay nghỉ Tết dài ngày: Kích cầu hàng ngoại?
Xu hướng thích mua sắm hàng ngoại, du lịch nước ngoài đang phổ biến ngày Tết. Ảnh: asia-food.com.vn

Riêng đối với dịp Tết âm lịch, công chức, viên chức nghỉ 9 ngày, từ thứ Hai (4/2/2019) đến hết thứ Sáu (8/2/2019).

Như vậy, chuyện nghỉ Tết dài ngày hay ít ngày dù vẫn còn gây tranh luận nhưng phương án cuối cùng cũng được đưa ra. Trao đổi với Đất Việt, GS Đặng Đình Đào (ĐH KTQD Hà Nội) cho rằng, quy định nghỉ Tết dài hay ngắn nên dựa theo hiệu quả nền kinh tế đạt được.

Vị GS phân tích: "Nếu các hoạt động sản xuất của nền kinh tế, doanh nghiệp đều hiệu quả, năng suất, chất lượng thì cần có thời gian cho người lao động nghỉ ngơi là cần thiết. Đó là điều kiện giúp người lao động phục hồi sức khỏe, tái sinh sức sản xuất.

Quan trọng hơn, nghỉ Tết sẽ là dịp người dân tăng cường mua sắm, kích cầu tiêu dùng, tạo cơ hội cho một số ngành sản xuất trong nước phát triển".

Với góc nhìn tích cực nói trên, vị GS ủng hộ phương án nghỉ lễ kéo dài trong vài ba ngày, tuy nhiên, ông cũng cho rằng không nên để kỳ nghỉ lễ kéo quá dài để tránh gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, gây khó cho doanh nghiệp.

Đó là nhìn từ hướng tích cực, tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích, vị GS cũng chỉ ra một số vấn đề cần cân nhắc.

Thứ nhất, thời gian nghỉ ngơi là cần thiết để cho người lao động tái sinh sức lao động, tiếp tục phát huy sức sản xuất cho nền kinh tế làm ăn hiệu quả.

Tuy nhiên, soi vào điều kiện của Việt Nam, hiệu quả của nền kinh tế trong suốt năm qua còn rất hạn chế, trong khi đó, những vấn đề về tham nhũng, lãng phí còn là điểm nóng đáng quan ngại. Cùng với đó, tâm lý làm ít hưởng nhiều, việc nhàn lương cao, không thích lao động mà chỉ muốn vào cơ quan hành chính nhà nước để nghỉ nhiều, thưởng lớn... vẫn còn phổ biến, khiến dư luận bức xúc. Chính vì những lẽ này, vị GS cho rằng, khái niệm nghỉ dài ngày để tái sinh sức lao động có lẽ chỉ phù hợp với một số trường hợp, một số lĩnh vực, không hoàn toàn đúng với toàn bộ các khu vực trong nền kinh tế.

Cá biệt, ở một số DNNN, một số tập đoàn kinh tế còn khiến dư luận đang hiểu nhầm, nghỉ Tết là dịp để các lãnh đạo, cán bộ chia thưởng, với những mức lương hàng trăm, thậm chí vài trăm triệu/người.

"Đây là lý do thứ nhất khiến dư luận còn băn khoăn về nghỉ Tết dài ngày. Vì những người cần được nghỉ ngơi thực sự là những lao động làm việc trực tiếp tại các nhà máy, doanh nghiệp thì không được hưởng lợi nhiều", GS Đặng Đình Đào băn khoăn.

Vấn đề thứ hai, vị GS cho rằng, thông thường nghỉ lễ dài sẽ là điều kiện thuận lợi giúp kích cầu hàng tiêu dùng trong nước. Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu (Nielsen Holdings N.V.) năm 2016 cho biết, mức chi chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt dịp Tết là 643 USD (tương đương 14,2 triệu đồng).

Trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD. Mức thu nhập bình quân đầu người 53,5 triệu đồng có nghĩa mỗi tháng người Việt thu nhập khoảng 4,45 triệu đồng.

Với mức chi tiêu trên, Tết là dịp tốt để kích thích sự gia tăng mạnh nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, du lịch, và điều này sẽ giúp nhiều ngành sản xuất trong nước phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nghĩ Tết lại đang được xem là cơ hội kích cầu cho hàng hóa nhập ngoại hoặc hàng hóa của doanh nghiệp FDI.

Theo thống kê 8 tháng năm 2017, Việt Nam nhập siêu hơn 3,5 tỷ USD từ Thái Lan.

Trong đó có năm nhóm mặt hàng góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).

"Như vậy, tưởng là được lợi nhưng hóa ra là chúng ta đang làm lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài, cho hàng hóa nước ngoài.

Dù vậy, tôi vẫn cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nhìn thấy sức ép mà vươn lên", GS Đặng Đình Đào phân tích.

Kể cả đối với lĩnh vực du lịch, vị chuyên gia cũng cho rằng xu hướng chọn du lịch nước ngoài trong những ngày nghỉ dài ngày đang ngày càng phổ biến, với những diễn biến như trên, rõ ràng, càng nghỉ dài nền kinh tế trong nước càng chịu nhiều thiệt thòi.

Vấn đề thứ ba, GS Đặng Đình Đào tiếp tục đề cập tới câu chuyện hai mặt của tấm huy chương, vị GS cho biết, nghỉ Tết dài ngày rõ ràng ngoài việc giúp người lao động được nghỉ ngơi thì cũng đã có những tác động lớn, gây áp lực, khó khăn cho hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và tài chính của doanh nghiệp.

Cụ thể là các báo cáo về tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn ngày Tết, đặc biệt, kỳ nghỉ kéo dài làm giảm năng lực làm việc, đây là điều đáng ngại. Ông cho rằng, năng lực làm việc của người Việt Nam đã thấp lại thêm ngày nghỉ Tết dài nền kinh tế sẽ mất sức lao động, tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, để ngày nghỉ Tết thật sự ý nghĩa mà vẫn đóng góp được tăng trưởng cho nền kinh tế, GS Đặng Đình Đào cho rằng, có 3 vấn đề.

Thứ nhất, các nhà máy, doanh nghiệp, phải có cơ chế, mục tiêu, kế hoạch cụ thể đối với người lao động tại từng giai đoạn, từng quý, từng tháng rất rõ ràng. Làm sao để hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được bảo đảm ổn định, hiệu quả, chất lượng suốt cả năm như thế thì quyền lợi của người lao động cũng mới được bảo đảm.

"Cần tránh tư duy đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng, như vậy vừa không bảo đảm được năng suất, chất lượng, không bảo đảm được hiệu quả của doanh nghiệp".

Thứ hai, phải nâng cao chất lượng, giá cả, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nhằm thu hút người tiêu dùng, tiêu thụ nhiều hàng hóa, tạo kích cầu, kích thích các doanh nghiệp sản xuất phát triển.

Thứ ba, đã đến lúc phải nghĩ đến việc tận dụng các thị trường ngách, thị trường nông thôn, phải tận dụng thị trường trong nước. Phải làm sao để hàng nội địa phải có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn cả hàng hóa xuất khẩu, khi đó, chúng ta sẽ có được một thị trường tiêu thụ bền vững, ổn định.

"Nếu thực hiện được các yêu cầu trên thì kỳ nghỉ lễ mới thật sự có ý nghĩa và đem lại hiệu quả kích cầu cho nền kinh tế", GS Đặng Đình Đào nói.

Theo Thái Bình (Đất Việt)