Kinh tế

Sửa 4.500 thủ tục sau một năm Thủ tướng gặp doanh nghiệp

Cơ quan quản lý cho biết đã xử lý 77% kiến nghị của doanh nghiệp, song còn nhiều quy định, rào cản kinh doanh cần tiếp tục được gỡ bỏ.

Cơ quan quản lý cho biết đã xử lý 77% kiến nghị của doanh nghiệp, song còn nhiều quy định, rào cản kinh doanh cần tiếp tục được gỡ bỏ.

sua-4500-thu-tuc-sau-mot-nam-thu-tuong-gap-doanh-nghiep

Sau một năm thực hiện, Nghị quyết 35 của Chính phủ được đánh giá đang tạo ra ảnh hưởng tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua. Với 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%) đã được đơn giản hóa.

Riêng cơ chế này ở trong nước cũng đã kết nối được 11 trên 14 bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 9 bộ còn lại đã được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia.Cơ chế một cửa cũng được đánh giá là điểm nhấn khi Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore để chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ASEAN. 

Kể từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời... (đạt tỷ lệ 77%).

Những chuyển biến trong môi trường kinh doanh đã được thể hiện trong báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), khi cơ quan này cho rằng, Việt Nam đang trở nên nổi bật với các cải thiện về môi trường kinh doanh, 36% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát dự định sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cao hơn so với 21% ở Thái Lan, 19% của Malaysia.

Đối với nhóm giải pháp về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, năm 2016 cũng ghi nhận một làn sóng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mạnh mẽ. Hàng trăm hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức; 28 không gian làm việc chung và sáng tạo ra đời; mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp bắt đầu được hình thành, qua đó giúp nhận thức của cả xã hội về khởi nghiệp đã được nâng lên đáng kể... 

Bên cạnh đó, để việc thực hiện đi đến từng ngóc ngách nhỏ nhất, nhiều địa phương cũng xây dựng và triển khai nhiều sáng kiến trong đối thoại với doanh nghiệp. Các chương trình như Cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), Khởi nghiệp doanh nhân (Kon Tum) hay mô hình Bác sĩ doanh nghiệp (Bắc Ninh) là một trong những ví dụ điển hình. 

Nhiều tỉnh, thành phố cũng xây dựng mô hình các tổ điều hành thực hiện Nghị quyết 35; tổ tư vấn, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp hay tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc...

Nhóm giải pháp bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện vớicác giải pháp cụ thể phát triển hệ thống bán lẻ, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam.

Việc tiếp cận một số nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng hay vốn cũng có những thành công nhất định. Lãi suất cho vay phổ biến giữ ở mức 6-9% một năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm xuống còn 4-5%.

Về nhóm giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, những điều chỉnh theo hướng giảm chi phí liên quan đến đất đai, điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT hay loại bỏ các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng xuất nhập khẩu, được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá là những nét nổi bật.

Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng được thực hiện thông qua các biện pháp giảm số lần thanh, kiểm tra, bảo vệ an ninh kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và đặc biệt là nội dung không hình sự hoá các quan hệ kinh tế - vấn đề điểm nhấn trong Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp năm 2016.

Thanh tra Chính phủ đã xây dựng các biện pháp cụ thể giảm mật độ và hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm, góp phần lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh. Một số địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Bình, Đắk Lắc, Sóc Trăng… đã ban hành văn bản đôn đốc về nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng quy định của pháp luật (không quá một lần mỗi năm).

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại bên cạnh những kết quả đạt được.

Những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất, trong khi sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trên phạm vi địa phương chưa thực sự hiệu quả, vẫn là những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Bên cạnh đó, dù có nỗ lực từ các cơ quan nhà nước, nhưng phản ánh chung cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc gây bức xúc trong doanh nghiệp trong công tác tiết giảm chi phí. Từ việc Công ty cổ phần Dệt 10/10 phản ánh việc ban hành Nghị quyết 148 của thành phố Hải Phòng khiến công ty thiệt hại 2,5 tỷ đồng mỗi năm, cho tới nhiều dự án BOT điển hình là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Long Thành - Dầu Dây vắng bóng các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách do phí cầu đường quá cao.

Trong kiến nghị gửi VCCI mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An, Hải Phòng đã chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến các khoản phí, đơn cử như quy định bóng đèn chiếu sáng cháy là một dạng chất thải nguy hại, mỗi năm doanh nghiệp nhỏ chỉ hỏng khoảng một vài chiếc, không bằng một trụ sở của UBND phường, nhưng cũng phải mất gần 20 triệu để ký hợp đồng với một công ty có chức năng xử lý.

Vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong nội dung thanh tra, kiểm tra của ngành thanh tra và ngành kiểm toán cũng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhắc đến như một ví dụ về tồn tại trong sửa đổi thủ tục hành chính. Có doanh nghiệp đã phản ánh năm 2016 đã phải tiếp đến 9 đoàn thanh tra, kiểm tra hay một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, chất lượng còn chưa cao.

Kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy, 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đưa ra sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 1 năm trước là tích cực, tuy nhiên vẫn còn 25% số doanh nghiệp đánh giá chưa có chuyển biến.

Mặc dù còn thiếu sót song tác động của việc thực hiện Nghị quyết 35 là không thể phủ nhận. Cuộc khảo sát mới thực hiện của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã đưa ra kết luận rằng Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản, trên 66% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam. 

Năm 2016 cũng ghi dấu ấn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục hơn 110.000, cao nhất về số lượng từ trước tới nay. Số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48% so với cùng kỳ, cùng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24%.

 
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm nay sẽ diễn ra vào ngày mai (17/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), quy tụ của 2.000 đại biểu, gấp 4 lần so với năm ngoái. Trong đó, 1.500 sẽ đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước, các định chế tài chính lớn và đại diện các cơ quan Nhà nước.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)