Lối Sống

Ăn nhiều trái cây rồi lái xe có bị phạt vì nồng độ cồn?

Một số loại trái cây chứa nhiều đường hoặc để chín quá có thể lên men, có cồn sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, lượng cồn này rất nhỏ và được cơ thể chuyển hóa nhanh chóng.

Vừa qua, một tài xế của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã vi phạm nồng đồ cồn khi lưu thông tại Quảng Bình ở mức 0,243 mg/L khí thở. Theo lãnh đạo bệnh viện này, tài xế báo cáo trước khi kiểm tra nồng độ cồn, anh bị cảm và đau mắt đỏ nên đã uống thuốc và sinh tố trái cây. 

Sau đó, thông tin từ tổ công tác Bộ Công an cho thấy, sau khi lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra định tính phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn đã yêu cầu người này kiểm tra định lượng. Trước khi kiểm tra định lượng, bản thân tài xế trình bày có uống bia rồi điều khiển phương tiện.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vậy liệu nếu ăn trái cây rồi điều khiển phương tiện giao thông có thể bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn hay không?

Người dân không cần lo lắng về việc ăn trái cây bị "vướng" nồng độ cồn. Ảnh minh hoạ: Pexels

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng, Trưởng đơn vị Tiêu hóa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), thực tế, một số loại trái cây chứa nhiều đường chín quá hay để lâu có thể lên men và chứa một lượng cồn nhỏ. Tuy nhiên, cơ thể chuyển hóa lượng cồn này rất nhanh, khi kiểm tra hơi thở bằng máy không ghi nhận nồng độ cồn.

Trong tình huống người điều khiển xe đã ăn các món như tôm hấp bia, hơi thở ít nhiều có mùi bia nhưng cũng ở mức rất thấp. 

Bác sĩ Tráng khẳng định nhiều người giải thích việc ăn trái cây hoặc dùng đồ uống lên men khiến cảnh sát giao thông đo được hơi thở có nồng độ cồn hoàn toàn không đúng. 

“Không có chuyện ăn trái cây, uống thuốc mà bị công an đo ra nồng độ cồn. Đó chỉ là lý do biện minh”, bác sĩ Tráng nói. Cùng quan điểm, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết ăn trái cây không đủ để hơi thở có nồng độ cồn. 

Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra nồng độ cồn 2 bước gồm kiểm tra định tính để phát hiện cồn và kiểm tra định lượng để xác định mức vi phạm. Khi đo định lượng sẽ xác định chính xác nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm ở mức nào. 

Tại Việt Nam, rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình… 

Theo Linh Giao (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/an-nhieu-trai-cay-co-thoi-len-nong-do-con-2193994.html