Lối Sống

Căn bệnh hành hạ Châu Hải My suốt hơn 20 năm nguy hiểm thế nào?

Diễn viên Châu Hải My qua đời ở tuổi 57 trong sự tiếc thương của người hâm mộ. Cô đã nhiều năm chịu đựng với bệnh lupus ban đỏ.

Những ngày qua, thông tin nữ minh tinh Châu Hải My, người từng đóng vai Chu Chỉ Nhược, qua đời ở tuổi 57 khiến người hâm mộ vô cùng thương xót. 

Bức ảnh hồ sơ bệnh án điện tử của Châu Hải My từ một bệnh viện ở Bắc Kinh được lan truyền trên weibo, cho thấy khi đưa Châu Hải My đến bệnh viện, cô đã bất tỉnh, toàn thân lạnh cứng, đồng tử giãn ra, kết mạc chảy máu, không có nhịp tim. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị ngừng tim, bất tỉnh và ngừng hô hấp. Nữ diễn viên từng mắc bệnh cao huyết áp và bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Thực tế, năm 1999, cô được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ. Nhiều năm qua, nữ minh tinh sinh năm 1966 đã phải chống chọi với căn bệnh nhưng giấu người thân.

Căn bệnh hành hạ Châu Hải My suốt hơn 20 năm nguy hiểm thế nào?

Căn bệnh hành hạ Châu Hải My suốt hơn 20 năm nguy hiểm thế nào? - 1
Cư dân mạng chỉ ra Châu Hải My nhiều lần lộ da mẩn đỏ như phát ban, vết sẹo và vết bầm tím trên tay. Ảnh: Sohu.

Lupus ban đỏ là bệnh của hệ thống miễn dịch - hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Khi bị Lupus, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan khác nhau trên cơ thể.

Bệnh thường gặp ở nữ giới, nhiều nhất ở độ tuổi sinh đẻ. Cho đến nay, căn nguyên của bệnh vẫn còn nhiều vấn đề chưa được biết rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gợi ý rằng di truyền, miễn dịch, hormone giới tính và môi trường là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh lupus ban đỏ hệ thống.

Tỷ lệ mắc bệnh này khác nhau tùy theo từng nước, từng chủng tộc và thời điểm nghiên cứu. Bệnh có độ lưu hành ước tính trong khoảng 20-150 ca/ 100.000 dân, riêng ở phụ nữ là khoảng 164-406 ca/ 100.000 dân. Ở nước Mỹ tỷ lệ mắc bệnh thay đổi từ 15-50 ca/100.000 dân.

Tạp chí Tri thức dẫn lời bác sĩ Lê Thị Lan Thủy, Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

Do ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh rất phong phú, đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông. Điều này là hậu quả của sự tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong thời gian mùa hè trước đó.

Theo các chuyên gia, hơn 90% bệnh nhân lupus ban đỏ đi khám có các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc từng mảng, viêm loét miệng, mũi, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Khoảng 75% bệnh nhân xuất hiện ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt.

Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), thận (viêm cầu thận), hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% bệnh nhân.

Trong giai đoạn đầu bị lupus ban đỏ, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên một số trường hợp có thể mất tới vài năm để chẩn đoán chính xác.

Bệnh nhân lupus ban đỏ có nguy cơ tử vong cao hơn 2-4 lần so với dân số chung. Nguyên nhân chính gây tử vong trong vài năm đầu tiên thường là bệnh hoạt động (tổn thương thần kinh trung ương, tổn thương thận) hoặc nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân tử vong muộn hơn thường liên quan tới các biến chứng của lupus ban đỏ, bệnh tim mạch, tác dụng phụ của thuốc điều trị.

Căn bệnh hành hạ Châu Hải My suốt hơn 20 năm nguy hiểm thế nào? - 2
Ban cánh bướm xuất hiện trên mặt bệnh nhân lupus ban đỏ. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Tiền Phong, khi bị Lupus ban đỏ, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công các mô và cơ quan khác nhau trên cơ thể. HK01 dẫn lời Hoàng Cảnh Long, Giám đốc Bệnh viện ở thành phố Tân Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), bác sĩ điều trị tại Khoa miễn dịch cho biết:

"Ba cơ quan mà chúng ta sợ nhất là hệ thống miễn dịch tấn công, não, thận và tiểu cầu. Nếu hệ thống tự miễn dịch tấn công não, nó sẽ gây ra viêm não, tổn thương não. Nếu tấn công thận, sẽ xảy ra tình trạng viêm nặng và suy thận. Tiểu cầu bị tấn công sẽ dẫn đến chức năng đông máu bất thường, dễ chảy máu, bầm tím da, chảy máu cam nghiêm trọng và thậm chí xuất huyết não, có đốm cánh bướm, rụng tóc và các vấn đề về tim mạch”.

Bác sĩ chỉ ra rằng đối với những bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ, việc sống chung với căn bệnh này rất quan trọng, vì lượng tiểu cầu thấp do kháng thể quá mức sẽ được điều trị bằng steroid và thuốc ức chế miễn dịch. Con đường điều trị vẫn còn khá khó khăn đối với người bệnh, điều quan trọng nhất là chấp nhận bệnh và tìm cách điều trị đúng đắn.

Vị bác sĩ hy vọng giảm bớt việc sử dụng steroid ở bệnh nhân. Những bệnh nhân lạm dụng quá nhiều steroid dễ bị đục thủy tinh thể, loãng xương và các bệnh lý khác. Trước đây, nhiều bệnh nhân kiểm soát bệnh kém dẫn đến nhiều trường hợp suy thận.

Tuy nhiên, sau những nỗ lực trong vài năm qua, tỷ lệ sống sót sau 10 năm đã đạt 90%, việc điều trị hướng tới phương pháp sinh học nhưng giá thành cao.

Ở showbiz quốc tế, Selena Gomez từng công khai về căn bệnh lupus ban đỏ. Cô bắt đầu điều trị năm 2014 và gặp nhiều vấn đề sức khỏe.

“Khi còn trẻ tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của lupus ban đỏ. Bây giờ tôi chỉ cảm thấy đau. Một buổi sáng thức dậy, tôi bật khóc vì quá đau đớn”, Selena nói trong bộ phim tài liệu năm 2022.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị căn bệnh này khiến Selena bị phù và tăng cân. Nữ ca sĩ được bác sĩ đề xuất tiêm Rituxan vào tĩnh mạch nhằm giảm đau, giúp cô trở nên bình tĩnh, nhưng thuốc chỉ có tác dụng 4-5 giờ đồng hồ. Đến nay, ca sĩ vẫn gặp biến chứng run tay, khó kiểm soát khả năng cầm nắm đồ vật do sử dụng thuốc điều trị bệnh lupus.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/can-benh-hanh-ha-chau-hai-my-suot-hon-20-nam-nguy-hiem-the-nao-d199578.html