Pháp luật

Đề xuất xử lý hình sự với tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao tại Việt Nam liệu có khả thi?

Đề xuất "Xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn" mới đây được đưa ra tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ".

Trong cuộc hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" diễn ra vào cuối tháng 1, do Bộ Công an cùng Bộ Y tế đồng tổ chức, một số ý kiến đã đề xuất cần phải áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, ngay cả khi họ chưa gây ra hậu quả nào.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhận định rằng các quy định hiện hành trong việc xử lý nồng độ cồn là khá đầy đủ và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi phân tích, Ủy ban nhận thấy vẫn cần có sự sửa đổi, bổ sung để quy định được hoàn thiện hơn.

Theo ông Minh, mức phạt hành chính hiện nay cho lỗi nồng độ cồn đã khá cao và có khả năng răn đe tốt. Nhưng trên thực tế, dù là uống 5 hay 30 cốc, người vi phạm đều bị xử phạt như nhau theo khung mức 3 (nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu, mức phạt từ 30-40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng đối với lái xe ôtô), điều này chưa phản ánh đúng mức độ vi phạm.

Từ những phân tích trên, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất: "Nếu vi phạm vượt quá mức 3, cần có các biện pháp phân loại để xử lý, có thể là hành chính hoặc thậm chí hình sự, đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn với mức độ nghiêm trọng, kể cả khi chưa xuất hiện hậu quả từ hành vi đó".

Ủng hộ biện pháp xử lý hình sự

Đồng tình với đề xuất trên, ông Đậu Đình Thắng, người dân TP.HCM nói với VOV: “Thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn rất thảm khốc do lái xe vi phạm nồng độ cồn. Tôi đồng tình với ý kiến xử lý hình sự với những người có nồng độ cồn quá cao mà tham gia giao thông. Đặc biệt đối với người điều khiển phương tiện ô tô thì cực kỳ nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả rất là nặng về người và tài sản”.

Cùng quan điểm cần xử lý mạnh tay với tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông chia sẻ trên tờ Tuổi Trẻ cho rằng, "khi tài xế lái xe dưới tác động của rượu bia vượt quá giới hạn cho phép, mà không gây ra hậu quả nào, họ vẫn cần phải chịu hình thức xử phạt nghiêm khắc, bao gồm cả xử lý hình sự. Áp dụng hình phạt tù, kể cả chỉ là tạm giam trong thời gian ngắn từ 1-2 tuần, cũng sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ".

Đề xuất xử lý hình sự với tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao tại Việt Nam liệu có khả thi?
Ảnh: Bộ Công an

Ông Bình cũng nhấn mạnh, sau khi đã có sự quy định rõ ràng từ pháp luật và việc tuyên truyền, phổ biến đã được thực hiện, mọi hành vi vi phạm nên được xử lý kịp thời. Không nên áp dụng chính sách nhắc nhở hoặc cảnh cáo cho lần vi phạm đầu tiên, mà cần xử lý nghiêm ngay từ lần vi phạm đầu tiên.

Trên báo Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm đồng ý với biện pháp xử lý hình sự với người vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây tai nạn. 

Song ông Liên góp ý rằng việc áp dụng ngay những biện pháp mạnh như xử lý hình sự đối với người vi phạm nồng độ cồn cao nhưng chưa gây ra tai nạn có thể gặp phản ứng không ủng hộ từ phía người dân. Điều này là do việc thay đổi thói quen, cần một khoảng thời gian để mọi người thích nghi.

Đề xuất xử lý hình sự với tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao tại Việt Nam liệu có khả thi? - 1
Ảnh: Bộ Công an

Không thể xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Ngọc Nữ - Đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm trên tờ VOV cho hay, đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn quá cao, dù chưa gây hậu quả là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành: “Hành vi của một người có cấu thành tội phạm hay không thì phải hội đủ 4 yếu tố: khách thể, chủ thể, khách quan và chủ quan. Đồng thời chỉ những hành vi được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì mới xử lý bằng hình sự. Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn ở mức cao mà chưa gây ra hậu quả thì không thể xử lý hình sự được”.

Tương tự, Thạc sĩ luật Ngô Xuân Duy cho rằng ngoài 4 yếu tố cấu thành tội phạm, để xử lý hình sự một người còn phải căn cứ vào độ tuổi và năng lực hành vi của người đó. Vì vậy đề xuất trên rất khó thực thi và không phù hợp. Mặt khác, quy định xử phạt hành chính hiện nay cũng đã đủ mạnh và có sức răn đe.

Trả lời VnExpress về đề xuất trên, thiếu tướng Trần Đức Thuận, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho hay: "Nếu muốn xử phạt hình sự, cần đánh giá đầy đủ xem đây có phải một tội mới cần được quy định khi sửa đổi Bộ luật Hình sự. Còn chưa gây hậu quả mà xử phạt hình sự thì tôi chưa đồng tình".

Đề xuất xử lý hình sự với tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao tại Việt Nam liệu có khả thi? - 2
Ảnh: Bộ Công an

Kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn

Với châu Âu, việc lái xe sau khi uống rượu bia hoặc khi còn nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là hành vi bị nghiêm cấm tại bốn quốc gia bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Romania. 

Trong khi đó, một số quốc gia khác như Estonia, Thụy Điển và Ba Lan áp dụng quy định linh hoạt hơn, cho phép nồng độ cồn không vượt quá 0,2g/l máu.

Ủy ban châu Âu khuyến nghị mức nồng độ cồn tối đa là 0,5g/l cho các quốc gia thành viên, báo Nhân dân cho hay.

Ở Mỹ, hầu hết các bang đều quy định nồng độ cồn trong máu của tài xế không được vượt quá 0,08%. Nếu nồng độ cồn trong máu cao hơn mức này, người lái xe bị coi là say dù bên ngoài thể hiện hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên, mỗi bang cũng có những quy định khác nhau.

Tại Thái Lan, đạo luật giao thông đường bộ số 13 sửa đổi năm 2022 của Thái Lan quy định người điều khiển xe trong tình trạng say rượu bị phạt tiền từ 5.000-20.000 baht (3,5-14 triệu đồng) hoặc phạt tù tối đa 1 năm trong lần vi phạm đầu tiên.

Còn ở Trung Quốc, luật pháp quy định hình phạt cho "lái xe sau khi sử dụng rượu bia" (nồng độ cồn trong máu từ 20 mg/100 ml đến dưới 80 mg/100 ml) thì bị phạt tiền từ 1.000 đến 2.000 NDT (tương đương khoảng 3,5 đến 7 triệu đồng) và tạm thời đình chỉ giấy phép lái xe trong vòng 6 tháng.

Trong trường hợp nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml, người lái xe sẽ bị coi là "lái xe trong trạng thái say xỉn", đối mặt với án phạt tù từ 1 đến 6 tháng và bị tước quyền lái xe trong 5 năm, theo báo Pháp luật Tp.HCM.

Năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định 3 mức vi phạm về "nồng độ cồn", gồm:

Mức 1: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

Mức 2: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Mức 3: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo Thái Hà TH (Đời Sống & Pháp Luật)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/e-xuat-xu-ly-hinh-su-voi-tai-xe-vi-pham-nong-o-con-muc-cao-tai-viet-nam-lieu-co-kha-thi-a401853.html