Pháp luật

Ông Trần Bắc Hà nhập viện tại Singapore từ ngày 7/1?

Tiếp tục triệu tập Trần Bắc Hà đến phiên xử Phạm Công Danh - Trầm Bê

Người đại diện của ông Trần Bắc Hà cung cấp bản dịch hồ sơ bệnh án, bản photo hộ chiếu chứng minh ông Trần Bắc Hà đã nhập cảnh vào Singapore.

Chiều 13/1, liên quan đến vụ xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh, thẩm phán Phạm Lương Toản đã thông tin về việc triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV). Theo đó, sau phiên xử sáng, người đại diện của ông Hà là ông Nguyễn Hồng Dân đã đến gặp HĐXX.


Chiều 13/1, người đại diện của ông Trần Bắc Hà cho biết cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã nhập viện tại Singapore từ sáng 7/1. Các hồ sơ liên quan sẽ được nộp lên HĐXX vào sáng 16/1.

"Ông Dân cho biết ông Trần Bắc Hà đã biết được thông báo về việc phải có mặt tại toà án. Tuy nhiên, hiện tại ông Hà đang chữa bệnh tại Singapore, đã nhập viện từ ngày 7/1 nên không thể đến toà", thẩm phán nói.

Người đại diện của ông Hà cũng cung cấp các tài liệu liên quan như: Bản dịch bệnh án của ông Trần Bắc Hà tại Singapore, bản photo hộ chiếu cho thấy ông Trần Bắc Hà đã nhập cảnh.

Ông Dân cam kết sáng 16/1 sẽ cung cấp toàn bộ hồ sơ, bệnh án của ông Trần Bắc Hà, bản xác nhận của lãnh sự Việt Nam tại Singapore về việc nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đang điều trị tại đây.

Ông Trần Bắc Hà nhập viện tại Singapore từ ngày 7/1?
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV.

Liên quan đến sự việc trên, đầu giờ chiều 13/1, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết, theo cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT của BIDV) đang có mặt tại Việt Nam. 

Theo nguồn tin, dựa trên cơ sở quản lý của cơ quan chức năng, lần cuối cùng ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất - nhập cảnh là tại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - giáp ranh với Lào) vào đầu tháng 11/2017.

Từ đó đến nay, dữ liệu chưa ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.

Liên quan đến vụ xử bị cáo Trầm Bê, thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết HĐXX đã ký giấy triệu tập ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang. Trong trường hợp những người này không có mặt, VKS có thể sử dụng lời khai tại cơ quan điều tra.

Suốt thời gian diễn ra phiên xử đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh (từ ngày 8-13/1), VKS liên tục đặt câu hỏi về sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà. VKS cho rằng sự vắng mặt của những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan ở BIDV có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên toà.

Sáng 13/1, VKS đã kiểm tra các tài liệu liên quan đến sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang. VKS cho biết ông Hà bị ung thư gan vào năm 2012. Đến nay, ông Hà chỉ phải đi tái khám vào ngày 8/1. "Không biết ông Trần Bắc Hà có đi khám hay không. Đề nghị HĐXX cho kiểm tra tại cơ quan xuất nhập cảnh để xác định điều này", đại diện VKS nói.

Kết quả điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh cho thấy cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Phân ban quản lý rủi ro BIDV khi họ đánh dấu đồng ý vào chủ trương cho 12 công ty vay vốn với số tiền tối đa 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh thực hiện việc cho vay.

Tuy có sai phạm, kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước xác định thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan tại BIDV không phạm tội. Kết quả điều tra chưa đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào về việc các đối tượng liên quan này biết các công ty vay vốn BIDV là do Phạm Công Danh thành lập.

Do đó, cơ quan điều tra chỉ kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính với ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng và nhiều lãnh đạo, nhân viên tại BIDV Hội sở, Chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Nam Sài Gòn, Sở giao dịch 2. 

Các luật sư khẳng định sự có mặt của ông Trần Bắc Hà có vai trò rất quan trọng đến diễn tiến vụ án. "Việc đánh giá mức độ, tính chất vụ án trong trường hợp này thuộc về HĐXX. Nhưng việc các công ty mới thành lập, không kinh doanh gì, chỉ dùng tên để vay tiền mà ông Trần Bắc Hà vẫn ký duyệt chủ trương cho vay số tiền quá lớn như vậy thật khó để tin ông Hà không hề biết", luật sư Đỗ Hải Bình đặt câu hỏi nghi vấn.

Luật sư Bình nói thêm: "Tòa án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế (áp giải) trong hoạt động tố tụng nếu xét thấy việc vắng mặt của họ không thể làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ án".

Theo Hà Hương - Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)