Pháp luật

Vì sao nhiều người 'sập bẫy' dự án trồng sâm Ngọc Linh cty Mỹ Hạnh?

Cam kết lãi suất 24-48%/năm, vẽ những ý tưởng hoành tráng, Phạm Mỹ Hạnh đã lôi kéo hơn 1.000 nhà đầu tư với số tiền huy động 1.264 tỷ vào dự án trồng sâm Ngọc Linh.

Phạm Mỹ Hạnh (SN 1980), Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Mỹ Hạnh vừa bị Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo tài liệu điều tra, Phạm Mỹ Hạnh thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị vào tháng 8/2017. Công ty này có địa chỉ tại số 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Vì sao nhiều người 'sập bẫy' dự án trồng sâm Ngọc Linh cty Mỹ Hạnh?
Phạm Mỹ Hạnh

Quá trình hoạt động, việc huy động vốn của Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh có những dấu hiệu bất thường đã không qua mắt được lực lượng công an.

Tổ chức xác minh, điều tra, Công an quận Cầu Giấy xác định, Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh hoạt động trong lĩnh vực khai thác trồng cây và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Do nhu cầu về vốn, Hạnh và các cộng sự đã tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư hùn vốn với lợi nhuận cao.

Trong khoảng từ năm 2020-2022, dưới sự chỉ đạo của Hạnh, công ty này đưa ra nhiều quảng bá về dự án trồng cây sâm Ngọc Linh, “vẽ” ra những ý tưởng hoành tráng, quy mô để lôi kéo nhà đầu tư.

Đáng chú ý, với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty, bà Phạm Mỹ Hạnh đứng ra hứa hẹn, cam kết trả lãi suất 24-48%/năm cho các nhà đầu tư.

Khi làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng gồm: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh; hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của bản thân Phạm Mỹ Hạnh trong công ty.

Công an quận Cầu Giấy xác định, có khoảng hơn 1.000 nhà đầu tư đã góp vốn vào công ty của Phạm Mỹ Hạnh với tổng số tiền hơn 1.264 tỷ đồng.

Nguồn tiền từ việc huy động vốn nêu trên không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, không hạch toán tài chính doanh nghiệp mà chuyển riêng vào tài khoản của đối tượng Hạnh.

Trong số hơn 1.264 tỷ đồng này, Hạnh chỉ dùng khoảng 1% để sản xuất kinh doanh, còn lại, đối tượng này dùng để trả lãi cho các hợp đồng tất toán có thời hạn ngắn, chi tiêu cá nhân, mua bất động sản đứng tên của chính Phạm Mỹ Hạnh.

Đến nay, có những dòng tiền mà Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được với cơ quan điều tra, chưa rõ mục đích sử dụng…

Cơ quan công an cho biết, Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh đã thổi phồng giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh và “vẽ” ra nhiều dự án, kịch bản nhằm đánh vào kỳ vọng của khách hàng, các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp không đúng với thực tế.

Công ty này cũng tự ý thay đổi, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh bị điều tra, nhiều nhà đầu tư mới biết mình bị lừa. Tuy nhiên, đến nay, công ty đã mất khả năng thanh toán với lượng tiền huy động của các nhà đầu tư.

Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đề nghị các bị hại, nhà đầu tư chủ động hợp tác với cơ quan Công an trong việc tố giác hành vi của Hạnh, để cơ quan điều tra làm rõ phạm vi, quy mô, tính chất phạm tội của bị can, đảm bảo quyền lợi các nạn nhân.

Đồng thời đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp tác, dòng tiền ứng, nhận với Phạm Mỹ Hạnh trong các giao dịch dân sự, cần hợp tác với cơ quan điều tra để thu hồi số tiền.

Cơ quan chức năng xác định số tiền này cũng là tiền mà Hạnh đã chiếm đoạt bất hợp pháp trong vụ án.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đang tiếp tục mở rộng điều tra các đối tượng giúp sức cho Hạnh, xác định triệt để các nguồn tiền Hạnh đã sử dụng để thu hồi, đảm bảo quyền lợi cho bị hại.

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vi-sao-nhieu-nguoi-sap-bay-du-an-trong-sam-ngoc-linh-cty-my-hanh-1920855.html