Thế giới

Báo Mỹ: 5 vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ răn đe Nga

Tờ National Interest của Mỹ giới thiệu 5 loại vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ hiện có buộc Nga phải canh chừng.

Tờ National Interest của Mỹ giới thiệu 5 loại vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ hiện có buộc Nga phải canh chừng.
Trong khi cuộc chiến chống IS ngày một sôi động thì một diễn biến mới, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tại Syria, làm cho quan hệ Nga- Thổ đang bên bờ vực thẳm. Nhân sự kiện trên, tờ National Interest của Mỹ giới thiệu 5 loại vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ hiện có buộc Nga phải canh chừng.


1. Tiêm kích đa nhiệm F-16 kèm tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 (AMRAAM)

Theo nguồn tin tình báo, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TuAF) hiện có tới gần 250 máy bay tiêm kích đa nhiệm F-16, 30 trong số này thuộc tiêm kích Block 50+. Đây là dòng máy bay chiến đấu F-16 đa năng thế hệ thứ tư.

Từ giữa thập niên 80 ở thế kỷ trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất và sử dụng các dòng máy bay tiêm kích F-16 theo giấy phép của Mỹ. Điều này làm cho TuAF có thêm nhiều kinh nghiệm khai thác dòng máy bay nói trên, hay còn gọi là Chim ưng đa nhiệm (Fighting Falcon) trong mọi tình huống.

Tên lửa AIM-120 trang bị cho F-16 chính là vũ khí hạ Su-24 của Nga hôm 24/11, do Mỹ chế tạo.

Tùy theo từng phiên bản, phạm vi hoạt động có thể đạt gần 50 km, vận tốc tối đa lên tới Mach 4 (khoảng 5.000km/giờ) nhờ cơ chế dẫn đường quán tính, radar chủ động.

AIM-120 biến F-16 thành một chiến đấu cơ đa nhiệm đầy lợi hại, đối trọng nặng ký của lực lượng không quân Nga, đội quân được đào tạo khá bài bản, được trang bị tới tận răng.

2. Hệ radar gây nhiễu KORAL

Radar gây nhiễu KORRAL là sản phẩm “cây nhà lá vườn” di động mới nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ quân đội nào.

KORRAL do Tập đoàn quân sự Aselsen của Thổ Nhĩ Kỳ, nghiên cứu phát triển, có nhiệm vụ gây nhiễu, đánh lừa các loại radar thông thường và phức tạp của đối phương.


Ngoài ra, nó còn có khả năng phân tích nhiều tín hiệu mục tiêu trong dải tần số rộng, tự động tạo nên sự phản hồi phù hợp với khả năng bộ nhớ tần suất vô tuyến số (DRFM). Bán kính hoạt động hiệu quả của KORAL lên tới 150km.

Theo báo cáo, KORRAL có thể làm nhiễu bất kỳ hệ thống ra đa nào trên biển, lẫn trên đất liền hoặc trên không gian. Hệ thống mới này có thể gây khó khăn cho không quân Nga nếu tình huống xấu nhất, tức xung đột quân sự xảy ra.

3. Tàu ngầm lớp Gur-class

Lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ (TNF) hiện có có bốn tàu ngầm lớp Gur-class, một trong những thế hệ tàu ngầm chạy diesel- điện tốt nhất thế giới hiện nay.

Theo số liệu của của công ty HDW cửa Đức nơi từng xuất khẩu tầu Type 209 T2/1400 thì các loại tàu ngầm lớp Gur-class được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon (UGM-84), cũng như ngư lôi Tigerfish của Anh và ngư lôi hạng nặng DM2A4 của Đức.


Ngoài ra, các tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ còn được trang bị hệ phát hiện và nhắm mục tiêu tiên tiến, làm cho đội tàu ngầm này trở thành những kẻ sát thủ thầm lặng bởi có độ ồn cực thấp, rất khó phát hiện, đe dọa trực tiếp các hoạt động tại vùng biển của Nga ở phía đông Địa Trung Hải, nhất là khi quân đội Nga tác chiến ở Syria không có đủ lực lượng chống ngầm cần thiết.

4. Tàu hộ tống tàng hình Ada-class

Tàu hộ tống tàng hình Ada-class của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “thần hộ mệnh” của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ bởi quốc gia này rất lo ngại về mặt an ninh biển tại vùng biển Địa Trung Hải vì vậy nó thực sự trở thành một thách thức lớn cho các hoạt động trên bề mặt biển của Nga.


Một trong những lợi thế của tàu hộ tống tàng hình Ada-class là do chính người Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được trang bị 8 tên lửa Harpoon Block II, siêu pháo OtoMelara và các loại khí tài đặc dụng khác.

Nguy hiểm hơn, Ada-class còn có độ ồn, tín hiệu radar, IR lẫn âm thanh cực thấp, và được trang bị radar xác suất đánh chặn hiệu quả (LPI) nên Ada được xem là mối đe dọa rất tiềm ẩn cho các chiến hạm của Nga.

5. Đặc công nước SAT

Đặc công nước SAT hay biệt kích nước SAT (Sualtı Taarruz Timleri/Underwater Assault Teams) là lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.


SAT có thể tác chiến trong mọi địa hình, thời tiết, thâm nhập sâu vào cứ địa đối phương theo kiểu “xuất khẩu nhập thần”, từ trên không, trên bộ hoặc trên biển, nhắm vào các mục tiêu quan trọng, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn bằng cách chia nhỏ lực lượng đối phương, nhất là các mục tiêu như cảng biển hay tàu đang thả neo.

Những chiến binh đặc nhiệm này được xem là “hòn đá tảng” đối với lực lượng hạ tầng của Syria trên bờ biển cũng như tàu chiến Nga có mặt tại khu vực này.

Theo Khắc Nam (Đất Việt)