Thế giới

Biên giới Trung - Ấn lại căng thẳng vì vùng đất trên dãy Himalaya

Dải đất yên bình giữa những ngọn núi hoang vu của dãy Himalaya vừa trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế trong vụ tranh chấp biên giới mới đây giữa 2 cường quốc đang lên của châu Á.

Dải đất yên bình giữa những ngọn núi hoang vu của dãy Himalaya vừa trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế trong vụ tranh chấp biên giới mới đây giữa 2 cường quốc đang lên của châu Á.

Các nhà quan sát của cả hai nước cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy việc Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực Donglang, còn được gọi là Doka La, đã nhanh chóng đẩy quân đội hai nước vào thế mâu thuẫn khó hóa giải trong nhiều năm.

Đụng độ vào thời điểm nhạy cảm

Vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Mâu thuẫn kéo dài nửa thế kỷ qua bao gồm cuộc chiến đẫm máu những năm 1960 và các cuộc đụng độ lẻ tẻ từ đó đến nay.

Bien gioi Trung - An lai cang thang vi vung dat tren day Himalaya hinh anh 1

Binh sĩ Trung Quốc giơ tay ra hiệu cạnh một binh sĩ Ấn Độ ở biên giới giữa 2 nước.

Các nhà phân tích cho rằng vụ đối đầu một lần nữa cho thấy sự phức tạp của các tranh chấp biên giới, vốn là nguyên nhân chính gây bất ổn quan hệ song phương.

Nó cũng cho thấy mối quan hệ căng thẳng do nghi kị và hiềm khích sâu xa giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi hai nước đang chạy đua ảnh hưởng trong khu vực. Khẩu chiến đã nổ ra trong tuần qua khi mỗi bên đều cáo buộc đối phương xâm nhập lãnh thổ của mình và gây căng thẳng.

Bắc Kinh xác nhận đã đóng cửa Đèo Nathu La, tuyến đường được mở vào năm 2015 cho những người hành hương Ấn Độ thăm Núi Kailash và Hồ Manosawar của Tây Tạng, 2 địa điểm thiêng liêng đối với người Hindu giáo và Phật giáo.

Căng thẳng giữa quân đội hai nước chỉ diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

“Có rất nhiều sự mập mờ về nơi xảy ra vụ việc, thậm chí còn không rõ có phải là ở biên giới Trung - Ấn hay không”, Rajeswari Rajagopalan, thành viên Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát ở New Delhi, trả lời trên South China Morning Post.

Trong khi các cuộc đụng độ tương tự ở biên giới từng xảy ra giữa các chuyến thăm cấp cao giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vụ việc mới nhất diễn ra cận kề chuyến thăm Mỹ của ông Modi có lẽ chưa từng có tiền lệ.

Bhutan kẹt giữa tranh chấp

Wang Dehua, giám đốc Viện nghiên cứu Nam và Trung Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết biên giới Sikkim giữa Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng ngoại giao và quân sự trong quan hệ song phương.

Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chưa dứt khoát chấp nhận Sikkim, nơi nước này thống trị trong nhiều thế kỷ, là một phần của Ấn Độ.

Bien gioi Trung - An lai cang thang vi vung dat tren day Himalaya hinh anh 2

Quân đội Trung Quốc giơ biểu ngữ có nội dung: "Bạn đã vượt qua biên giới, xin vui lòng quay lại", ở Ladakh, Ấn Độ. Ảnh: AP.

Năm 2003, Bắc Kinh đã ngầm thừa nhận thực tế Sikkim đã gia nhập Ấn Độ với cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1975. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố Sikkim không còn là vấn đề trong quan hệ hai nước.

Khu vực Sikkim có biên giới khoảng 200 km với Tây Tạng chỉ là một phần nhỏ trong hơn 4.000 km biên giới Trung - Ấn mà phần lớn đã được giải quyết ổn thỏa.

Bhutan, vương quốc nhỏ bé nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở cuối phía đông dãy Himalaya, đã bị kéo vào vụ tranh chấp của 2 nước láng giềng vì dải đất hẹp nhưng có tầm quan trọng chiến lược.

Trong khi Bắc Kinh khẳng định khu vực Donglang là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan và cáo buộc Ấn Độ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bhutan, Ấn Độ lại cáo buộc Trung Quốc vượt qua ranh giới và dùng xe ủi đất phá hủy 2 boong ke của nước này.

Hôm 28/6, Bhutan cho biết đã đưa ra tuyên bố chính thức phản đối sự xâm phạm của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “ngừng đơn phương thay đổi hiện trạng đất liền” bằng việc xây dựng con đường mới trong khu vực tranh chấp.

Theo các học giả Ấn Độ, thung lũng Chumbi ở khu vực Donglang, nằm ở quận Yadong của Tây Tạng, là lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Nó có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ vì có thể được sử dụng để cắt đứt việc tiếp cận của Delhi tới các bang phía đông bắc Ấn Độ.

Hôm 29/6, quân đội Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Bhutan về việc xâm phạm lãnh thổ, tuyên bố quân đội của họ hoạt động trên “lãnh thổ Trung Quốc” và yêu cầu Ấn Độ “sửa chữa việc làm sai trái”.

Theo Jagannath Panda, người đứng đầu Trung tâm Đông Á của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng tại New Delhi, Bhutan là trung tâm của các lợi ích an ninh của Ấn Độ trong tiểu vùng Himalaya, trong đó không thể bỏ qua tam giác chiến lược "ba bên" Bhutan - Ấn Độ - Trung Quốc ở khu vực phía đông Himalaya.

Bien gioi Trung - An lai cang thang vi vung dat tren day Himalaya hinh anh 3

Quân đội Ấn Độ tuần tra tại quận Shopian của Kashmir vào tháng 5 ở khu vực tranh chấp phía nam Himalaya. 

 "Các cuộc đàm phán biên giới song phương của Bhutan với Trung Quốc có liên quan đến các lợi ích quốc gia của Ấn Độ ở vùng Đông Himalaya. Do đó, họ kỳ vọng Bhutan sẽ tham vấn Ấn Độ về vấn đề này”, ông giải thích.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, Bhutan phải bắt đầu suy nghĩ và đưa ra các quyết định độc lập và đừng quá bận tâm tới quan điểm của Ấn Độ về vấn đề này.

Nhắc lại lịch sử đau thương

Gần đây, trong một cuộc kiểm tra biên giới tranh chấp Sikkim, lãnh đạo quân đội Ấn Độ Bipin Rawat nói nước này đã sẵn sàng cho cuộc chiến với Trung Quốc, Pakistan và cùng lúc giải quyết các mối đe dọa an ninh nội bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng các cuộc đối đầu đang diễn ra không có khả năng leo thang thành xung đột quân sự.

Theo Sun Shihai, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang xấu đi trong những năm gần đây khi cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra. Tuy nhiên, hai nước vẫn sẽ cố gắng hết sức để vấn đề biên giới không hủy hoại hoàn toàn quan hệ song phương.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã gọi những nhận xét của ông Rawat là "rất vô trách nhiệm", yêu cầu Ấn Độ "ngừng kêu gọi chiến tranh" và tìm hiểu "những bài học lịch sử", ý nói đến thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1962.

Bien gioi Trung - An lai cang thang vi vung dat tren day Himalaya hinh anh 4

Quân đội Ấn Độ tuần tra ở biên giới với Pakistan. Nhiều quốc gia như Bhutan và Pakistan bị vướng vào cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: Xinhua.

Theo một số chuyên gia, cuộc chiến biên giới năm 1962 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của nhiều người Ấn Độ. "Ấn Độ vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của cuộc chiến năm 1962", Wang Dehua, nói.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Rajagopalan gọi thất bại nghiệt ngã của Ấn Độ cách đây 5 thập kỷ là "kinh nghiệm đau thương cho Ấn Độ". “Cuộc chiến năm 1962 rõ ràng đã có ảnh hưởng tới tư duy của người Ấn Độ và đến giờ vẫn vậy."

Mặc dù vậy, các nhà quan sát cho rằng không có giải pháp nhanh chóng nào cho tranh chấp biên giới kéo dài giữa 2 nước lớn ở châu Á vì hai bên tỏ ra có rất ít động lực để chấp nhận khác biệt và mối quan tâm của nhau.

“Chừng nào chưa có sự rạch ròi về Đường Kiểm soát Thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc, các vụ xâm phạm biên giới sẽ còn tiếp diễn trong tương lai”, Rajagopalan nhận định.

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)