Thế giới

Đáp lời Mỹ, Trung Quốc tuyên bố ''bắt sống'' F-22

Ngay sau khi Mỹ triển khai phi đội 4 chiếc F-22 đến Hàn Quốc, Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện 4 máy bay lạ bay tuần tra tại Hoa Đông.

Ngay sau khi Mỹ triển khai phi đội 4 chiếc F-22 đến Hàn Quốc, Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện 4 máy bay lạ bay tuần tra tại Hoa Đông.

Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng khiến máy bay tàng hình F-22 của Mỹ lộ diện một khi chúng đe dọa đến an ninh nước này.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi lực lượng vũ trang Trung Quốc công khai bản báo cáo cho biết nước này đã phát hiện 4 chiếc máy bay lạ bay qua khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) nước này tự lập ra trên biển Hoa Đông.

Dù công khai việc phát hiện này nhưng đến nay, Quân đội Trung Quốc vẫn chưa chịu tiết lộ về chủng loại và những máy bay này thuộc lực lượng nào. Mặc dù vậy, truyền thông Trung Quốc và cả phương Tây đang đồn đoán mục tiêu bay lạ mà Quân đội Trung Quốc muốn đề cập tới là chiếc tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

Điều này cũng được một số nguồn tin quân sự giấu tên của Trung Quốc xác nhận khi những chiếc F-22 này đi vào vùng ADIZ Trung Quốc tự mặc định. Và nếu đây là sự thật thì Trung Quốc vừa có bước tiến lớn trong việc tìm cách đánh bại phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ.

Yin Zhuo – Chuẩn Đô đốc của Hải quân Trung Quốc cũng là một chuyên gia phân tích quân sự cho biết, những chiếc F-22 của Mỹ không hẳn hoàn toàn có thể biến mất trước các hệ thống radar giám sát của Trung Quốc.

Hệ thống radar chống tàng hình JY-26.


Nếu thông tin Trung Quốc phát hiện máy bay tàng hình F-22 là sự thật thì điều này cũng đồng nghĩa với bước phát triển vượt bậc về công nghệ radar chống tàng hình của nước này. Và đây không phải là điều gì quá bất ngờ bởi trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sở hữu những hệ thống radar có thể khiến máy bay tàng hình lộ diện.

Theo Want China Times, lực lượng phòng không Trung Quốc hiện đang sở hữu những hệ thống radar chủ động JY-26 có thể giám sát 'nhất cử nhất động' của F-22 tại Hàn Quốc.

Loại radar mảng pha mới JY-26 do Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (còn được gọi là Viện thứ 14) kết hợp với Tập đoàn radar quân sự Nam Kinh phát triển.

Theo Viện thứ 14 cho biết, radar JY-26 dùng để đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới và dẫn đường đối không tầm xa. Khoảng cách tìm kiếm của JY-26 đạt 500km, có vai trò tiến hành cảnh giới và dẫn đường trên không giống như máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của nước này.

Loại radar này có thể tiến hành chỉ thị mục tiêu cho phía sau hoặc làm nhiệm vụ theo dõi chính xác. JY-26 là một loại radar phối hợp băng tần ngắn VHF UHF, sử dụng hệ thống an ten mạng chủ động kỹ thuật số 2D hiện đại, khoảng cách tác dụng của radar xa, độ chính xác đo lường cao, khả năng chống gây nhiễu và tính cơ động mạnh.

Theo chuyên gia của Viện thứ 14 thì radar cảnh giới đối không JY-26 có 3 ưu điểm: thứ nhất là tốc độ truyền dữ liệu cao; thứ 2 là tốc độ nhanh; thứ 3 cũng là một điểm rất quan trọng, đó là mô thức làm việc giữa 2 may tính linh hoạt, chùm sóng radar có thể thay đổi phương hướng theo bất kỳ yêu cầu nào.

Một quan chức quân đội Trung Quốc cho biết, radar JY-26 từng đã phát hiện được máy bay F-22 của Mỹ và thực hiện việc giám sát. Khi đó radar này được triển khai tại Sơn Đông, toàn bộ quá trình bay của máy bay F-22 tại Hàn Quốc đều nằm trong phạm vi giám sát của radar này.

Ngoài JY-26, hệ thống radar DWL002 cũng được Bắc Kinh khẳng định rằng đủ năng lực để giám sát những máy bay tàng hình hiện đại nhất của Mỹ hiện nay.

Thông tin này cũng được Tạp chí Defense News (Mỹ) dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, việc Trung Quốc thử nghiệm thành công radar chống tàng hình DWL002 thì những máy bay tiên tiến như máy bay F-22 Raptor của Mỹ hay UAV Neuron trở thành “lỗi thời”.

Phi đội F-22 trên bầu trời Hàn Quốc.


F-22 đủ sức khắc chế HQ-9 trên Biển Đông

Trong khi F-22 "bị lép vế" trước hệ thống radar chống tàng hình của Trung Quốc thì truyền thông Mỹ cho rằng, việc khắc chế những bệ phóng tên lửa đất đối không Bắc Kinh triển khai phi pháp trên đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam) chỉ là "chuyện nhỏ" với tiêm kích F-22.

Nhận định này được tạp chí National Interest dẫn phân tích của chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho biết, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor là vũ khí hiệu quả nhất để chống lại HQ-9.

Bởi người Mỹ đã hiểu khá rõ về HQ-9 là “đứa con lai” giữa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ. Tên lửa này có thiết kế tương tự S-300 của Nga trong khi cơ chế dẫn đường sao chép từ Patriot của Mỹ.

Tổ hợp này đủ mạnh để thiết lập một vùng cấm bay đối với các chiến đấu cơ thông thường. Nhưng với tiêm kích tàng hình F-22 sẽ tạo nên khác biệt. Ban đầu, Raptor được chế tạo cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không chuyên dụng. Nhưng tiêm kích này đã chứng minh nó là một thiết kế linh hoạt.

Gần đây, F-22 đã chứng minh khả năng trinh sát, tấn công mặt đất chính xác thậm chí là chỉ huy trên không trong các nhiệm vụ ở Iraq và Syria. Raptor được trang bị radar quét mạng pha điện tử tối tân với khả năng mở khẩu độ tổng hợp.

Radar AN/APG-77 có thể phát hiện chính xác vị trí triển khai tên lửa phòng không và đột kích chúng nhờ vào tính năng tàng hình ưu việt và tốc độ cao. F-22 có thể bay với tốc độ Mach 1.8 (2.200 km/h) mà không cần sử dụng buồng đốt 2 lần.

Điểm đặc biệt của F-22 là mức độ phản xạ radar của chúng chỉ bằng một mẫu kim loại nhỏ. Điều đó cho phép F-22 tiếp cận đủ gần khu vực bố trí HQ-9 để tấn công với bom hàng không đường kính nhỏ SBD hoặc bom thông minh JDAM.

Bom hàng không đường kính nhỏ SBD là một loại bom lượn thông minh dẫn đường bằng GPS. SBD có hai phiên bản GBU-39 (SBD I) và GBU-53 (SBD II). Trong đó, GBU-39 có phạm vi hoạt động tới 110 km, sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp quán tính và GPS với bán kính lệch mục tiêu chỉ 5-8 m. Trong khi đó, dù có phạm vi hoạt động nhỏ hơn nhưng GBU-53 có chính xác tấn công mục tiêu cao hơn hẳn GBU-39.

Với thực lực của F-22, Majumdar cho rằng, việc Trung Quốc triển khai (phi pháp) HQ-9 ở đảo Phú Lâm (của Việt Nam) chỉ có thể “dọa” các nước láng giềng trong khu vực. Nhưng nếu Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, Không quân Mỹ có thể dễ dàng khiến HQ-9 vô dụng.

Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)