Thế giới

Guam "bình chân như vại" dù bị Triều Tiên dọa tấn công

Du khách vẫn nườm nượp, quán bar vẫn mở muộn và người dân vẫn duy trì nhịp sống như thường lệ sau khi Triều Tiên dọa tấn công Guam.

Du khách vẫn nườm nượp, quán bar vẫn mở muộn và người dân vẫn duy trì nhịp sống như thường lệ sau khi Triều Tiên dọa tấn công Guam.

Trẻ em nghịch cát trên bãi biển ở Tumon, Guam hôm 10/8. Ảnh: CNN.

Vào ngày 9/8, Bình Nhưỡng tuyên bố "đang xem xét kế hoạch tấn công" đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, nhằm đáp trả lời đe dọa trút lửa giận của Tổng thống Trump. Dù đây là thời điểm đánh dấu khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên leo lên một nấc thang mới, cuộc sống trên hòn đảo nằm ở Tây Thái Bình Dương vẫn diễn ra như nó vốn có, CNN đưa tin.

Khách du lịch, chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, vẫn nườm nượp đáp xuống sân bay quốc tế Antonio B.Won Pat. Hiện đang là mùa cao điểm du lịch nên từ các khách sạn bình dân đến khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo hầu như đều đã kín phòng. 

"Chào mừng quý khách đến Vùng đất số không", nhân viên hải quan tại sân bay bông đùa. Ground Zero hay Vùng đất số không là vùng đất hứng chịu sức tàn phá khốc liệt của bom nguyên tử. 

Rõ ràng, tất cả mọi người dân Guam đều đã nghe về kế hoạch tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đe dọa đến giữa tháng 8 sẽ hoàn thành kế hoạch phóng 4 quả tên lửa tầm trung xuống vùng bờ biển cách Guam khoảng 30 - 40 km.

"Tôi không nói là chúng tôi không nên lo lắng... nhưng trên thực tế, Guam sở hữu một khối lượng lớn vũ khí, thế nên, tất cả những gì tôi có thể làm là cầu nguyện và tin rằng mọi việc sẽ ổn cả thôi", Tayana Pangelinan, một người dân trên đảo, cho biết.

"Dân Guam không hoảng sợ. Không phải tôi chủ quan hay đánh giá thấp tình hình", thống đốc Eddie Calvo nhấn mạnh, "Tôi hiểu tính chất nghiêm trọng của những lời đe dọa nhưng không muốn người dân lo lắng thái quá và càng không muốn vội vàng kết luận". Ông Calvo cho biết Bình Nhưỡng từng đe dọa tấn công đảo Guam, lần gần đây nhất là năm 2013, khi đó lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề cập tới việc đặt căn cứ hải quân Apra và căn cứ không quân Andersen vào tầm ngắm.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn

guam-binh-chan-nhu-vai-du-bi-trieu-tien-doa-tan-cong-1

Dân địa phương và binh lính Mỹ ngồi uống tại quán Mosa's Joint trên đảo Guam vào tối 10/8. Ảnh: NPR.

Cuối giờ chiều ngày 10/8, tại quán Mosa's Joint, nằm trong khu trung tâm, chỉ với vài đô la, khách hàng được uống bia rượu thỏa thích tới tận 8h tối. Trong phút chốc, quán đã chật ních khách du lịch, dân địa phương, và binh lính đồn trú trên đảo.

Chủ quán Monique Genereux chỉ vào đám đông đang vui vẻ trò chuyện trong hơi men và nói rằng không khí này phản ánh cảm nghĩ của hầu hết người dân Guam vào lúc này.

"(Lời đe dọa của Triều Tiên) đương nhiên là một vấn đề nghiêm trọng và còn đáng sợ nữa. Nhưng anh biết đấy, chuyện gì xảy ra thì sẽ xảy ra thôi", cô Genereux cho biết người dân hoàn toàn không hoang mang.

"Có một đôi yêu nhau vừa nói với tôi là nếu vụ tấn công xảy ra và họ chỉ có 10 phút để chạy trốn, họ sẽ dành 10 phút đó xuống quán của tôi và uống vài ly với mọi người".

Gary Hartz, một khách hàng thường xuyên tới quán, nhận xét rằng mỗi người dân địa phương có cách nghĩ khác nhau trước tình hình hiện nay.

"Có người nghĩ kiểu 'Chúng tôi chỉ muốn hòa bình, muốn cuộc sống trên hòn đảo này tiếp tục diễn ra nhẹ nhàng như nó vốn có'. Một số người khác chỉ cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì Triều Tiên lại đe dọa. Mà những vụ đe dọa kiểu này đã xảy ra nhiều lần rồi. Số khác lại cho rằng Tổng thống (Trump) đang phóng đại mọi việc", ông Hartz, hiện là hiệu trưởng một trường đại học cộng đồng trên đảo, nói.

Về phần người đàn ông này, có vẻ như lời đe dọa mới đây nghiêm trọng nhất kể từ trước tới nay. Không giống như các lần trước, lần này, Bình Nhưỡng vạch ra kế hoạch và thời điểm tấn công rõ ràng. Theo thông báo bằng tiếng Anh, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết đến khoảng giữa tháng này họ sẽ hoàn thành kế hoạch tấn công, theo đó Bình Nhưỡng sẽ phóng 4 quả tên lửa, qua không phận ba tỉnh của Nhật Bản, đáp xuống vùng biển cách Guam khoảng 30 - 40 km trong thời gian 17 phút 14 giây.

"Ngoài ra, tôi thấy Tổng thống của chúng ta hiện nay xẵng giọng hơn các tổng thống thời trước", Hartz lý giải căng thẳng ngày một leo thang.

Đặt niềm tin vào sức mạnh quân sự

Nhiều người dân địa phương tin rằng quân đội Mỹ đủ khả năng bảo vệ đảo Guam trước kẻ thù. 

Với 1/4 diện tích đảo thuộc sở hữu của quân đội Mỹ, Guam là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng. Khoảng 10% dân số 160.000 người trên đảo Guam thuộc quân số của quân đội. Hiện nay có hơn 6.000 binh sĩ Mỹ đóng quân trên đảo.

Ngoài căn cứ không quân Andersen, căn cứ hải quân trên đảo là bến đỗ của tàu ngầm hạt nhân và nơi đồn trú của lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ.

Năm 2013, chính phủ Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên đảo. Hệ thống này được đặc biệt thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo.

"Nếu muốn gây sự với Guam, Triều Tiên sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến không khoan nhượng", cư dân địa phương Andrea Salas tỏ ra tự tin.

Trong một động thái trấn an người dân, Thống đốc Calvo cho biết THAAD là lớp phòng vệ cuối cùng. Trước đó, còn nhiều lá chắn khác bảo vệ Guam. Ông Calvo ám chỉ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng vệ của Guam cũng rất mạnh mẽ. 

"Còn có một hệ thống THAAD đang ở Hàn Quốc. Giữa Triều Tiên và Guam là nhiều lớp phòng thủ ở nhiều cấp độ khác nhau", ông Calvo nói.

Đảo Guam, với dân số gần 163.000 người tính đến năm 2016, đã trải qua không biết bao cuộc chiến trong lịch sử.

"Nhật Bản chiếm đóng, Tây Ban Nha cai trị. Người Mỹ đến đây vì thèm muốn hòn đảo này... Về mặt chiến lược, vị trí địa lý của (Guam) hoàn hảo", chủ quán Mosa's Joint, cô Genereux nói. 

"Và (cũng vì thế) chúng tôi trở thành bia đỡ đạn". 

nhat-ban-the-chan-ten-lua-trieu-tien-bao-ve-guam-1

Kế hoạch tấn công Guam của Triều Tiên. Đồ họa: Việt Chung.

Theo An Hồng (VnExpress.net)