Đâu là mấu chốt giúp "Không thành kế" của Gia Cát Lượng thành công?
Thời Tam Quốc (giai đoạn 220–280) là một trong những thời kỳ loạn lạc nhất trong lịch sử Trung Quốc nhưng cũng là thời đại mà các kỳ tài quân sự, mưu lược xuất hiện, điển hình bậc nhất là Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý.
Trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", có thể xem chuỗi đối đầu giữa 2 bậc kỳ tài này là những trường đoạn hay bậc nhất, trong đó phải kể đến "Không thành kế".
"Không thành kế" được dựng lên để ngăn chặn bước tiến của quân Ngụy để quân Thục rút lui an toàn, và kết quả là Tư Mã Ý đã "trúng kế" của Gia Cát Lượng - không dám tiến vào thành và rút quân.
"Không thành kế" thành công: Không phải chỉ nhờ tiếng đàn của Gia Cát Lượng?
Nếu như tướng dũng đánh dựa vào thực lực cá nhân, thắng bại chỉ có thể phân định qua vài hiệp - thì tướng chiến lược đánh theo tâm lý đối phương, thắng được tâm lý đối phương thì có thể chắc chắn thắng lợi.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, vào năm 228, trong Chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất của mình, Gia Cát Lượng thống lĩnh 10 vạn đại quân ra Kỳ Sơn trấn giữ Nhai Đình - huyết mạch vận lương của nhà Thục, từ đó đánh chiếm Lũng Hữu. Tào Tháo thấy vậy phái Tư Mã Ý cầm đầu vạn binh đối địch.
Mã Tốc xung phong trấn thủ Nhai Đình, đánh chặn quân Tư Mã Ý. Do không có kinh nghiệm và không tuân theo kế hoạch của Gia Cát Lượng đã để mất Nhai Đình, đại bại nhanh chóng dưới quân Tư Mã Ý.
Gia Cát Lượng lúc này buộc phải dẫn quân binh về Thục Hán. Khi đến Tây Thành để vận chuyển nốt quân lương, Gia Cát Lượng chỉ còn chưa đến 3000 binh lính và quan văn - phần lớn đều là người già, sức yếu, bệnh tật. Tây Thành lúc này không có một vị tướng mạnh nào bên cạnh Gia Cát Lượng.
Khi nghe tin Tư Mã Ý thừa thắng xông lên, thống lĩnh 15 vạn đại quân sắp đuổi kịp đến Tây Thành, binh lính gần như tuyệt vọng. Trong tình huống này, đánh nhau là chết, bỏ chạy là chết, dù sao cũng chỉ có một con đường chết. May thay, lúc này Gia Cát Lượng đã nghĩ ra một chiêu vô cùng táo bạo.
Ông ra lệnh cất hết cờ xí trong thành, binh lính đợi tại chỗ, không được phép ra ngoài một mình hay gây ồn ào. Sau đó, cho 4 cổng thành mở rộng, cử 20 lính trẻ cải trang thành dân thường đến từng cổng để vẩy nước, quét đường. Trong khi đó Gia Cát Lượng dẫn hai thư đồng lên tháp canh rồi ngồi chơi đàn ở đó.
Khi Tư Mã Ý kéo quân đến nơi, trước mắt là khung cảnh kỳ lạ chưa từng có: Bốn bề tĩnh lặng, yên ắng, chỉ có tiếng đàn thanh thoát, êm dịu của Gia Cát Lượng.
Trong trận chiến tâm lý kinh điển này, Gia Cát Lượng có thể nghĩ tới điều gì, Tư Mã Ý nhất định cũng nghĩ tới điều đó. Bởi, Tư Mã Ý vốn cũng là người thông thao binh pháp, và hiểu Gia Cát Lượng nghĩ gì. Hơn nữa, trong tay ông ta nắm 15 vạn quân binh hùng dũng, nghĩa khí cao ngút sau trận thắng ở Nhai Đình thì hà cớ phải sợ Tây Thành.
Gương mặt thư thái của Gia Cát Lượng khi gảy đàn có thể nói lên rằng, vị Tể tướng nhà Thục Hán đâu còn sợ chuyện sinh tử.
Thêm một điểm mấu chốt khiến Tư Mã Ý kinh ngạc đó là hai thư đồng hai bên Gia Cát Lượng. Khi Gia Cát Lượng chơi đàn, một thư đồng đang quạt, thư đồng còn lại đang thắp trầm hương.
Tư Mã Ý vốn đã thận trọng và nghi ngờ, nhưng nhìn thấy tình huống này càng khiến ông do dự hơn.
Đột nhiên, Tư Mã Ý quyết định lui binh.
Bởi sao? Nếu Gia Cát Lượng đang ngồi nhàn nhã trên tháp gảy đàn, dù Gia Cát Lượng tự tin thật hay giả tạo thì tất cả đều theo lẽ thường, tuy nhiên, ngay cả hai thư đồng đứng cạnh Gia Cát Lượng khi nhìn thấy kẻ thù cũng không thể thay đổi sắc mặt. Điều này thật khó hiểu.
Hai thư đồng ấy chỉ là những đứa trẻ nhỏ, trong lòng không giấu được hỉ, nộ, ái, ố. Nếu trong thành vắng tanh - trước mắt là 15 vạn quân binh hùng dũng, chắc chắn sẽ trông hoảng loạn, sợ hãi lộ trên nét mặt. Nhưng cuối cùng, cả hai chỉ tập trung vào những công việc được giao trước mắt mà không để ý đến đội quân Tư Mã Ý.
Nhưng thực chất, sự điềm tĩnh của hai thư đồng này cũng nằm trong tính toán của Gia Cát Lượng, đồng thời cũng là mấu chốt quyết định thành bại của kế hoạch này.
Gia Cát Lượng biết Tư Mã Ý nhất định sẽ chú ý tới thái độ/biểu hiện của hai cậu bé, nếu thư đồng tỏ ra hoảng sợ - dù chỉ trong khoảnh khắc, Tư Mã Ý sẽ lập tức sai quân xông vào. Vì vậy, trước khi thực hiện "Không thành kế", Gia Cát Lượng đã chuẩn bị tâm lý cho hai thư đồng.
Nhưng cũng có thể lý giải một cách khác. Cả hai chiến lược gia dường như đều hiểu nhau quá rõ. Tư Mã Ý hiểu rằng, nếu tấn công Tây Thành, Gia Cát Lượng sẽ thất thủ. Nhưng khi đó, vai trò của ông với nhà Tào Ngụy sẽ giảm. Còn Gia Cát Lượng, còn Thục Hán thì ông còn được trọng dụng. Và Gia Cát Lượng cũng hiểu rất rõ điều này.
"Không thành kế" nhờ thế là trở thành cuộc chơi của người diễn viên và khán giả. Không đánh thì vẫn có lợi hơn cho đôi bên!
Theo Trang Ly (Đời Sống & Pháp Luật)