Thế giới

Mỹ đang ảo tưởng về sức mạnh "nắm đấm thép" Abrams

Phó tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ cảnh báo xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams không còn là nắm đấm thép số một chiến trường như nhiều người lầm tưởng.

Phó tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ cảnh báo xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams không còn là nắm đấm thép số một chiến trường như nhiều người lầm tưởng.

Sputnik cho biết trong bài phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tuần trước, trung tướng Mike Murray, Phó tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ nói rằng quân đội đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia khác trong lĩnh vực công nghệ xe tăng. Tướng Murray nhấn mạnh Israel, Anh đặc biệt là Nga sắp bắt kịp Mỹ.

“Không thể nói rằng chúng ta có xe tăng số một thế giới trong nhiều năm qua. Tôi nghĩ rằng xe tăng T-90 của Nga có lẽ ngang bằng với xe tăng của Mỹ”, tướng Murray nói với một thượng nghị sĩ. Vị tướng cảnh báo, Nga đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về công nghệ so với Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Đối với siêu tăng T-14 Armata của Nga, vị tướng nói chưa thể đưa ra bình luận vì xe tăng mới chưa được sử dụng rộng rãi. Tướng Murray nhấn mạnh, xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams được đưa vào sử dụng từ những năm 1980 và đang đạt đến giới hạn nâng cấp cuối cùng.

My dang ao tuong ve suc manh 'nam dam thep' Abrams hinh anh 1

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ tiến qua cổng chào "Bàn tay chiến thắng" tại Baghdad, Iraq năm 2003. Ảnh: Không quân Mỹ

Vị tướng cho rằng đã đến lúc Mỹ cần bắt tay phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực mới. “Chúng tôi đã đạt đến giới hạn những gì có thể làm với M1 Abrams”, tướng Murray nói. Vị chỉ huy cấp cao của Lục quân Mỹ tỏ ra lo lắng khi các nhà thiết kế không đưa ra được bất kỳ giải pháp đột phá nào trong công nghệ để có thể sử dụng trong xe tăng thế hệ tiếp theo.

“Điều tôi lo lắng là không có gì cho thấy có một sự đột phá trong công nghệ có thể giúp phát triển xe tăng nhẹ hơn, sẽ là sai lầm lớn nếu chúng tôi phát triển một chiếc xe tăng nặng 75 tấn để tăng khả năng bảo vệ”, tướng Murray than phiền.

“Chúng tôi chủ yếu dựa vào các phương tiện chiến đấu sản xuất từ những năm 1980, với mức ngân sách quốc phòng như hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục dựa vào các vũ khí này cho đến năm 2030 và có thể lâu hơn”, tướng Murray nói.

My dang ao tuong ve suc manh 'nam dam thep' Abrams hinh anh 2

Xe tăng M1 Abrams triển khai hoạt động ở Latvia. Ảnh: Reuters

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams xung trận lần đầu trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991. Abrams nhanh chóng chứng tỏ uy lực “không đối thủ” của nó khi đánh bại hầu hết các xe tăng do Liên Xô sản xuất lúc đó như T-55, T-62 và T-72 mà không chịu tổn thất nào trước hỏa lực đối phương.

Tuy nhiên, trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 2 năm 2003, ưu thế của xe tăng Abrams bắt đầu sụt giảm. Nhà phân tích quân sự độc lập người Nga, Vladimir Tuchkov cho biết khoảng 80 chiếc M1 Abrams bị phá hủy trong số 1.355 chiếc được triển khai.

Trong năm 2006, khoảng 530 xe tăng Abrams, gần một nửa số xe triển khai phải đưa về Mỹ để sửa chữa do hư hỏng trong quá trình chiến đấu. Ông Tuchkov cho biết thêm rằng khoảng 30-47 xe tăng M1 đã bị phá hủy trong quá trình chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq từ mùa thu năm 2016 đến nay.

Hiện tại, sức mạnh tác chiến của Lục quân Mỹ dựa vào hệ thống được gọi là Big 5, gồm có: xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley, trực thăng tấn công AH-64D Apache, trực thăng vận tải đa năng Black Hawk và tên lửa phòng không Patriot. Tất cả những vũ khí này đều là sản phẩm được chế tạo từ những năm 1980.

Theo Quốc Việt (Tri Thức Trực Tuyến)