Thế giới
05/07/2025 09:04Nga hạ thủy tàu nghiên cứu khiến giới quốc phòng phương Tây ‘đứng ngồi không yên’

Chuyên trang quân sự armyrecognition.con ngày 4/7 dẫn thông tin từ Korabel cho biết Liên bang Nga đã hạ thủy tàu nghiên cứu hải dương học Vice-Admiral Burilichev tại nhà máy đóng tàu Vyborg, một đơn vị thuộc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC). Dù trên danh nghĩa, Vice-Admiral Burilichev được mô tả là tàu nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, nhưng trong mắt giới quốc phòng phương Tây, Vice-Admiral Burilichev bị nhìn nhận như một nền tảng thu thập tình báo tiềm tàng có biên chế ở Tổng cục Nghiên cứu biển sâu (GUGI) - tổ chức quân sự chuyên biệt thực hiện các hoạt động trinh sát dưới nước và tác chiến đáy biển thuộc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Lễ hạ thủy Vice-Admiral Burilichev diễn ra vào cuối tháng 6/2025, nhưng không có sự bất cứ thông tin nào được công bố công khai, càng làm dấy lên những đồn đoán về nhiệm vụ thực sự của con tàu trên danh nghĩa dùng để nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ này.
Tàu Vice-Admiral Burilichev được đặt ky từ ngày 6/2/2021, có chiều dài 108,1 mét, rộng 17,2 mét, lượng giãn nước đầy tải 5.230 tấn, lắp động cơ diesel-điện, phù hợp cho các nhiệm vụ tầm xa. Tàu Vice-Admiral Burilichev được trang bị chân vịt phương vị và hệ thống đẩy mũi để giữ vị trí chính xác khi cho các hoạt động ở đáy biển. Tàu Vice-Admiral Burilichev còn có bãi đáp trực thăng và các thiết bị hỗ trợ vận hành tàu lặn sâu.
Vice-Admiral Burilichev dự kiến mang theo các tàu lặn có người lái loại Rus (Dự án 16810) và Consul (Dự án 16811), có khả năng lặn sâu tới 6.000 và 6.270 mét, được trang bị hệ thống video và thiết bị thao tác, dùng để khảo sát đáy biển, can thiệp kỹ thuật và trục vớt vật thể nặng tới 200 kg. Ngoài ra, tàu còn mang theo các phương tiện điều khiển từ xa (ROV) và hệ thống sonar để khảo sát thủy văn và địa chất.
Là tàu thuộc Dự án 22011, Vice-Admiral Burilichev sẽ được biên chế cho Hạm đội Baltic, giúp nó tiếp cận gần nhiều tuyến cáp ngầm quan trọng của NATO, nơi mà các năng lực tình báo của tàu, bao gồm cảm biến đáy biển và tàu lặn sâu – có thể được sử dụng để lập bản đồ, theo dõi và thậm chí can thiệp vào hạ tầng thông tin liên lục địa.
Dự án 22011 tiếp nối Dự án 22010, cả hai đều do Cục Thiết kế Hải quân trung ương Almaz tại St. Petersburg thiết kế cho GUGI. Tàu đầu tiên của Dự án 22010, Yantar, được đặt ky năm 2010, hạ thủy tháng 12/2012 và bàn giao cho Hải quân Liên bang Nga vào tháng 5/2015. Tàu thứ hai, Almaz, đặt ky năm 2016, hạ thủy năm 2019 nhưng bị đình chỉ hoàn thiện từ 2020.
Các trì hoãn trong việc đóng mới Almaz và Vice-Admiral Burilichev một phần do sự giảm ưu tiên cho chương trình GUGI sau khi Phó đô đốc Burilichev qua đời năm 2020 và chiến tranh Ukraine bùng nổ. Ngoài ra, Liên bang Nga gặp khó khăn trong việc thay thế các linh kiện và công nghệ cao nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc tích hợp các hệ thống tàu lặn chuyên dụng và mô-đun hỗ trợ dưới biển sâu.
Theo tuyên bố chính thức từ Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, các tàu nghiên cứu do GUGI vận hành nhằm mục đích nghiên cứu đại dương toàn cầu, thăm dò địa chất biển sâu, lập bản đồ đáy biển và trục vớt vật thể chìm. Chúng cũng được trang bị cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng NATO và phương Tây đánh giá các tàu này là thành phần của lực lượng giám sát đáy biển chuyên biệt, chuyên thu thập thông tin tình báo, lập bản đồ tuyến cáp ngầm và tiến hành chiến tranh dưới đáy biển.
Thiết kế của chúng, bao gồm khoang chứa lớn bên hông, tàu lặn sâu, ROV và các mảng sonar kéo, cho thấy khả năng thực hiện các nhiệm vụ vượt xa phạm vi khoa học. Những tàu này thường xuyên xuất hiện gần hạ tầng ngầm của NATO, làm dấy lên lo ngại về hoạt động tình báo, can thiệp cáp ngầm và lập bản đồ các mạng lưới thông tin quân sự, dù chưa có sự cố cụ thể nào được xác nhận.
Yantar, tàu đầu tiên của Dự án 22010, từ lâu đã bị các cơ quan tình báo phương Tây giám sát chặt chẽ. Yantar từng tham gia nhiều nhiệm vụ nổi bật như tìm kiếm tàu ngầm Argentina ARA San Juan mất tích năm 2017, trục vớt máy bay quân sự Liên bang Nga rơi ngoài khơi Syria năm 2016, và nhiều hoạt động gần các tuyến cáp quang dưới biển nối châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ. Yantar mang theo tàu lặn Rus và Consul, triển khai từ hangar bên mạn phải, cùng nhiều ROV được thả từ khung A phía đuôi tàu. Các hoạt động của Yantar thường ghi nhận những hành trình song song ở tốc độ dưới 1 hải lý/giờ, xen kẽ các giai đoạn đứng yên kéo dài – dấu hiệu cho thấy tàu đang triển khai phương tiện dưới nước. Nhiều lần, hệ thống nhận dạng AIS của tàu bị tắt, gây khó khăn trong việc theo dõi khi thực hiện nhiệm vụ nhạy cảm.
Năm 2015, Yantar xuất hiện gần căn cứ hải quân Kings Bay ở Georgia, nơi đặt các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ, và năm 2016 gần bờ biển Syria, sát các tuyến cáp ngầm. Các nhà phân tích kết luận hành vi của tàu cho thấy hoạt động do thám các hệ thống thông tin dưới biển, được củng cố bởi báo chí Liên bang Nga từng tuyên bố tàu có khả năng kết nối với các cáp bảo mật để thu thập thông tin tình báo. Yantar cũng từng trục vớt các linh kiện từ máy bay quân sự rơi, bao gồm radar và thiết bị nhận dạng. Một số nguồn phương Tây liên kết con tàu với các hoạt động gần tuyến cáp Turcyos-2 và UGARIT giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Cyprus, cũng như các mạng lưới dưới biển ở Caribbean, Vịnh Ba Tư và Biển Na Uy, bao gồm cả khu vực xác tàu ngầm hạt nhân K-278 Komsomolets.
Từ thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và sau này là Liên bang Nga đã duy trì việc triển khai các tàu nghiên cứu hoặc dân sự được trang bị hệ thống thu thập tình báo, tạo tiền lệ rõ ràng cho các tàu hiện đại như Yantar và Vice-Admiral Burilichev. Từ cuối thập niên 1950, Hải quân Liên Xô cải hoán hàng chục tàu đánh cá thành tàu AGI (hỗ trợ thông tin), với khoảng 60 tàu tuần tra quanh các căn cứ hải quân và bãi thử tên lửa phương Tây. Các AGI hoạt động ngoài khơi Bờ Đông nước Mỹ, gần các căn cứ tàu ngầm và trường bắn, thu thập tín hiệu sonar, radar và tình báo điện tử.
Tương tự, các tàu lớp Balzam (Dự án 1826) thập niên 1980 được đóng mới chuyên biệt cho nhiệm vụ tình báo tín hiệu (SIGINT), mang các mảng cảm biến lớn và radar tình báo điện tử (ELINT). Tàu tình báo nguyên tử SS-V-33 “Ural” cũng đi vào hoạt động cuối thời Liên Xô, thực hiện trinh sát đại dương với năng lực tác chiến điện tử mạnh mẽ. Các chương trình này tiếp tục duy trì sau Liên Xô với lớp Vishnya (Dự án 864), thực hiện các nhiệm vụ tình báo dài ngày dưới vỏ bọc nghiên cứu hải dương học.
Về chính thức, các tàu như Yantar và Vice-Admiral Burilichev phục vụ năng lực nhận thức không gian biển của Liên bang Nga, nghiên cứu đại dương và khả năng trục vớt dưới biển sâu. Vai trò công khai của chúng hỗ trợ lập kế hoạch cứu hộ tàu ngầm, khảo sát địa chất và lập bản đồ biển sâu. Tuy nhiên, dựa trên thông số kỹ thuật, lịch sử triển khai và mô hình hoạt động, các chuyên gia phương Tây vẫn xếp chúng vào nhóm nền tảng đa nhiệm, có khả năng hỗ trợ chiến tranh đáy biển, thu thập tình báo và giám sát hạ tầng NATO. Các năng lực này cho phép Hải quân Liên bang Nga hoạt động sâu dưới đáy biển ở cấp chiến lược, không chỉ cho nghiên cứu hay cứu hộ, mà còn để theo dõi, lập bản đồ và thậm chí phá hoại các hệ thống thông tin toàn cầu dưới biển. Việc hạ thủy Vice-Admiral Burilichev mở rộng kiến trúc hoạt động này, dù các hạn chế về công nghệ và phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu vẫn là thách thức chưa giải quyết được.
Tin cùng chuyên mục








-
Nhận định bóng đá Real Madrid vs Dortmund: Tranh vé bán kết (05/07)
-
Thuý Ngân - Võ Cảnh "toang" giữa lúc đóng phim chung, đạo diễn lên tiếng bức xúc? (05/07)
-
Điều Ước Cuối Cùng - Avin Lu & Hoàng Hà lột xác tạo nên cặp bài trùng mới của điện ảnh Việt (05/07)
-
Tổng thống Pháp hé lộ nội dung cuộc điện đàm đầu tiên sau 3 năm với ông Putin (05/07)
-
Bị bạn gái lừa sang nước ngoài, nam thanh niên nhập viện vì bị chích điện liên tục (05/07)
-
Cô gái bị khởi tố vì không trả lại 100 triệu đồng cho người chuyển khoản nhầm (05/07)
-
Đã xác định danh tính người đàn ông mặc áo đỏ hành hung dã man 2 thiếu niên (05/07)
-
Nhật Bản xảy ra động đất 5,4 độ Richter đầu ngày 5/7: Người dân mất ngủ suốt đêm, nhiều người tính toán rời khỏi đảo (05/07)
-
Vượt ải Palmeiras, Chelsea đoạt vé bán kết FIFA Club World Cup (05/07)
-
Một mặt hàng "ngon bổ rẻ" của Việt Nam được Thái Lan, Hàn Quốc cực kỳ ưa chuộng: Xuất khẩu tăng phi mã kể từ đầu năm, nhu cầu tăng mạnh từ Á đến Âu (05/07)
Bài đọc nhiều




