Thế giới

Nước Anh đứng trước áp lực phải sớm rời khỏi EU

Reuters nhận định, trong thời điểm cả châu Âu cảm thấy sốc vì sự ra đi của nước Anh, gần như một mình một ngựa, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng làm chậm và dịu đi các áp lực buộc London sớm rời khỏi EU.

Reuters nhận định, trong thời điểm cả châu Âu cảm thấy sốc vì sự ra đi của nước Anh, gần như một mình một ngựa, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng làm chậm và dịu đi các áp lực buộc London sớm rời khỏi EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước báo giới ngày 24-6 sau kết quả trưng cầu dân ý ở Anh - Ảnh: DPA

Nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu khẳng định sẽ không hối thúc Thủ tướng Anh David Cameron. Trước đó, Thủ tướng Anh tuyên bố London sẽ không chính thức đàm phán ra khỏi EU cho tới khi nước Anh có thủ tướng mới vào tháng 10 tới.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 25-6, bà Merkel nhấn mạnh: “Thật lòng mà nói thì không nên tốn quá nhiều thời gian cho chuyện này, tuy nhiên tôi sẽ không quyết liệt trong thời gian ngắn.

Các cuộc đàm phán nên diễn ra trong một bầu không khí tốt và thiết thực”.

Thủ tướng Đức cũng tái khẳng định tầm quan trọng và việc duy trì quan hệ đối tác gần gũi với nước Anh, nhất là về kinh tế.

Về phía nước Anh, người đứng đầu chiến dịch vận động Anh rời khỏi EU đã kêu gọi các cuộc đàm phán không chính thức với Brussel trước khi London chính thức thông báo EU quyết định rút khỏi khối này.

Theo quy định của Điều 50, Hiệp ước Lisbon, thời gian tối đa để một nước thành viên chính thức gửi thông báo lên EU về ý định “cuốn áo ra đi” là hai năm. Tuy nhiên, điều này có thể khiến lãnh đạo EU mất kiên nhẫn.

Bất chấp tín hiệu ôn hòa từ Thủ tướng Merkel, Ngoại trưởng Đức, ông Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh ý nghĩa cấp bách phải nhanh chóng đàm phán quá trình ra đi của London.

“Tiến trình này cần được tiến hành càng sớm càng tốt để chúng ta không phải ở trong tình trạng lấp lửng và tập trung hơn vào tương lai của châu Âu”

Cùng quan điểm trên, người đồng cấp Pháp, ông Jean-Marc Ayrault đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc trì hoãn, rằng chủ nghĩa dân túy sẽ tiếp tục trỗi dậy và lan rộng.

Trong một diễn biến khác có liên quan cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk đã chỉ định một nhà ngoại giao Bỉ làm người đàm phán với Anh về tiến trình ra đi của nước này.

Trước đó, ông Tusk cũng thừa nhận, các luật sư của EU đang nghiên cứu làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định những gì?

Theo Hiệp ước Lisbon được các nước EU ký vào năm 2008, “một quốc gia thành viên quyết định rút khỏi khối sẽ phải thông báo đến Hội đồng châu Âu về ý định của mình. Trong khuôn khổ của những hướng dẫn được cung cấp bởi Hội đồng châu Âu, Liên minh sẽ tiến hành đàm phán và ký kết một thỏa thuận với quốc gia thành viên, đặt ra các sắp xếp cho tiến trình thoái lui của quốc gia đó, đồng thời tính đến các khuôn khổ cho mối quan hệ tương lai giữa nước này với Liên minh”.

Điều 50 cũng quy định, trong trường hợp một quốc gia đã rút khỏi EU nhưng muốn quay lại thì tiến trình tái gia nhập sẽ được áp dụng như thủ tục một quốc gia mới hoàn toàn xin gia nhập khối.

Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)