Thế giới

Thông điệp đằng sau họp quốc hội Trung Quốc

Kỳ họp quốc hội cho giới lãnh đạo Trung Quốc cơ hội thể hiện rằng họ có thể chịu hệ quả về kinh tế bởi Covid-19 nhưng vẫn vững vàng về mặt chính trị.

Trung Quốc nỗ lực viết lại câu chuyện về Covid-19 Đội ngoại giao 'chiến lang' Trung Quốc tăng tốc Covid-19 có thể khơi mào 'Chiến tranh Lạnh' Mỹ - Trung Chuyên gia: Cần điều tra quốc tế về nguồn gốc nCoV

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, bắt đầu họp từ 22/5. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh hôm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết thay vì đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như những năm trước, Trung Quốc sẽ ưu tiên ổn định việc làm và đảm bảo mức sống sau đại dịch Covid-19. 

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không đặt mục tiêu GDP kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố những mục tiêu như vậy năm 1990. Kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm 6,8% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu quân sự năm nay sẽ tăng 6,6%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Ông Lý cho biết chính phủ cũng sẽ "thiết lập và cải thiện các hệ thống và cơ chế pháp lý để bảo vệ an ninh" tại Hong Kong. Quốc hội Trung Quốc dự kiến thông qua dự thảo luật an ninh Hong Kong, trong đó cấm toàn bộ hoạt động ly khai, lật đổ, hành vi can thiệp của nước ngoài trong các vấn đề Hong Kong và hoạt động khủng bố ở thành phố này. 

Thông điệp đằng sau họp quốc hội Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại phiên họp quốc hội ngày 22/5. Ảnh: Reuters.

Hai động thái chính sách quan trọng nói trên chứng tỏ rằng ngay cả khi Trung Quốc thừa nhận họ đang hứng chịu hệ quả từ đại dịch, chính phủ quyết tâm cho thấy khủng hoảng sẽ không khiến họ phải chùn bước về mặt chính trị.

Việc Hong Kong có luật an ninh sẽ đánh dấu thay đổi đáng kể so với quyết định trước đó của Bắc Kinh về việc cho phép Hội đồng Lập pháp Hong Kong soạn thảo và ban hành luật tại đặc khu. Năm ngoái, Hong Kong đã rung chuyển bởi 7 tháng biểu tình liên tục, có lúc còn bùng phát thành bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.

Thông tin về dự luật đã nhanh chóng bị các nhà lập pháp và các nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong phản đối, gọi đây là "dấu chấm hết cho Hong Kong", với lo ngại luật sẽ gây bất ổn và thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh tại đặc khu.

Ngoài ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn thông báo một loạt biện pháp nhỏ có thể nhằm "lấy lòng" người dân chỉ với chi phí khiêm tốn như cắt giảm 15% phí truy cập Internet băng thông rộng trong năm nay và tăng trợ cấp bảo hiểm y tế cơ bản cho cư dân nông thôn và người không làm việc ở thành thị thêm hơn 4 USD một người.

Kỳ họp quốc hội năm nay vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng ba nhưng bị trì hoãn hai tháng vì Covid-19. Giờ đây, với việc tổ chức sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu trong khi nhiều nước khác còn đang chật vật chống dịch, Bắc Kinh truyền đi thông điệp rất rõ ràng đến quốc tế: không giống như phần lớn thế giới, Trung Quốc đã trở lại bình thường.

Khi khoảng 3.000 đại biểu NPC tụ họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nhiều quốc gia vẫn đang phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt. Ngày 21/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm nCoV toàn cầu cao nhất trong 24 giờ, với gần 2/3 là trường hợp từ Mỹ, Nga, Brazil và Ấn Độ. Hơn 5,1 triệu người nhiễm toàn cầu, gần 335.000 người chết vì nCoV.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, cuộc sống dần trở lại bình thường do dịch đã được kiềm chế từ tháng ba. Họp quốc hội là cơ hội để Bắc Kinh nhắc nhở công dân về chiến thắng đó và thúc đẩy câu chuyện rằng chính quyền đã cứu quốc gia khỏi thảm họa y tế công cộng, gạt bỏ những chỉ trích quốc tế về cách phản ứng của họ trong giai đoạn đầu dịch bùng phát.

Cuối tháng một và tháng hai, giới chức Trung Quốc đối mặt với sự giận dữ của công chúng trong nước vì ngăn cản bác sĩ cảnh báo sớm và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng xoa dịu; sự tức giận của công chúng cuối cùng lắng xuống khi dịch được kiểm soát.

"Giờ hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều nghĩ giới lãnh đạo đã xử lý tốt khủng hoảng", Christian Gobel, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Vienna, nói. "Nếu so sánh tình hình ở Trung Quốc với Mỹ, Anh hay phần còn lại của châu Âu, họ có thể thấy rằng dịch không được xử lý tốt ở những nơi đó".

Đó là sự so sánh mà CCP muốn người dân rút ra. "Tất nhiên, đó là tuyên truyền, nhưng cũng không phải sai sự thật", Gobel nói. Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh thành công chống dịch để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ca ngợi hệ thống chính trị của đất nước là "lợi thế lớn nhất" trong xử lý dịch.

"Đối mặt với sự xuất hiện đột ngột của dịch bệnh, lãnh đạo đảng đã chú ý cao độ và thực hiện một loạt biện pháp quyết đoán để ngăn chặn, kiểm soát dịch và điều trị người nhiễm", ông Tập nói trong cuộc họp hồi đầu tháng này.

"Chúng ta chỉ mất hơn một tháng để ngăn chặn sơ bộ dịch lây lan và khoảng hai tháng để hạn chế số ca lây lan trong cộng đồng hàng ngày xuống còn hai con số. Sau ba tháng, chúng ta đạt được kết quả quyết định trong trận chiến bảo vệ Vũ Hán và Hồ Bắc. Đây không phải là thành tích dễ dàng đối với một quốc gia lớn có dân số 1,4 tỷ người", ông Tập nói thêm.

Thông điệp về thành công và đoàn kết sẽ được khuếch đại trong các phiên họp của NPC, khi sự chỉ trích từ nước ngoài gia tăng. Đấu khẩu giữa Bắc Kinh và Washington về Covid-19 đã khiến mối quan hệ vốn căng thẳng của họ xuống mức thấp mới. Các chính trị gia ở Pháp, Australia và Anh cũng đặt câu hỏi về cách xử lý dịch của Trung Quốc. 

"Đây là dịp để ông Tập khẳng định khá rõ ràng rằng Trung Quốc đã trở lại bình thường", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi tại London, cho biết.

"Họ sẽ nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc không có ông Tập và CCP, Trung Quốc sẽ lâm vào tình trạng giống như Mỹ hoặc Anh...CCP và ông Tập đã lèo lái Trung Quốc vượt qua đại dịch", ông nói thêm.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/thong-diep-dang-sau-hop-quoc-hoi-trung-quoc-4103256.html