Thể thao

Mùa EURO, sợ áo bẩn hơn… khủng bố

Mùa EURO, không quá khi cho rằng, những chiếc áo lộng lẫy nhưng ẩn chứa trong đó là những chất độc hại như chì, niken, organotin, PFC… còn nguy hiểm với con người chẳng kém gì khủng bố.

Tháng 04/2012, chỉ hơn 1 tháng trước khi VCK EURO diễn ra ở Ba Lan và Ukaraine, cả thể giới rúng động vì những quả bom phát nổ ở thành phố Dnipropetrovsk, Ukraine. Thời điểm ấy, EURO nằm trong nỗi hoang mang về nỗi lo khủng bố.

Tuy nhiên, Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC) lại cảnh báo rằng, không phải nạn cướp bóc hay khủng bố, mà những chiếc áo nhiễm độc mới là điều nguy hiểm nhất đối với ngày hội của bóng đá châu Âu. Bởi lẽ, khủng bố có thể được kiểm soát và ngăn chặn bằng lực lượng an ninh tinh nhuệ, nhưng ai bảo vệ cho giới cầu thủ, người hâm mộ và đặc biệt là trẻ em từ nguy cơ nhiễm độc do mặc những trang phục thi đấu của các tuyển quốc gia mùa EURO?

Thời điểm ấy, theo điều tra của những cơ quan trực thuộc BEUC như OCU và DECO, áo đấu của 9 trong tổng số 16 đội bóng bị phát hiện “đầu độc” khi sự dụng những chất như chì, niken vượt quá ngưỡng cho phép. Đặc biệt là organotin, đây là một loại chất rất gây hại cho hệ thần kinh con người.

Những chiếc áo nhiễm độc dĩ nhiên không chỉ có thể gây tổn hại đến sức khỏe của các cầu thủ, mà nghiêm trọng hơn, BEUC quan ngại nó có thể khiến hàng vạn người hâm mộ bị ảnh hưởng. Vì lẽ thường, ở những giải đấu lớn như VCK EURO, số lượng người hâm mộ mua áo đấu của đội bóng yêu thích để cổ vũ tăng đột biến.

… Tới World Cup 2014

Từ trước EURO 2012, vì sức khỏe của cộng đồng, BEUC từng kiến nghị nên cấm bán áo đấu của một số đội tuyển quốc gia vì nhiễm độc. Tuy vậy, hầu hết các hãng sản xuất trang phục thể thao cho các đội bóng cũng là đối tác lớn của FIFA và UEFA nên hai cơ quan quản lý bóng đá này… không có động thái gì. Thậm chí vào thời điểm ấy, ông Gianni Infantino - khi đó đang làm Tổng thư ký UEFA khẳng định: “Nếu những chiếc áo đấu nhiễm độc thì đây là vấn đề của các nhà sản xuất và các đội bóng”.

Còn các hãng tài trợ, cung cấp áo đấu cho các ĐTQG bị tố cáo làm “áo bẩn”? Họ chọn giải pháp… im lặng và vẫn lặng lẽ bán áo đấu cho người hâm mộ.

BEUC cảnh báo người hâm mộ cảnh giác với áo đấu mùa EURO từ năm 2012
 

Trước thềm World Cup 2014, cả thế giới lại quan tâm đến vấn đề an ninh bất ổn ở Brazil, quốc gia có tỷ lệ tội phạm và giết người cao nhất thế giới. Nhưng không mấy ai để ý đến báo cáo “đặc biệt nghiêm trọng” của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace).

Theo điều tra và báo cáo của tổ chức này, hàm lượng các hóa chất độc hại từ trang phục thể thao tại World Cup 2014 còn… khủng khiếp hơn so với kỳ EURO trước đó 2 năm. Cụ thể, các chất độc hại, trong đó có hóa chất perfluorinated (PFC) được tìm thấy ở 33 mặt hàng thể thao mùa World Cup được bán trên ba châu lục. Áo đấu, găng tay thủ môn và giày thi đấu của các hãng cung cấp cho các đội bóng tham dự World Cup 2014 cũng bị phát hiện có PFC. Một sản phẩm của Adidas thậm chí còn bị phát hiện có chứa hàm lượng PFC gấp 14 lần so với quy định.

Từ EURO 2012 cho tới World Cup 2014, ai dám đảm bảo trang phục thi đấu dành cho cầu thủ và đặc biệt người hâm mộ không bị nhiễm độc?

Mùa EURO, không quá khi cho rằng, những chiếc áo lộng lẫy nhưng ẩn chứa trong đó là những chất độc hại như chì, niken, organotin, PFC… còn nguy hiểm với con người chẳng kém gì khủng bố.

Theo Tân Phong (Webthethao.vn)