Xã hội
22/07/2025 20:38Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn diện rộng
Theo các chuyên gia khí tượng, dù không quá mạnh khi cập bờ (cấp 8-9), Wipha lại duy trì cường độ đến 9 tiếng đồng hồ. Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết bão nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, được tiếp thêm năng lượng và động lực.
Ban đầu, khi mới vào Biển Đông, lưỡi áp cao cận nhiệt đới đã đẩy bão di chuyển nhanh. Tuy nhiên, khi vào vịnh Bắc Bộ, lưỡi áp cao này suy yếu, khiến bão đi chậm lại và không lấn sâu vào đất liền. "Do đi chậm, lại không lấn sâu vào đất liền nên cường độ bão được bảo lưu lâu hơn, gió ở vùng ven biển vì thế cũng lâu hơn", ông Hưởng nhấn mạnh.

Bão Wipha đã gây gió mạnh trên diện rộng từ ven biển Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Trạm Tiên Yên (Quảng Ninh) ghi nhận gió mạnh nhất trên đất liền cấp 10, giật cấp 14. Các khu vực ven biển khác như Cửa Ông, Quảng Hà (Quảng Ninh), hay Ba Lạt (Hưng Yên), Hòn Dấu (Hải Phòng) cũng chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh cấp 8-12.
Cùng với gió, mưa lớn là mối lo ngại hàng đầu. Từ 7h hôm qua đến 13h hôm nay, nhiều nơi ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có lượng mưa từ 100-200 mm, thậm chí vượt 300 mm. Điển hình là Nga Sơn (Thanh Hóa) với 412 mm, Sầm Sơn 379 mm. Mưa lớn cũng gây sóng cao 3,5m tại Bạch Long Vĩ và nước dâng do bão tại Hòn Dấu (Hải Phòng) và Ba Lạt (Hưng Yên).
Cảnh báo khẩn cấp: Từ đêm 22/7 đến sáng 23/7, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La tiếp tục có mưa to đến rất to (40-80 mm, cục bộ trên 150 mm). Đặc biệt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, và ngập lụt ở vùng trũng thấp do mưa có cường suất lớn (trên 100 mm trong 3 giờ).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo về sự nguy hiểm cực độ trên biển và vùng đất liền ven biển trong khu vực áp thấp nhiệt đới. Mọi phương tiện, công trình như tàu du lịch, tàu vận tải, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển đều đối mặt với nguy cơ cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn.

Thống kê sơ bộ đến 17h, gần 11.800 người dân đã được sơ tán, trong đó nhiều nhất là Hải Phòng và Ninh Bình. Bão cũng đã gây tốc mái 79 ngôi nhà ở Nghệ An và làm ngập hơn 107.000 ha lúa, chủ yếu ở Ninh Bình. Một số sự cố đê điều cũng đã xảy ra tại Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông đã xuất hiện ba cơn bão, trong đó có hai cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cơ quan khí tượng dự báo từ nay đến tháng 10, Biển Đông có thể đón khoảng 7 cơn bão nữa, với 3 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Mặc dù Wipha đã suy yếu, hoàn lưu và dải hội tụ nhiệt đới vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn. Người dân các tỉnh thành cần hết sức cảnh giác và chủ động các biện pháp phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Tin cùng chuyên mục








-
Lũ ngập đến mái, người dân hốt hoảng bỏ nhà chạy trong mưa lớn (22/07)
-
Mỹ rút khỏi UNESCO (22/07)
-
Cảnh sát đập vỡ kính xe, đấm tài xế vì không bật đèn pha (22/07)
-
Đắm tàu có 4 thuyền viên trong đêm tại Quảng Ninh (22/07)
-
Món từ nội tạng thường được người Việt ăn sáng lên đài Hàn Quốc, du khách nhận xét: "Đúng là kiệt tác!" (22/07)
-
Anh em sinh đôi người Việt tử nạn tại Đức: Người gây tai nạn sử dụng khí cười (22/07)
-
Hạ Campuchia, U23 Việt Nam vào bán kết giải Đông Nam Á (22/07)
-
"Bom tấn" Gyokeres đã nổ (22/07)
-
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo "kiếm" được hơn nghìn tỷ một ngày (22/07)
-
Kẻ hạ gục Conan (22/07)
Bài đọc nhiều




